TTCT - Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thông qua việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tương đương 4.600 MW, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Vậy để bù vào 4.600 MW (con số từ quyết định số 1734/QĐ-TTg là 10.700 MW) công suất điện hạt nhân này, nguồn điện nào sẽ được thúc đẩy đầu tư để thay thế? Đóng góp từ nguồn điện gió chưa đáng kể trong thực tế và cả trong quy hoạch hiện nay-Chí Quốc Mở đường cho nhiệt điện than?Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam tiếp tục xác định nhiệt điện đốt than làm trọng tâm phát triển nguồn điện.Năm 2020, cả nước sẽ có 31 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 25.787 MW, chiếm 42,7% cơ cấu công suất nguồn điện và chiếm 49,3% tỉ trọng điện năng sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than.Năm 2030, cả nước sẽ có 52 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 55.252 MW, chiếm 42,6% cơ cấu công suất nguồn điện và chiếm 53,2% tỉ trọng điện năng sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.Để đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than, vấn đề huy động tài chính là cực kỳ quan trọng cùng với việc đảm bảo nguồn cung than ổn định lâu dài, bên cạnh việc xem xét hiệu quả kinh tế và kiểm soát chặt chẽ các tác động đến môi trường và xã hội.Hiện nay, các định chế tài chính phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)... đã chấm dứt cho vay các dự án nhiệt điện than. Năm 2015, các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) đã cam kết kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay dự án nhiệt điện than.Gần đây nhất, một số ngân hàng thương mại ở Pháp như Societe Generale, Credit Agricole và BNP Paribas cũng đã ngưng cho vay các dự án nhiệt điện than. Do vậy, nguồn vốn vay từ các định chế tài chính phát triển hoặc từ các ngân hàng tại các nước phát triển hầu như rất ít cơ hội, nếu không muốn nói là không còn cơ hội.Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã bị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US EximBank) ngừng xem xét cấp vốn năm 2013, do chính quyền Obama thực hiện các cam kết về cắt giảm phát thải khí nhà kính là một ví dụ cụ thể.Theo báo cáo “The end of coal? Coal finance report card 2015” do ba tổ chức Rainforest Action Network, BankTrack và Sierra Club hợp tác thực hiện cho thấy năm 2014, trong 10 ngân hàng hàng đầu thế giới thực hiện cho vay các dự án nhiệt điện than thì Trung Quốc đã có 6 ngân hàng, cho vay đến 19 tỉ USD trên tổng số 28,9 tỉ USD, chiếm đến 65,7% nguồn vốn vay toàn cầu về nhiệt điện than.Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì các khoản vay này đều gắn liền với việc xuất khẩu thiết bị công nghệ của các nhà thầu Trung Quốc. Hậu quả của thiết bị công nghệ nhiệt điện than Trung Quốc đã nhãn tiền qua các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2, Quảng Ninh, Thái Bình 1 và 2, Mạo Khê, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng 1 và 2, Duyên Hải 1...Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã tổng hợp các tác động ô nhiễm trong báo cáo với Bộ Công thương về việc đề nghị dừng thực hiện các dự án nhiệt điện than, phát hành ngày 25-10-2016. Thực tế cho thấy cái giá phải trả cho thiết bị công nghệ nhiệt điện từ Trung Quốc không hề rẻ.Để đảm bảo nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam cần nhập 33 triệu tấn than từ năm 2020 và 89 triệu tấn than từ năm 2030. Ngoài vấn đề phụ thuộc nguồn than nhập khẩu làm đe dọa an ninh năng lượng, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu và vận chuyển than cũng là một thách thức rất lớn.Với việc phân bố các nhà máy nhiệt điện than khắp cả nước, trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang... nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khí thải, tro xỉ và nước thải từ các nhà máy này là rất nghiêm trọng.Cũng theo VSEA và NCDs-VN, trong kiến nghị với Bộ Công thương kể trên, hơn 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành đã cho thấy mối nguy hiện hữu cho môi trường, sức khỏe người dân và gây áp lực cho các nhà quản lý.Mối lo này sẽ còn lớn hơn nữa nếu có thêm khoảng 40 nhà máy nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được xây dựng trên cả nước vào năm 2030.Nhiệt điện than không phải là lựa chọn về phát triển nguồn điện để vừa đảm bảo hài hòa mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.Ngay cả khi xác định phát triển nhiệt điện than, việc huy động tài chính từ các nước phát triển hoặc các tổ chức hỗ trợ phát triển dường như là bất khả thi, và lựa chọn khả dĩ nhất chỉ là từ Trung Quốc với những rủi ro lâu dài chưa lường hết được.Năng lượng tái tạo, lựa chọn nào?Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050” do Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) và VSEA công bố ngày 12-5-2016, tới năm 2050 năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện năng của Việt Nam.Bà Phạm Cẩm Nhung, quản lý Chương trình Năng lượng bền vững của WWF-Việt Nam, cho biết: “Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia tiên phong phát triển ngành năng lượng sạch và tái tạo. Năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35% trong khi năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2050. Năng lượng tái tạo là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam”.Báo cáo này đưa ra ba đề xuất: Kịch bản phát triển thông thường, Kịch bản phát triển năng lượng bền vững và Kịch bản phát triển năng lượng bền vững tối ưu. Kịch bản phát triển thông thường dựa vào nguyên liệu hóa thạch và các công nghệ lạc hậu, không hiệu quả, gây ra nhiều khí thải.Hai kịch bản phát triển năng lượng bền vững đều cho thấy tới năm 2050, trên phương diện kỹ thuật và kinh tế, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng từ 81% đến 100% nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp giảm tới 80% lượng khí thải cacbon.Trong khi đó, Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng xác định phải đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối..., từng bước gia tăng tỉ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.Có thể thấy so với “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam - Tầm nhìn đến năm 2050” thì Quy hoạch điện VII điều chỉnh khiêm tốn hơn nhiều.Tuy vậy, nếu với tiến độ xây dựng khung pháp lý cho năng lượng tái tạo cũng như tiến độ đầu tư như hiện nay, chỉ tiêu 9,9% nguồn năng lượng tái tạo năm 2020 với công suất 6.004 MW so với khoảng 2.046 MW là thách thức lớn.Trước giai đoạn 2011-2012, gần 50 dự án điện gió được đăng ký đầu tư với tổng công suất lên tới 4.876 MW, các năm 2013-2014 hàng loạt dự án điện gió với số vốn đăng ký hàng tỉ USD được các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau... cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng đến nay dù có chính sách hỗ trợ đầu tư điện gió, mới có bốn dự án chính thức phát điện lên lưới với tổng công suất chỉ 160 MW, quá xa so với mục tiêu 800 MW vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030.Nghĩa là trong 5 năm vừa qua chỉ phát triển trung bình 32 MW/năm, trong khi đó trong 4 năm tới cần đến 175 MW/năm, mỗi năm còn nhiều hơn thành tích 5 năm cộng lại và sau năm 2020 cần đầu tư 520 MW/năm. Không thể đạt mục tiêu này nếu không có chính sách thu hút đầu tư phù hợp.Tương tự, thống kê của Bộ Công thương cho thấy hiện nay có khoảng 30 dự án năng lượng mặt trời đã đăng ký đầu tư với tổng công suất khoảng 1.500 MW, nhưng hầu như đều “án binh bất động” chờ cơ chế hỗ trợ, mà quan trọng nhất là giá mua điện.Sau khi Hiệp định khí hậu Paris đạt được đồng thuận tháng 12-2015 và chính thức ký kết tháng 4-2016, nguồn vốn đầu tư cho tài chính khí hậu gia tăng mạnh mẽ, trong đó tập trung chủ yếu vào đầu tư cho năng lượng tái tạo.Các định chế tài chính phát triển như WB, ADB, EIB, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)... cùng các quỹ đầu tư tư nhân như Dragon Capital, Armstrong Asset Management, Equis Fund Group... cũng cam kết gia tăng nguồn vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.Tuy nhiên, điều mà thị trường đang thật sự thiếu đó là các dự án có tính khả thi, khi mà môi trường pháp lý về năng lượng tái tạo của Việt Nam còn chưa hoàn thiện.Như vậy, cần có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, quan trọng nhất là phải tính đến toàn bộ chi phí vòng đời dự án để có cái nhìn tổng thể nhằm có giá điện hợp lý cho năng lượng tái tạo. Không thể cứ mãi phụ thuộc vào nhiệt điện than với những thách thức trong huy động nguồn vốn và an ninh năng lượng, cũng như nguy cơ về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.■Ngày 5-5-2016, tại cuộc làm việc ở bang Washington (Mỹ) với các lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã đề cập đích danh Việt Nam khi nói về sự liên quan giữa nhiệt điện than và những tác động đến biến đổi khí hậu: “Nếu Việt Nam tiến hành lắp đặt 40 GW (hay 40.000 MW) nhiệt điện than và toàn bộ khu vực thực thi các kế hoạch nhiệt điện than, tôi nghĩ cuộc sống sẽ kết thúc. Đây sẽ là một thảm họa cho hành tinh của chúng ta”. Ông Kim cho biết chỉ riêng Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đã chiếm đến 75% các nhà máy nhiệt điện than được dự kiến xây mới trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới. Tags: Năng lượng tái tạoĐiện mặt trờiNhiệt điện thanĐiện gióDừng điện hạt nhân
Việt Nam và Bulgaria trao đổi sâu các biện pháp nâng tầm quan hệ DUY LINH 25/11/2024 Tại cuộc hội đàm ngày 25-11, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng, biện pháp để tăng cường hợp tác, nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.