Công nhân tham gia sản xuất ở nhà máy của doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN - Ảnh: H.N.
Theo các chuyên gia, dòng vốn từ châu Âu là dòng vốn chất lượng cao, nên đây cũng là cơ hội giúp VN cải thiện giá trị gia tăng, đón nhận chuyển giao công nghệ ở khối kinh tế tư nhân trong nước.
Trung tâm mới của doanh nghiệp EU tại ASEAN
Ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương - cho biết hoạt động đầu tư từ châu Âu vào VN trước giờ khá khiêm tốn do các nhà đầu tư châu Âu mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa.
Tuy nhiên, các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi và đây là cơ hội để giảm phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á.
"Cùng với thu hút dòng vốn đầu tư, VN cũng sẽ có động lực thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính phù hợp đón dòng vốn này" - ông Cung nhận xét.
Theo ông Lương Văn Khôi - phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ KH-ĐT, trong Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - VN (EVIPA), VN sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tạo thuận lợi tương đương với các nhà đầu tư trong nước, mở cửa thị trường của VN với EU cũng cao hơn các nước khác và trong WTO.
Ngoài ra, VN cũng cam kết bảo hộ đầu tư, có các quy tắc như không trưng thu và quốc hữu hóa trái pháp luật, hoặc đảm bảo đền bù thỏa đáng nếu trưng thu và quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư EU...
"Với những quy định chặt chẽ như vậy, EVIPA sẽ có tác động tích cực trong thu hút đầu tư vào VN, không chỉ EU mà các nhà đầu tư khác nhằm tận dụng được những ưu đãi thuế khi xuất sang thị trường EU" - ông Khôi cho biết.
Hiệp định này cũng cho phép các nhà thầu nước ngoài tham gia gói thầu có sử dụng vốn nhà nước, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn khi đầu tư, nhưng ngược lại cũng có thể tác động đến hoạt động đấu thầu tạo sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đây là dòng vốn chất lượng cao nên có thể tận dụng công nghệ nguồn, các lĩnh vực đầu tư xanh, sạch, năng lượng tái tạo...
Trong khi đó, theo ông Nicolas Audier - chủ tịch EuroCham Việt Nam, EVIPA mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa thương mại và đầu tư EU - VN.
Ngoài những lợi ích kinh tế thu được, các doanh nghiệp EU cũng tin rằng 2 hiệp định này sẽ ảnh hưởng tích cực với những vấn đề xã hội và môi trường. Bởi EVIPA sẽ giúp việc tăng cường thu hút FDI từ EU thuận lợi hơn, đưa VN trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU ở Đông Nam Á.
"72% doanh nghiệp đồng ý rằng EVFTA sẽ giúp VN trở thành trung tâm của các doanh nghiệp châu Âu trong khối ASEAN, một tỉ lệ đồng thuận rất cao" - ông Nicolas Audier nói.
Thay đổi để đón dòng đầu tư mới
Nhìn nhận EVIPA sẽ giúp các nhà đầu tư châu Âu và từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác đẩy mạnh đầu tư vào VN nhưng TS Phan Hữu Thắng, nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng VN cần nỗ lực để có môi trường đầu tư cạnh tranh hơn nữa.
Theo ông Thắng, vấn đề của VN là làm sao khắc phục được những hạn chế hiện tại của môi trường đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách.
Đặc biệt, phải đảm bảo sự nhất quán, dễ hiểu và hiểu đúng tinh thần luật về tất cả các nội dung liên quan đến đầu tư - kinh doanh của các nhà đầu tư trong tất cả các bộ luật liên quan, bởi nhà đầu tư cần sự rõ ràng. Chỉ khi có một môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh cao hơn, nổi trội hơn so với các nước trong khu vực, VN mới giành được thế thắng trong thu hút cạnh tranh đầu tư quốc tế.
Cũng theo ông Thắng, việc cần làm lúc này là sớm đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp. Có dự án tốt, nhà đầu tư sẽ mặn mà hơn với thị trường VN.
"Nhìn nhận thực tế có thể nói quá trình cải cách thủ tục hành chính của VN thời gian qua đã tiến bộ rất nhiều, nhưng vẫn còn các khó khăn mà chỉ có các doanh nghiệp mới hiểu hết" - ông Thắng chia sẻ.
Dưới mắt nhà đầu tư, ông Michele D’Ercole - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại VN - cũng cho rằng một trong những cách để tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao nước ngoài là VN cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực.
"Các doanh nghiệp cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi thực hiện dự án đầu tư, mở rộng sản xuất" - ông Michele D’Ercole nói.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, cả EVFTA lẫn EVIPA đều là những hiệp định tiêu chuẩn cao, nên thách thức tới đây là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tháo bỏ những rào cản, tạo cơ hội cho doanh nghiệp VN bứt phá, cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.
"Các doanh nghiệp EU có những yêu cầu cao về tiêu chuẩn, quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ... Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của các công chức VN để giải quyết tranh chấp, cung cấp thông tin rất quan trọng thời gian tới" - ông Cung khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận