Nhóm bác sĩ bế em bé đầu tiên trên thế giới sinh ra từ phương pháp ghép tử cung hiến của một người đã chết tại bệnh viện ở Sao Paulo, Brazil - Ảnh: Reuters
Theo ông Mai Hồng Bàng - giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, bệnh viện này đã ghép phổi, ghép giác mạc, ghép thận... và đến sau năm 2020, bệnh viện sẽ ghép chi, ghép gân, ghép tử cung.
Về mặt sinh học, các cơ quan nội tạng của người sống và người chết không có gì khác nhau. Tuy nhiên, khả năng dễ tiếp cận hơn của những người hiến đã chết chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn hơn cho nhiều người bệnh.
Tiến sĩ Allan D. Kirk
Việt Nam làm được
Với các trường hợp có thể ghép tử cung, ông Hồng Bàng cho rằng có cơ hội hiến - ghép trong trường hợp con gái có bất thường về tử cung, không thể mang thai được, mẹ có thể hiến tặng tử cung để ghép cho con gái. Bên cạnh đó, có thể có nguồn tử cung từ người hiến đã chết não.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia về hỗ trợ sinh sản Hồ Mạnh Tường chia sẻ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoặc hỗ trợ sinh sản với các trường hợp có tử cung được cấy ghép không khác lắm so với các phụ nữ có tử cung bình thường, các bác sĩ chuyên về hỗ trợ sinh sản ở VN hoàn toàn có thể thực hiện được kỹ thuật này cho các trường hợp ghép tử cung.
"Tại VN hiện đã cho phép nhờ mang thai hộ nếu người mẹ không có tử cung, có bất thường không thể tự mang thai và sinh con. Tôi cho rằng việc cấy ghép tử cung mang ý nghĩa phát triển kỹ thuật mới..." - bác sĩ Tường nói.
"Hạng mục mới" của y khoa thế giới
Mới đây, thành tựu cột mốc của y khoa thế giới được công bố trên tạp chí The Lancet ấn bản mới nhất. Theo đó, tại Sao Paulo, Brazil, một phụ nữ 32 tuổi bị thiếu tử cung bẩm sinh do mắc hội chứng hiếm gặp đã sinh được một bé gái khỏe mạnh nặng 2,7kg nhờ vào tử cung hiến tặng của một phụ nữ 45 tuổi (có 3 con, qua đời vì đột quỵ). Đây là ca ghép tử cung thành công đầu tiên tại châu Mỹ Latin. Em bé sinh bằng phương pháp mổ đẻ.
Tiến sĩ Allan D. Kirk - bác sĩ phẫu thuật chính tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe Đại học Duke (Duke University Health System) có trụ sở tại North Carolina, Mỹ, một chuyên gia không tham gia trong nghiên cứu ở Brazil - nhận định về thành tựu đột phá: "Chúng ta đã nói về những ca ghép cứu lấy sự sống. Còn đây là ca ghép tạo ra sự sống, đó là một hạng mục mới".
Ông Dani Ejzenberg - bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Sao Paulo, người chủ trì nghiên cứu ghép tử cung hiến của người chết - cho biết ca phẫu thuật ghép kéo dài 10 tiếng. Khoảng 7 tháng sau khi ghép tử cung, nhóm nghiên cứu mới có thể chắc chắn là cơ thể người mẹ không còn đào thải bộ phận này.
Hơn 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản toàn cầu bị vô sinh. Trong tương lai các bệnh nhân có thể tìm tới các ngân hàng cung cấp tạng hiến thay vì phải tìm kiếm những người hiến tạng tình nguyện.
Tiến sĩ Srdjan Saso thuộc Đại học Imperial College London (Anh) cho rằng thành tựu mới là "vô cùng tuyệt vời vì nó giúp chúng ta có thể sử dụng một nguồn hiến tạng lớn hơn, giảm bớt chi phí và tránh được những nguy cơ trong phẫu thuật với người hiến tạng còn sống".
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu hi vọng tiếp tục giảm thiểu các tác dụng phụ và những chi phí liên quan tới phẫu thuật dạng này bằng cách giảm bớt số thuốc ức chế miễn dịch những người được ghép tạng phải dùng. Tuy nhiên giới y học cũng cho rằng cần có thêm thời gian để đánh giá có hay không sự khác biệt trong các kết quả lâu dài giữa những ca ghép tạng hiến từ người đã chết và tạng hiến từ người đang sống.
Kể từ năm 2013, đã có ít nhất 11 em bé được sinh ra từ 39 ca ghép tử cung từ người hiến còn sống. Và với thành tựu mới được ghi nhận ở Brazil, ghép tử cung từ người hiến đã chết, những cơ hội điều trị vô sinh do nguyên nhân tử cung ở phụ nữ sẽ được mở rộng hơn nữa trong tương lai. Theo báo New York Times, trước thành công tại Brazil đã có 10 ca ghép tử cung được hiến từ người chết khác được thực hiện thời gian qua tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và CH Czech nhưng đều không thành công hoặc bị sảy thai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận