25/10/2014 07:16 GMT+7

​Cô học trò hiếu thảo

HÀ MY
HÀ MY

TT - Ba mất khi lao động trên biển, anh trai phải nghỉ học theo tàu đánh cá vùng biển xa, mẹ sớm hôm vất vả khiêng cá thuê, nhưng Ðinh Thị Thu Cúc luôn học giỏi.

Cúc luôn chăm chỉ giúp mẹ làm việc nhà - Ảnh: Tiến Thành

* Học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 237 học sinh, sinh viên 4 tỉnh ven biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận 
* Tài trợ: Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam

Cúc học lớp 10B Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Nhà của Cúc nằm sâu trong xóm Giã, thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Mỗi ngày Cúc vãi lúa cho đàn gà ngoài vườn. Nhìn đàn gà mổ lúa, Cúc nói: “Mươi ngày nữa là đám giỗ ba nên em ráng thúc đàn gà mau lớn để bán lấy tiền làm đám giỗ”.

Học thay phần anh trai

Bốn năm trước khi đang đánh cá gần bờ, chiếc sõng của ông Ðinh Lưu Chiến, ba Cúc, gặp sóng to bị lật khiến ông ra đi mãi mãi.

Theo thời gian, nỗi đau mất chồng đã dần nguôi ngoai, nhưng mỗi khi nhắc lại bà Cai Thị Kim Chi, mẹ Cúc, vẫn rơm rớm nước mắt: “Khoảng thời gian đó ông nhà tôi bị bệnh tâm thần phân liệt, thường xuyên mất ngủ và đau đầu. Nhưng vì nhà quá nghèo nên ổng vẫn ôm lưới đi thả. Cứ chiều tối ổng đi, sáng sớm về để kịp chuyến chợ. Như thường lệ, sáng hôm đó tôi ra cảng chờ chồng nhưng chỉ thấy cái sõng bị lật úp, nổi lềnh bềnh trên nước mà không thấy ông ấy đâu. Hốt hoảng tôi gọi dân làng tìm kiếm thì phát hiện thi thể chồng tôi đang trôi nổi ở khu vực gần đó”.

Mất trụ cột, gia đình Cúc đã nghèo, càng lâm vào cảnh túng quẫn. Tiền vay mượn cất nhà và chữa bệnh cho ba trong thời gian qua lúc nào cũng ám ảnh mẹ con Cúc. Anh trai Cúc là em Ðinh Lưu Công, khi đó đang học lớp 9 Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, đã quyết định nghỉ học để nhường cho em gái đang học lớp 6 cùng trường có cơ hội đến lớp.

15 tuổi, Công tiếp nối nghề đi biển dang dở của người cha quá cố, ban đầu chèo sõng đánh cá gần bờ, sau đó theo tàu đi bạn đánh bắt cá ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Tùy theo chuyến đi biển no hay đói, chủ tàu trả cho Công 150.000-300.000 đồng.

Công chia sẻ: “Mỗi khi nhìn tụi bạn vô tư đến lớp, còn mình vất vả mưu sinh, em cũng chạnh lòng lắm. Nhưng ba mất rồi, em phải trở thành chỗ dựa cho mẹ và em gái. Em không ngại vất vả, chỉ sợ không có tiền để lo cho Cúc ăn học đến chốn”.

Còn Cúc thì bộc bạch: “Em luôn biết ơn anh hai vì đã nhường đường cho em đến lớp. Em luôn tự nhắc là học không chỉ cho mình, mà phải học cả phần anh hai nữa vì ảnh đã hi sinh cho em”.

Áo mới dành cho mẹ

Ðể có tiền lo cho Cúc ăn học, ngày nắng cũng như ngày mưa, từ 4g sáng bà Chi đã có mặt ở cảng cá Tiên Châu để cùng những phụ nữ trong xóm Giã gánh cá thuê. Làm việc quần quật từ tờ mờ sáng đến 9g, bà được trả công 30.000-50.000 đồng. Chủ hàng nào thương cho thêm vài con cá về cải thiện bữa ăn...

Thương anh sớm nghỉ học để nhường đường đến trường cho mình và nghĩ đến người mẹ vất vả mưu sinh nơi bến cảng nên Cúc luôn cố gắng vươn lên. Không đua đòi theo chúng bạn, Cúc dè sẻn từng đồng để dành tiền mua dụng cụ học tập.

Em bộc bạch: “Nhiều hôm đến lớp thấy các bạn khoe mới quần này áo nọ, còn mình có mấy chiếc áo cũ từ năm trước mặc đi mặc lại, em cũng chạnh lòng lắm. Nhưng em không xin mẹ tiền mà tự nuôi heo đất để mua quần áo mới. Một hôm đi học ngang cảng cá, em thấy mẹ đang oằn vai khiêng con cá nặng gần trăm ký, mồ hôi ướt đẫm cả thân áo đã sờn, em không còn ý nghĩ mua đồ đẹp cho mình nữa. Cầm 40.000 đồng dành dụm được, em ra chợ tìm mua cho mẹ cái áo dài tay mới. Không đủ tiền nên em chỉ có thể chọn mua cho mẹ một cái áo “siđa” nhưng trông còn mới và bền”.

Năm học mới đỡ được khoản học phí do hộ nghèo nên được miễn giảm, nhưng mẹ con Cúc cũng đau đầu với những khoản tiền khác. Tiền hội phí chỉ hơn 100.000 đồng nhưng mẹ Cúc cũng không có để đóng cho con, Cúc phải xin tiền lương hưu của ông nội.

Thương Cúc ham học, chị hàng xóm cho em mượn sách giáo khoa và may cho bộ áo dài mới. Họ hàng, người góp năm, ba chục ngàn đồng động viên Cúc tiếp tục đến lớp. Ngoài giờ học, em còn phụ giúp mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm đàn gà. Nhiều năm liền Cúc là học sinh khá giỏi được thầy thương, bạn mến.

Nhận xét về cô trò nhỏ, thầy Phạm Ngọc Sang - giáo viên chủ nhiệm lớp 10B Trường THPT và THCS Võ Thị Sáu - cho biết: “Cúc rất giàu nghị lực và ham học. Em tâm sự muốn thi vào ngành công an vì sẽ không tốn học phí và khả năng có việc làm cao. Hi vọng ước mơ của em sẽ được tiếp sức”.

                

HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên