01/01/2020 09:08 GMT+7

Cơ hội chủ động cho Việt Nam

CARL THAYER  (giáo sư danh dự ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ
CARL THAYER (giáo sư danh dự ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ

TTO - Việt Nam sẽ đối mặt với khối lượng công việc nặng nề trong năm 2020, khi nhận trách nhiệm lớn hơn từ vị trí chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cơ hội chủ động cho Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia Carl Thayer - Ảnh chụp màn hình

Thách thức chính của Việt Nam là làm thế nào để theo đuổi lợi ích quốc gia trong khi phải hành động một cách vô tư trên hai cương vị này.

Ví dụ, Việt Nam phải xây dựng sự đồng thuận từ các thành viên ASEAN trong thời điểm khối đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhưng song song đó, Việt Nam phải bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Thách thức chủ yếu Việt Nam đối diện ở Hội đồng Bảo an là cách thức Hà Nội bỏ phiếu trong những vấn đề nóng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và tình hình Iran. Đây đều là những chủ đề có sự bất đồng giữa các cường quốc, đơn cử khi Trung Quốc và Nga bất đồng với Mỹ và đồng minh của Washington.

Quốc phòng và an ninh quốc gia Việt Nam sẽ trải qua một phép thử trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lãnh đạo Việt Nam đã đề ra 5 ưu tiên trên cương vị chủ tịch ASEAN, và đây là thời cơ để Việt Nam có sự lãnh đạo chủ động nhằm theo đuổi những ưu tiên này. Khẩu hiệu "Gắn kết và chủ động thích ứng" là tín hiệu cho cách tiếp cận này.

Thách thức chủ yếu sẽ là làm thế nào để thúc đẩy những chương trình xây dựng cộng đồng hiện có của ASEAN và kết nối nó với những sáng kiến mới của Việt Nam. Một là thời gian ngắn để cải thiện một cách hiệu quả năng lực thể chế và hiệu quả thể chế của ASEAN. 

Ưu tiên này rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp tới những kết quả thành công trong bốn lĩnh vực ưu tiên còn lại. Là chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng sẽ dẫn đầu toàn bộ các tổ chức liên quan của khối và cũng có thể định hình chương trình nghị sự cho phù hợp với những ưu tiên và lợi ích của mình.

Một điểm nữa, làm thế nào để Việt Nam tận dụng những thành công năm 2019 nhằm làm sức bật cho năm 2020?

Việt Nam có uy tín to lớn vì đã là sự lựa chọn nhất trí của khối châu Á tại vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và được bầu đa số phiếu trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Việt Nam sẽ bước vào năm 2020 với hai lợi thế quan trọng: có sự ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế tốt.

Trong năm 2020, kinh tế Việt Nam có khả năng hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như Hiệp định thương mại châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Điều này sẽ cung cấp đòn bẩy hữu hiệu cho việc đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Mỹ và những vòng cuối cùng để chốt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Vai trò kép sẽ giúp Việt Nam có thêm đòn bẩy trong việc đàm phán với các cường quốc hay cường quốc tầm trung. 

Nhưng quan trọng hơn, Việt Nam có thể tận dụng 16 mối quan hệ đối tác chiến lược và 12 quan hệ đối tác toàn diện để thúc đẩy các mục tiêu trong chính sách đối ngoại "vì hòa bình, hợp tác và phát triển" của mình, và sử dụng các mối quan hệ này để tự chủ trước các cường quốc, những nước có thể cố gắng gây áp lực lên Việt Nam để thuyết phục 

Hà Nội đứng cùng chiến tuyến ở những vấn đề quốc tế. Lợi ích của Việt Nam được đảm bảo tốt nhất khi Việt Nam giữ quyền tự chủ và duy trì lập trường độc lập trong các vấn đề quốc tế.

Steven Okun (cố vấn cấp cao Công ty tư vấn chiến lược quốc tế McLarty Associates):

"Việt Nam có vị thế nổi bật khi là thành viên của ASEAN và là một nền kinh tế trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài ra, với dân số đông và đặc biệt bao gồm những người trẻ đang tiến tới tầng lớp trung lưu, Việt Nam được đánh giá cao về mặt cơ hội đầu tư chứ không riêng gì thương mại. Có thể kể đến các cơ hội như dịch vụ tài chính hay chăm sóc sức khỏe".

TS Stewart Paterson (nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation):

"Tôi cho rằng Việt Nam có khả năng hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia, những người đang tìm nguồn sản xuất chi phí thấp ngoài Trung Quốc.

Tôi cũng thấy Việt Nam là một nhân tố tiềm năng có thể ủng hộ các nỗ lực duy trì tự do hàng hải của Mỹ và ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đối với việc khai thác tài nguyên vượt quá ranh giới chủ quyền của Bắc Kinh.

Tuy vậy, Mỹ không muốn thay thế một nhà cung cấp theo chủ nghĩa trọng thương bằng một nhà trọng thương khác, vì vậy những cam kết xa hơn về cải cách kinh tế của Việt Nam là điều cần thiết".

TS Zach Abuza (Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ):

"Những thế lực đứng giữa như Việt Nam thực sự cần ngoại giao khôn khéo. Việt Nam xem các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là những cách thức gắn kết sự thịnh vượng của các nước vào an ninh Việt Nam.

Đây là cách làm rất thông minh và chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua thỏa thuận thương mại gần đây với EU".

NHẬT ĐĂNG ghi


Nghỉ hưu, dọn nhà sang Việt Nam! Nghỉ hưu, dọn nhà sang Việt Nam!

TTO - Khi chi phí chăm sóc y tế và giá sinh hoạt tăng ở nhiều nước, không ít người nước ngoài về hưu đã tìm đến Việt Nam - một trong những nước được đánh giá có môi trường sống thân thiện, mức sống không đắt đỏ, nhiều món ăn ngon và cảnh đẹp.

CARL THAYER (giáo sư danh dự ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) - NHẬT ĐĂNG chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên