Điều này thể hiện qua sức hút của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Hành trình của tình quân dân
* Ông nghĩ sao về một số hiện tượng đặc biệt gần đây như Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới thu hút rất đông người dân đến tham quan, hay các triển lãm quốc phòng cũng vậy?
- Khi bảo tàng nằm ở vị trí mới (đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với khuôn viên rộng và công nghệ trưng bày tiên tiến, nhiều người hy vọng những trận chiến vĩ đại như trận Điện Biên Phủ được thể hiện thế nào ở bảo tàng mới.
Những ngày qua, trong đoàn khách đến thăm bảo tàng có rất nhiều gia đình đưa con em đi xem.
Họ muốn đi xem, đồng thời dẫn con cháu theo để giáo dục về lịch sử quân sự, lịch sử đất nước cho con cháu.
Còn triển lãm quốc phòng thu hút đông người dân tới tham quan bởi ở vị trí địa chính trị như Việt Nam thì người dân nào cũng mong muốn quân đội hùng mạnh để có thể bảo vệ sự an bình cho đất nước.
Lịch sử 4.000 năm của đất nước mình là lịch sử chống giặc ngoại xâm, giữ nước, nên người dân muốn đi xem để biết gần đây trang bị của quân đội mạnh lên thế nào. Họ muốn nhìn thấy sự phát triển của quân đội ta để vững tin vào nền hòa bình cho đất nước mà quân đội đang ngày đêm bảo vệ.
* Sự quan tâm của người dân tới quân đội, quốc phòng cũng thể hiện tình cảm quân dân đặc biệt, thưa ông?
- Đúng thế. Trải qua bấy nhiêu cuộc chiến tranh có thể thấy sự phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gắn bó với nhân dân. Có thể nói hành trình của quân đội là hành trình của tình quân dân.
Quân đội ta từ 34 chiến sĩ với gậy tầm vông, giáo mác, súng kíp đến chiến tranh chống Pháp chúng ta có pháo, đánh Mỹ chúng ta có tên lửa...
Nay năng lực quân sự của ta có sự phát triển mới thì đương nhiên người dân rất quan tâm, tìm mọi cách để tiếp cận với hy vọng khi chúng ta có vũ khí mới thì chúng ta sẽ bảo vệ Tổ quốc tốt hơn.
Sức mạnh không chỉ nằm ở vũ khí
* Và sức mạnh của quân đội ta chắc chắn không chỉ nằm ở vũ khí tối tân hiện đại, bởi chúng ta đã bao phen chiến đấu và giành chiến thắng những đội quân được trang bị vũ khí hiện đại hơn ta gấp nhiều lần?
- Bảo vệ hòa bình không chỉ nhờ vào vũ khí tối tân hiện đại, mà còn có truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta nữa. Cũng một thứ vũ khí ấy có khi các nước khác không thể phát huy tốt được như chúng ta.
Với tên lửa SAM 2 Liên Xô trang bị trước đây, người Mỹ nghĩ rằng chúng ta không thể nào chống được B52, nhưng trong 12 ngày đêm, quân ta đã làm cho lực lượng B52 của Không quân Mỹ bị thiệt hại nặng nề.
Trong chiến tranh chống Mỹ, tôi nghe nói đường ống dẫn dầu Liên Xô đưa sang Afghanistan không thành công nhưng cũng đường ống ấy được đi trong sự bảo vệ, đùm bọc của nhân dân ta và nhân dân Lào thì thành công, dù đường ống ấy phải đi giữa mưa bom bão đạn.
Hồi ấy tôi ở binh chủng làm đường ống dẫn dầu trên đường Trường Sơn, chứng kiến không biết bao nhiêu kỳ tích của bộ đội ta đã làm được với đường ống dẫn dầu này.
Chỉ cần một mảnh bom rơi vào đường ống thôi là có thể bùng cháy và máy bay địch sẽ bâu lại đánh.
Thế mà đường ống của chúng ta đã vượt qua hàng ngàn cây số gian nguy như thế để phục vụ cho chiến trường, đặc biệt để đảm bảo cho Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bất kỳ phương tiện hiện đại nào vào tay Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự lãnh đạo của Đảng và sự mưu trí của những người chỉ huy cũng như ý chí của quân đội, của những người lính thì hiệu quả của vũ khí đó được nâng lên gấp bội để chống lại kẻ thù xâm lược.
* Theo ông, điều gì đã làm nên sức mạnh ấy của quân đội ta?
- Sức mạnh của quân đội ta trước hết đến từ tình yêu nước của những công dân Việt Nam, thứ hai là sự rèn luyện qua đấu tranh gian khổ và thứ ba là được tôi luyện trong tình đồng đội và sự đùm bọc của nhân dân.
Tất nhiên sức mạnh của quân đội nằm ở sự kỷ luật, nhưng trong quân đội, công tác giáo dục chính trị tư tưởng rất quan trọng và phải đúng cách, nhiều khi không phải là các khẩu hiệu mà phải là cái gì đó rất cụ thể giữa mặt trận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận