Việc học sinh cả nước được nghỉ học dài ngày do dịch COVID-19 và chưa biết còn nghỉ tới lúc nào là chuyện chưa từng có ở nước ta. Nhưng nếu nhìn xa hơn sẽ thấy đây cũng là "tiền lệ" để ngành giáo dục có thể nhìn lại và quyết liệt tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ nền giáo dục, cả về nội dung, chương trình lẫn cách thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá…
"Nghỉ học - đi học trở lại - nghỉ học" - điệp khúc này khiến gần như cả xã hội hồi hộp dõi theo và sau khi có quyết định thì lo lắng cho những ngày sắp đến, khi con không đến trường.
Nên nghỉ học tất cả hay chỉ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, còn học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học, cao đẳng vẫn có thể đến trường?
Nên tổ chức cho con em học ở nhà ra sao: học online, học qua truyền hình, tự học? Ngoài học ra thì cho con chơi như thế nào, trang bị cho con những kỹ năng cần thiết ra sao…?
Những vấn đề đặt ra từ thực tế đó cũng là sự thúc bách, đòi hỏi về một sự "lột xác" cần thiết của ngành giáo dục trong tình hình mới, nhất là khi có tình trạng bất khả kháng xảy ra.
Những băn khoăn, trăn trở trên đây sẽ ít căng thẳng hơn nếu nội dung giáo dục bấy lâu nay không đặt nặng việc truyền thụ kiến thức mà chuyển sang phát triển kỹ năng.
Về dạy - học: thầy chuyển từ thuyết giảng, một chiều sang trao đổi, thảo luận, truyền cảm hứng, thầy dẫn dắt cuộc chơi, làm trọng tài, trò làm chủ kỹ năng thông qua nhiều cách học khác nhau: học trực tiếp, trực tuyến, học từ xa, tự học ở nhà…
Về kiểm tra, đánh giá: Bộ GD-ĐT làm đúng chức năng quản lý nhà nước, trong đó quan trọng là tạo luật chơi, hướng dẫn chơi, hậu kiểm bằng kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, khen thưởng…
Thực ra yêu cầu đổi mới giáo dục cũng đã được đặt ra cấp thiết nhiều năm qua, thể hiện rõ nhất trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT công bố cuối năm 2018, thực hiện từ năm học 2020-2021.
Bộ đã khẳng định: "Những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu.
Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu".
Trong nguy có cơ, COVID-19 có thể làm đảo lộn nhịp sống của nhiều nhà, đặt ngành giáo dục trước nhiều thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội để quyết liệt hiện thực hóa "thiết kế mới" của nền giáo dục.
"Trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội" - đó không còn là xu thế nữa, đó là nhu cầu cấp thiết, rõ ràng nhất, thuyết phục nhất nhìn từ dịch COVID-19 đang diễn ra.
Nếu không nhìn ra và tận dụng "cơ trong nguy" này, giáo dục sẽ vẫn mãi loay hoay trong câu hỏi lớn về đổi mới giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận