Bà Ca Lê Hồng (trái), chị gái nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), đại diện gia đình nhận quà lưu niệm từ ban tổ chức - Ảnh: L.Điền
Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức lễ tưởng nhớ hai nhà văn, nhà thơ liệt sĩ đồng thời là Anh hùng lực lượng vũ trang - Lê Anh Xuân và Nguyễn Thi - vào sáng 17-1 tại TP.HCM.
Thơ Lê Anh Xuân sẵn chứa niềm yêu lịch sử, xúc cảm với tiền nhân, chính cảm hứng này đã khiến nhiều thế hệ học sinh nắn nót chép thơ ông vào tập vở của mình:
"Quê tôi có những mái nhà lá nhỏ
Bên bờ Cửu Long xa cách sông Hồng
Nhưng tuổi thơ trong những giờ sử ký
Theo Quang Trung tôi từng đến Thăng Long".
Cách nay tròn 50 năm, cả nhà văn Nguyễn Thi và nhà thơ Lê Anh Xuân đều ngã xuống trong trận tổng tấn công năm Mậu Thân 1968.
Và tại buổi lễ tưởng nhớ hôm nay, có thể ai đó sẽ chợt giật mình khi nhận ra cả hai tác giả đều hi sinh khi tuổi đời còn quá trẻ: 28 tuổi của Lê Anh Xuân và 40 tuổi của Nguyễn Thi.
Dù vậy, tuổi xanh anh hùng là một lẽ, chính văn tài của các anh đã làm những trang văn, những vần thơ sống mãi, mà cái mốc 50 năm hôm nay chỉ là một gợi nhắc để những lớp bạn đọc mới có dịp nhớ đến hai trường hợp văn chương đặc biệt này.
Điều đó tạo thành chất men, thành ý tưởng để Liên chi hội nhà văn Việt Nam tại TP.HCM gắn kết mọi người tại buổi lễ tưởng niệm.
Nhưng chất men từ tác phẩm của Nguyễn Thi mới thật đậm đà.
Sau nhiều năm tháng hậu chiến, giới nghiên cứu văn chương và chiến tranh hẳn sẽ còn phải dừng lại ở tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, dừng lại để hiểu nhân vật chị Út Tịch và bà con Nam Bộ đã chiến đấu "như cơm bữa" thế nào.
Cuộc chiến tranh Việt Nam thật đặc biệt và đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam cũng đặc biệt.
Bởi trong dòng văn học ấy, những tác giả sống, chiến đấu và sáng tác cùng với nhân dân như Nguyễn Thi mới có thể bắt được câu nói "còn cái lai quần cũng đánh" của Út Tịch - một phụ nữ Nam Bộ đầy cá tính và hừng hực khí thế quyết sống còn với giặc.
Câu nói giản dị của một phụ nữ bình dân dưới ngòi bút của Nguyễn Thi đã trở thành biểu tượng tuyên ngôn cho tinh thần quật khởi của người dân Nam Bộ trong kháng chiến.
Và Lê Anh Xuân lại là một trường hợp có dư vị sâu xa, dù chiến tranh đã lùi xa bao nhiêu năm.
Nhiều người khi nhắc tên Lê Anh Xuân và trường hợp ông hi sinh trong trận Mậu Thân thường nhớ đến hình ảnh "Anh ngã xuống giữa đường băng Tân Sơn Nhất" trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam, như một thứ "vận vào" số mệnh của ông.
Tuy nhiên hình ảnh người chiến sĩ giải phóng kiêu hùng trong thơ ông chỉ là phần nổi. Chiến cuộc đã qua, những thế hệ học trò đọc thơ Lê Anh Xuân sẽ nhận ra nơi đây biết bao cảm tình dạt dào dành cho đất, cho người, cho quê hương với cảm hứng của từng cây dừa, cụm rau, con cá, tiếng gà...
Thật kỳ lạ, ở thơ Lê Anh Xuân còn có cảm hứng của tinh thần hòa hợp, có nỗi niềm kéo gần lại không gian địa lý để xóa bỏ cách biệt vùng miền...và đã lên tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước rồi:
"Nhớ những chiều nhìn về
phương Bắc
Thấy xa xa đàn cò trắng bay về
Tôi ngỡ trên lưng cò có chút bùn miền Bắc
Dù cánh cò chẳng bay tới ngoài kia...".
Trùng tu cả những thứ không đổ vỡ
Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành - Ảnh: M.Tự
Trùng tu là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Thái Bá Lợi, ra đời trên bối cảnh Tết Mậu Thân tại Huế, cụ thể là thành nội - nơi giao tranh ác liệt nhất của trận chiến này.
Một trận chiến ác liệt đến mức gây chấn động dữ dội cả thế giới - theo nhận định của các sử gia Mỹ - được tái hiện trong một cuốn tiểu thuyết chỉ dày chưa đến 200 trang, mà tác giả là một người lính tham gia trong chính trận chiến đó.
Người lính đó đã chứng kiến sự đổ nát tan hoang của kinh thành Huế, của Ngọ Môn, của Thế Miếu - di sản quý giá mà sau đó đã trở thành di sản của nhân loại.
Và một người lính cũng từng đứng trước đống đổ nát của hoàng thành Huế trong trận chiến đó, không biết có phải là sự sắp xếp của định mệnh hay không, nhưng đã trở thành chuyên gia bảo tồn di tích, trở lại trùng tu cho quần thể di tích đổ nát đó. Suốt cả cuốn tiểu thuyết là một cuộc đối thoại của hai người lính đó, được nhà văn đặt tên là "tôi" và "nó".
Một cuộc đối thoại giữa hai người lính cùng chiến tuyến, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức đầy ám ảnh day dứt và nguy cơ quên lãng như thể chưa từng có gì xảy ra.
Vậy thì với cuốn tiểu thuyết này, Thái Bá Lợi trùng tu cái gì? Câu hỏi này được nhà thơ Thanh Thảo - cũng là một người lính của cuộc chiến tranh này - đặt ra tại cuộc ra mắt sách (tái bản lần 4) hôm 15-1 và tạo nên một cuộc thảo luận thú vị.
Thanh Thảo cho rằng Thái Bá Lợi trùng tu ký ức của cuộc chiến khốc liệt đã trở nên nhập nhòa "đâu đó trong cái khoảng nhớ quên đầy day dứt".
Còn câu trả lời của nhà văn Thái Bá Lợi? Người lính của trung đoàn 3 trực thuộc Bộ Quốc phòng bấy giờ, vào thành nội Huế khi quân giải phóng đã làm chủ thành phố Huế 5 ngày, cho hay đó là cuộc trùng tu "những điều năm tháng đi qua để lại, những con người bước từ trong đó ra, kể cả nó và tôi".
Vâng, cả những thứ không đổ vỡ cũng cần phải trùng tu, không chỉ trong quá khứ, mà cả trong tương lai. Một công việc mà như lời của nhân vật chuyên gia trùng tu di tích trong tiểu thuyết rằng: "Nghìn năm sau con người vẫn cần đến nó".
MINH TỰ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận