22/11/2015 02:22 GMT+7

Có học bổng, thiếu người nhận

KHƯƠNG XUÂN (khuongxuan@tuoitre.com.vn)
KHƯƠNG XUÂN ([email protected])

TT - Trong khi học bổng Chính phủ cho VĐV tài năng, HLV đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài không hạn chế thì hằng năm Bộ VH-TT&DL lại gặp tình cảnh không tìm đủ người để đi học.

HLV Trương Minh Sang tận dụng thời gian sau giờ huấn luyện để học ngoại ngữ, tìm tài liệu nâng cao để phục vụ công tác huấn luyện - Ảnh: CTV
HLV Trương Minh Sang tận dụng thời gian sau giờ huấn luyện để học ngoại ngữ, tìm tài liệu nâng cao để phục vụ công tác huấn luyện - Ảnh: CTV

Từ đây kéo việc do thiếu HLV giỏi nên nhiều bộ môn và nhiều địa phương phải chi hàng triệu USD để thuê chuyên gia ngoại... Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này dù chúng ta có rất nhiều HLV từng là các VĐV tài năng?

Nếu có cơ hội được đi học nước ngoài, tiếp cận với những kiến thức khoa học thể thao mới, đó sẽ là cơ hội cho tôi và các HLV khác từng là VĐV nâng cao trình độ

HLV TRƯƠNG MINH SANG

Lỗ hổng kiến thức

Một VĐV thể dục dụng cụ của Hà Nội được Sở VH-TT&DL Hà Nội đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) tập huấn khi mới 7 tuổi, lúc mới bắt đầu bước vào kỳ học đầu tiên của lớp 2. Dù sau đó đã giành HCV SEA Games và cả huy chương châu Á nhưng cái giá mà anh và các đồng đội phải trả là lỗ hổng mênh mông về kiến thức trong trường học.

VĐV này kể: “Sang Trung Quốc tôi chỉ được học duy nhất hai môn văn, toán từ lớp 1 đến lớp 5 và cả hai môn đều do một thầy dạy. Từ lớp 6 - 12 cũng chỉ học có hai môn đó. Nói là học nhưng đi tập cả ngày mệt nên buổi tối ăn còn khó huống chi nhồi chữ vào đầu. Vì thế đến kỳ kiểm tra thì thầy cho đề và cả đội ngồi trong phòng túm tụm nhau lại chép bài. Khi về VN tôi đã học đến lớp 11 và mới bắt đầu học các môn lý, hóa, sinh học, sử, địa... Do hổng kiến thức nên tôi không thể học được. Dù tốt nghiệp cấp III hệ bổ túc và sẽ được đặc cách vào học đại học TDTT nhưng học cho có bằng chứ kiến thức của tôi rất hạn chế”.

Trong làng điền kinh VN, một VĐV nổi tiếng từng giành HCV châu Á nhưng không thể đậu tốt nghiệp hệ bổ túc cấp III. Thương quá, liên đoàn và bộ môn sau đó đã phải phối hợp với địa phương mà VĐV này thi đấu làm giấy xin xét tốt nghiệp đặc cách vì lý do lúc thi tốt nghiệp đang bận đi thi đấu quốc tế.

Kỷ lục gia nhảy cao Nguyễn Duy Bằng, HCV SEA Games 27, cho biết vì quá bận rộn đi tập luyện, thi đấu quanh năm suốt tháng nên anh chỉ cố gắng học để cho có bằng cấp. Khi trở thành HLV, việc huấn luyện dựa trên kinh nghiệm là chính. Duy Bằng tâm sự: “Tôi hiện là HLV điền kinh TP.HCM và đội nhảy cao trẻ quốc gia, buổi tối đi học hệ vừa học vừa làm năm 1 Trường đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Do bận rộn với việc huấn luyện và phải làm thêm mới có đủ tiền trang trải cuộc sống nên tôi chỉ cố theo cho đủ để lấy bằng đại học mà thôi”.

Thiếu người nhận học bổng đi học nước ngoài

Ông Đào Mạnh Hùng, vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VH-TT&DL, cho biết: “Theo quy định hiện nay, các VĐV chỉ cần có huy chương quốc tế là được xét đặc cách vào học tại các trường đại học TDTT. Tiêu chí để tuyển chọn VĐV đi học ở nước ngoài được dựa trên hai yếu tố: thành tích học tập xuất sắc, khả năng ngoại ngữ và nếu là VĐV xuất sắc thì càng được ưu tiên. Khi hội đủ các tiêu chí này, các VĐV phải được trường đại học giới thiệu vào diện xin cấp học bổng thì mới có cơ hội được xét chọn. Bộ VH-TT&DL rất ưu tiên cho các VĐV trong việc tạo cơ hội học hành cho họ. Học bổng Chính phủ cấp cho VĐV cũng không hạn chế, nhưng nói thật năm nào chúng tôi cũng không kiếm đủ người đi học nước ngoài vì ứng viên không đủ tiêu chuẩn”.

Theo đề án chuẩn bị SEA Games 2021 tại VN, Bộ VH-TT&DL sẽ dành kinh phí 20 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng HLV thể thao. Dự kiến sẽ có 20 - 30 HLV trong độ tuổi 25 - 45 có trình độ chuyên môn tốt, ngoại ngữ giỏi được cử đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn tại nước ngoài.

Nhà vô địch wushu thế giới Đàm Thanh Xuân, một trong những tài năng hiếm hoi được nhận học bổng Chính phủ đi học đại học tại nước ngoài, cho rằng các VĐV phải tự tạo cơ hội cho mình. Giành 2 HCV SEA Games, 5 HCV thế giới nhưng Đàm Thanh Xuân giải nghệ từ rất sớm khi mới 20 tuổi để đi học Đại học TDTT Từ Sơn. Sau một học kỳ với học lực giỏi, Thanh Xuân nộp hồ sơ xin học bổng và được trường giới thiệu xin học bổng Chính phủ.

Xuân chia sẻ: “Tôi có một may mắn là VĐV chuyên nghiệp nhưng theo học hết cấp III hệ chính quy tại Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội. Vì thế kiến thức nền của tôi khá tốt so với các VĐV phải học bổ túc. Năm 2005 tôi theo học chuyên ngành quản lý thể thao, Đại học Thể thao Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận về làm việc tại Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục TDTT”.

Nhà vô địch SEA Games Trương Minh Sang (thể dục dụng cụ) cũng là một tấm gương với khả năng tự học của mình. Minh Sang cho biết anh đã phải rất vất vả để theo những môn học khó trong trường đại học như: giải phẫu, hồi phục... - những môn học đòi hỏi kiến thức sinh học, hóa học. Tuy nhiên bằng quyết tâm, Minh Sang đã tốt nghiệp cử nhân loại giỏi năm 2010. Hiện nay anh là HLV đội thể dục dụng cụ quốc gia và đã có bằng HLV quốc tế. Hằng ngày ngoài huấn luyện, anh vẫn học ngoại ngữ, nghiên cứu tài liệu nước ngoài để nâng cao khả năng chuyên môn.

Năm 2013, Bộ VH-TT&DL xây dựng “Đề án Ban hành chính sách đối với thanh niên là VĐV đạt thành tích xuất sắc tại các đại hội thể thao quốc tế” trình Chính phủ.

Theo đề án, cả nước hiện có khoảng 20.000 VĐV thành tích cao. Trong đó VĐV ở độ tuổi dưới 18 gần 9.000 người. Trong số này, chỉ có gần 3.000 VĐV có trình độ văn hóa từ lớp 8 - 12, số còn lại có trình độ văn hóa từ lớp 1 - 8.

KHƯƠNG XUÂN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên