11/09/2019 09:38 GMT+7

Cơ hội cuối cho công nghiệp ôtô VN? - Kỳ 3: Doanh nghiệp Việt nỗ lực "tự bơi"

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Dù quyết tâm làm công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều trở ngại do không có đủ nguồn lực về vốn để đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng trong khi chưa nhận được sự hỗ trợ phù hợp.

Cơ hội cuối cho công nghiệp ôtô VN? - Kỳ 3: Doanh nghiệp Việt nỗ lực tự bơi - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở Công ty TNHH Tâm Hợp - Ảnh: N.AN

Theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, quá trình thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi nhiều chi phí và kinh nghiệm khi vừa phải tung khuôn mẫu, máy móc mới, trong khi khả năng thành công chưa biết.

Do vậy, với nhiều doanh nghiệp, đây là khâu rất cần một cơ sở dùng chung, như trung tâm thử nghiệm đang được Nhật Bản triển khai.

Xoay xở tìm đường vào chuỗi

Năm 1995, khi Toyota đầu tư vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hoàng - công nhân cơ khí trong quân đội đã nghỉ hưu - mở một xưởng nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, linh phụ kiện để tìm cơ hội thâm nhập chuỗi cung ứng của hãng xe Nhật Bản này. Thông qua người bạn giới thiệu, ông Hoàng mang sản phẩm lên nhà máy của Toyota ở Vĩnh Phúc chào hàng và được làm việc trực tiếp với đối tác Nhật.

Thế nhưng phải mất 3 năm sau khi được những kỹ sư Nhật Bản tận tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn về kỹ thuật, xưởng sản xuất của ông Hoàng mới đáp ứng yêu cầu mà Toyota đặt ra, chính thức trở thành nhà cung cấp của hãng này.

Và cũng phải 5 năm sau khi trở thành nhà cung ứng cho Toyota với đơn hàng ổn định, năm 2004 ông Hoàng mới thành lập Công ty TNHH Tâm Hợp, mở rộng nhà máy sản xuất tại Hà Nội.

Từ 4 sản phẩm linh kiện nhỏ được Toyota đặt hàng, đến nay Công ty Tâm Hợp nhận sản xuất khoảng 400 linh kiện đơn để lắp ráp cho các dòng xe Toyota, với sản lượng mỗi tháng khoảng 3.000 xe.

Ngoài ra, ông Hoàng còn nhận làm nhà cung ứng cho Thaco Trường Hải, sản xuất khoảng 100 bộ linh kiện cho xe tải với sản lượng bình quân 1.600 xe. Doanh nghiệp này cũng vừa đàm phán xong hợp đồng để nhận sản xuất hai bộ linh kiện cho Hãng xe Vinfast.

Dù đã trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho nhiều hãng sản xuất ôtô nhưng do nguồn lực của doanh nghiệp có hạn, không có tiền mua nhiều máy móc thiết bị hiện đại nên vị giám đốc gần 70 tuổi này cùng một số kỹ sư phải tự mày mò để sản xuất thử nghiệm. Các loại máy móc sản xuất cũng đa số là máy cũ nên trong con mắt của một kỹ sư "chính hiệu", ông Hoàng không bao giờ thỏa mãn về sản phẩm của mình.

"Dù chúng tôi đã đạt yêu cầu là nhà cung ứng cho nhiều hãng xe, công ty đã thành lập được phòng kỹ thuật, nhưng công nghệ vẫn chưa đúng tầm. Nếu có vốn đầu tư mua thêm các dây chuyền tự động, máy dập, hàn, sản phẩm hoàn toàn có thể xuất khẩu được. Cũng vì vậy nhiều năm nay sản lượng của công ty không thay đổi, lại phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu của Thái Lan, Malaysia" - ông Hoàng nói.

Loay hoay tìm thêm khách hàng

Vào năm 2008, anh Nguyễn Văn Thành cùng người bạn lập nên Công ty TNHH công nghệ Thành Thắng (tại Vĩnh Phúc) chuyên sản xuất linh kiện cho ôtô và xe máy. Tuy nhiên, phải mất tới ba năm Công ty Thành Thắng mới chính thức trở thành nhà cung ứng linh kiện cho hãng xe của Nhật, nhưng cũng phải qua một nhà cung ứng cấp 1 trực thuộc của Toyota.

Đến nay, dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm sản xuất linh kiện cho các dòng xe của Toyota với khoảng 20 bộ sản phẩm, nhưng doanh nghiệp này vẫn đang loay hoay với bài toán tìm thị trường. Do sản lượng ôtô tiêu thụ thấp, mỗi tháng công ty nhận đơn hàng với số lượng khoảng 40.000 chiếc, nên phải nhận nhiều đầu sản phẩm để tăng công suất. Doanh nghiệp chỉ mới đạt khoảng 60% năng lực sản xuất.

Sản lượng đặt hàng ít, thị trường bếp bênh và rủi ro rình rập, nhiều doanh nghiệp phụ trợ đều phải chủ động tìm đơn hàng gia công, sản xuất linh kiện và xuất khẩu. Theo ông Hoàng, dù là nhà cung cấp cho nhiều hãng ôtô, nhưng 30% doanh thu của Tâm Hợp đến từ việc sản xuất gia công máy nông cụ và bán cho đối tác Nhật Bản qua các công ty trung gian với mức giá chênh 10 - 15%.

Còn tại Công ty Thành Thắng, doanh thu đến từ sản xuất linh kiện ôtô chỉ chiếm 40%, còn lại là làm gia công tủ điện cho một đối tác nước ngoài và đang tiếp tục tìm kiếm thêm khách hàng.

Theo anh Thành, với nguồn lực vốn có hạn nên phần lớn máy móc sắm sửa đều là máy đã qua sử dụng với chi phí đầu tư ban đầu "vừa phải", nên có những khách hàng khó tính yêu cầu hệ thống dây chuyền máy móc phải mới, hiện đại, doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi vì không đủ lực. Muốn thử nghiệm sản phẩm mới cũng không dễ vì chi phí không hề nhỏ.

"Để tạo lợi thế cạnh tranh, doanh nghiệp tập trung vào các chi tiết khó mà các hãng xe hiện đang phải nhập khẩu, nhưng cũng rất khó khăn. Bởi các hãng xe yêu cầu phải đáp ứng được ngay nhưng doanh nghiệp phải nghiên cứu thêm, tức phải đầu tư thêm máy móc thiết bị, thử nghiệm sản phẩm, trong khi phải tính đến bài toán hiệu quả, sản lượng có đủ lớn để đầu tư hay không" - anh Thành cho hay.

Doanh nghiệp Nhật khỏe nhờ được hỗ trợ

Trong lúc doanh nghiệp Việt đang phải nỗ lực "tự bơi", ghi nhận của Tuổi Trẻ tại Nhật, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được hỗ trợ với nhiều cơ chế miễn phí. Ông Tanaka Toshiro (Saitama, Nhật Bản) - bắt đầu khởi nghiệp cách đây hơn 10 năm với một xưởng sản xuất khuôn mẫu các chi tiết trong động cơ ôtô với các chi tiết khó - cho biết do nhu cầu đặt hàng của các đối tác đưa ra ngày càng cao nên ông đã thành lập một phòng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm.

Tuy nhiên, do không đủ nguồn lực về máy móc và con người, ông Tanaka Toshiro phải đưa mẫu thiết kế đến các trung tâm thử nghiệm sản phẩm để thử nghiệm và sản xuất mẫu.

Với chi phí phù hợp, máy móc thiết bị hiện đại và đầy đủ, ông Tanaka Toshiro luôn cảm thấy thuận tiện và hiệu quả mỗi khi thử nghiệm sản phẩm mới, vừa giúp nâng cao trình độ kỹ thuật vừa đáp ứng yêu cầu khách hàng. Nhờ vậy, dù mới là doanh nghiệp được thành lập tham gia ngành sản xuất cung ứng linh kiện phụ tùng cho ôtô nhưng công ty của ông Tanaka Tosiro vẫn sống khỏe.

"Bà đỡ" cho doanh nghiệp Nhật

vien saitec 5(read-only)

Cán bộ kỹ thuật Viện nghiên cứu thử nghiệm Saitec (trái) giới thiệu các mẫu sản phẩm thử nghiệm - Ảnh: N.AN

Viện Nghiên cứu và thử nghiệm Saitec nằm ở tỉnh Saitama (Nhật Bản) là một trong những địa chỉ hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh này. Với chi phí cho thuê máy móc chỉ hơn 200.000 đồng/giờ, doanh nghiệp có thể được sử dụng bất kỳ máy móc, trang thiết bị nào ở trung tâm để thử nghiệm, sản xuất thử.

Ông Fumiyuki Masuda, chánh văn phòng Viện Saitec, cho biết trung tâm được thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra sản phẩm tốt hơn, tập trung cho các ngành vật liệu, cơ khí, máy móc, điện và điện tử, thực phẩm...

Toàn bộ ngân sách để vận hành Saitec đều do địa phương bỏ ra, với chi phí thành lập là 25 triệu USD. Chỉ có 1/4 nguồn tiền của trung tâm thu lại từ các hoạt động cho doanh nghiệp thuê máy móc thiết bị. Tại Nhật Bản, hầu hết các địa phương đều xây dựng mô hình trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp tương tự.

"Doanh nghiệp muốn làm sản phẩm mà chưa biết cách cũng có thể đề nghị các chuyên gia kỹ thuật của Saitec hỗ trợ... Thậm chí doanh nghiệp có thể điện thoại hoặc gửi mail đề xuất hỗ trợ cũng đều được tiếp nhận" - ông Fumiyuki Masuda nói.

Tại Saitex hiện có khoảng 180 máy móc thiết bị, nhiều loại đắt tiền và hầu như doanh nghiệp không có khả năng mua. Đến Saitec, doanh nghiệp Nhật còn được nhân viên kỹ thuật tư vấn phân tích để đánh giá, thẩm định về sản phẩm, từ đó có phương pháp sản xuất phù hợp. Ngay cả những hoạt động nghiên cứu phát triển đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu sâu, doanh nghiệp cũng có thể liên hệ với Saitec để nhận hỗ trợ.

Theo ông Fumiyuki Masuda, Saitec sẽ đưa ra phiếu khảo sát tới doanh nghiệp thông qua kênh trực tiếp hoặc qua website để nắm bắt các nhu cầu, khó khăn về việc nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, những thiết bị cần... để đầu tư mua sắm. Những sản phẩm có chung bản quyền R&D, lợi nhuận sẽ được chia đều 50/50 cho hai bên. Đến nay, tỉ lệ thành công với các dự án của doanh nghiệp thử nghiệm tại Saitec luôn đạt trên 80%.

Cơ hội cuối cho công nghiệp ôtô VN? - Kỳ 2: Vào Cơ hội cuối cho công nghiệp ôtô VN? - Kỳ 2: Vào 'Detroit châu Á'

TTO - Chính sách của Thái Lan giúp quốc gia này nhanh chóng vươn lên đứng thứ 12 trên thế giới và lớn nhất ở Đông Nam Á về sản xuất ôtô hiện nay.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên