Một giờ học chuyên ngành truyền thông của sinh viên Mỹ - Ảnh: N.HUY
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương (cựu nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật):
Nhật Bản nhấn mạnh "năng lực sống"
Ở tầm vĩ mô, triết lý giáo dục Nhật được quy định rõ ngay trong điều 1 của Luật giáo dục cơ bản, theo đó phải tạo ra người công dân dân chủ có đầy đủ phẩm chất, năng lực, thái độ phù hợp với nước Nhật Bản "Hòa bình, dân chủ, tôn trọng nhân quyền".
Gần đây trong Luật giáo dục cơ bản sửa đổi (2006), Nhật Bản nhấn mạnh thêm về "năng lực sống", trong đó có năng lực tự học, tự mình tìm ra và giải quyết vấn đề trong bối cảnh xã hội biến đổi nhanh chóng.
Thay cho kỳ thi THPT quốc gia như Việt Nam, Nhật tổ chức "kỳ thi thứ nhất", theo hình thức trắc nghiệm các môn thí sinh cần để vào ĐH, nhưng không xét đậu rớt mà chỉ báo điểm. Các ĐH từ đó tổ chức "kỳ thi thứ hai", dựa trên điểm số kỳ thi thứ nhất, để sàng lọc sinh viên, thông qua nhiều cách đánh giá như viết luận, phỏng vấn… tùy từng nơi.
Học sinh Nhật cũng đi học thêm nhiều, tuy nhiên những thầy cô dạy thêm ở các trung tâm, gọi là Juku hay trường Yobiko (trường dự bị), là các giáo viên tự do hoặc thuộc cơ sở đó, không thuộc hệ thống trường giáo dục quốc dân. Luật ở đây nghiêm cấm giáo viên đang giảng dạy ở các trường phổ thông dạy thêm.
Trên lớp, giáo viên Nhật được đảm bảo tự do thực tiễn khi không nhất thiết dạy như sách giáo khoa hay thậm chí là cả chương trình quốc gia. Các trường, địa phương, từng giáo viên có thể thiết kế chương trình riêng với nội dung, phương pháp sáng tạo miễn đúng luật và đảm bảo mục tiêu giáo dục.
Điều này tương đối khác ở Việt Nam với tâm lý giảng dạy là đơn thuần truyền đạt kiến thức thông tin. Vì thế, giáo viên vô hình trung buộc phải dạy hết bài, hết nội dung trong chương trình, sách giáo khoa. Khi phải truyền đạt lượng lớn thông tin trong thời gian có hạn, tất yếu sẽ quá tải.
TS Nguyễn Đông Hải (giảng viên vật lý, ĐH Tennessee Wesleyan, Mỹ):
Mỹ cân bằng 3 yếu tố
Sống và dạy học ở Mỹ hơn 10 năm, tôi biết rằng chương trình ở Mỹ cũng "nặng" không khác Việt Nam là bao. Chẳng hạn môn toán cấp III ở Việt Nam học về logarit, nhiều người nói rằng cao siêu, nhưng ở Mỹ chương trình lớp 11 cũng có nội dung này. Trước đây, dư luận trong nước từng xôn xao việc một chuyên gia đề xuất cho học sinh tiểu học học xác suất thống kê, tuy nhiên con tôi ở Mỹ đã học vào năm lớp 2.
Chương trình không khác nhau là bao nhưng nhìn chung cảm giác học ở Mỹ nhẹ nhàng hơn, mấu chốt nằm ở cách thực hiện. Giáo dục Mỹ cân bằng rất tốt 3 yếu tố: trí lực, thể lực và đạo đức. Về thể lực, các trường chú trọng những giờ thể dục thể thao, không như nhiều trường Việt Nam chỉ xem đây là tiết… cho có, không giúp nâng cao thể chất. Lên cấp II, mỗi học sinh ở Mỹ đều có một hoặc hai môn thể thao sở trường và tiếp tục phát triển ở cấp III và ĐH.
Ngoài tiết thể dục, con tôi cũng có những giờ được trường dành hẳn cho chơi ngoài sân. Trường rất coi trọng và khuyên cha mẹ nên dành thời gian cho con sau giờ học. Có lần, tôi thắc mắc với cô giáo vì sao không giao bài tập về nhà cho con, giáo viên nói rằng ở trường đã học nhiều, buổi tối là lúc để các em dành cho những mối quan tâm khác.
Về đạo đức, chương trình không có những môn đạo đức, thay vào đó các trường chú trọng dạy làm người trong từng phút ở trường. Từ thầy cô đến thủ thư, phục vụ căngtin… mỗi người đều là một nhà giáo dục truyền đạt sự tử tế, tận tâm công việc đến các em, có giá trị hơn nhiều so với các bài giảng đạo đức lý thuyết.
Về trí lực, cần thừa nhận rằng đề thi ở Việt Nam thường rất khó so với kiến thức trong trường. Nhiều em học toát mồ hôi năm 12 nhưng vẫn không dễ dàng vượt qua đề thi, đến cả nhiều thầy cô còn vất vả mới giải xong.
Ở Mỹ, học nhẹ thì thi nhẹ. Dù vẫn có những kỳ thi làm điều kiện xét tuyển vào ĐH như SAT, ACT nhưng phần lớn không quá lo lắng vì các em đều ý thức rằng thành công ngoài đời không quyết định bởi việc bạn tính toán "sin cos" giỏi thế nào. Hơn nữa, dẫu bài thi cũng hỏi rộng nhưng nội dung các bài toán đòi hỏi tư duy thực tiễn cuộc sống hơn là những bài phức tạp mà không ứng dụng nhiều.
Đặc biệt, các kỳ thi do đơn vị tư nhân độc lập đảm nhận, từ đó gần như hạn chế "bệnh thành tích".
Ông Giản Tư Trung (viện trưởng Viện Giáo dục IRED):
Lấy "hiếu tri" làm gốc
Việt Nam vẫn luôn tự hào là một đất nước hiếu học, tuy nhiên nhìn lại những thành tựu về khoa học, công nghệ, kinh tế, nghệ thuật, thể thao... vẫn còn rất khiêm tốn so với thế giới. Dường như sự hiếu học ở ta chưa đồng nhất ở sự "hiếu tri" - khát khao hiểu biết - mà phần lớn chỉ là "hiếu điểm", "hiếu bằng", "hiếu danh"... Tất nhiên theo đuổi bằng cấp cũng là điều rất tốt khi bằng cấp đó tương xứng với sự hiểu biết và năng lực của mình.
Để có tinh thần "hiếu tri", ngay từ nhỏ học sinh cần được giáo dục về mục đích của việc học, học để làm gì. Nhiều quốc gia tiên tiến, từ những cấp học nhỏ đã không chấm điểm, cũng không xếp hạng. Như thế con trẻ đi học chỉ quan tâm đến sự hiểu biết mà không cần quan tâm đến điểm số hay chuyện hơn thua với người khác. Học tập với chúng là vượt lên chính mình, để thấy hiểu biết hôm nay của mình phải hơn hôm qua.
Sâu xa hơn, giáo dục khai phóng sẽ giúp con trẻ hình thành tinh thần "hiếu tri" một cách hiệu quả nhất. Mà bản chất của giáo dục khai phóng là giáo dục nhân bản. Cụ thể, giáo dục khai phóng hay giáo dục nhân bản lấy con trẻ làm gốc, lấy "sự khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng" của mỗi đứa trẻ làm lý tưởng của giáo dục cả gia đình và nhà trường nhằm hình thành "nhân tính, quốc tính và cá tính" cho con trẻ.
Trẻ "hiếu tri" sớm sẽ hình thành một nếp học và nếp học đó sẽ đi theo họ suốt đời. Cần tâm niệm: không có trẻ con dở, chỉ có trẻ con chưa giỏi; không có trẻ em hư, chỉ có trẻ em chưa ngoan, để bao dung với các em hơn, tin vào các em hơn, từ đó giúp các em có được tinh thần "hiếu tri" này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận