Lớp học kỹ năng sống của cô Loan luôn thu hút học sinh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Những ngày dư luận hoang mang trước các sự việc trẻ bị xâm hại tình dục và bạo lực học đường, tiết học ngoại khóa của cô Loan càng thêm thu hút học sinh.
Thời sự trong bài giảng
Buổi sáng chủ nhật giữa tháng 4, khoảng 40 học sinh tập trung tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Khác hẳn tác phong nghiêm nghị ngày thường, cô hiệu phó đứng đón học sinh ngay cửa lớp bằng nụ cười tươi và lời hỏi han thân mật. Các em đến từ nhiều trường với nhiều độ tuổi khác nhau.
Mở đầu buổi ngoại khóa với chủ đề kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường, cô Loan hỏi học sinh những gì các em nghe được, biết được về vấn đề trên. Đa số các em đều cho biết thấy "sợ" trước các vụ việc bé gái bị sàm sỡ, rồi nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng và cả các nam sinh bị xâm hại tình dục bởi chính thầy hiệu trưởng...
Nghe vậy, cô Loan nói như để trấn an tâm lý các em: "Đó là những vụ việc đã và đang được cơ quan chức năng xử lý. Còn với chúng ta, điều quan trọng và cần thiết nhất là phải có những kỹ năng để bảo vệ mình trước những nguy cơ đó".
Tiết học bắt đầu đơn giản từ việc các em hiểu thế nào là xâm hại tình dục. Cô trò cùng đưa ra các từ khóa dễ nhớ và tế nhị như "người khác không được SMLT - sờ mông lớp trưởng, sờ mó lung tung", hay "không để người khác sờ vùng bikini, ngọc trai của mình"... Cách nói hài hước mà dễ nhớ khiến cả lớp cười rộn rã.
Lớp học kỹ năng sống của cô Loan luôn thu hút học sinh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Không chỉ nói chuyện, cô Loan còn chiếu các đoạn phim ngắn về nguy cơ trẻ bị xâm hại như chơi một mình nơi vắng người, nghe theo dụ dỗ của người lạ... Cứ thế, những kiến thức nhận biết xâm hại đến những gì cần làm để phòng tránh, những ai có thể đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm của các em... được cô Loan dẫn dắt rất tự nhiên và thú vị.
Bằng 4 bức ảnh phác thảo chân dung khác nhau, cả lớp cùng nhận diện ai có thể là kẻ xâm hại trẻ. Rồi các em cùng vỡ lẽ rằng bất cứ ai các em gặp đều có thể là kẻ xâm hại và đối tượng của kẻ xấu bất kể là nam hay nữ.
Xong những trao đổi trong lớp, cả cô và trò cùng bước vào tiết thực hành hướng dẫn kỹ năng xử lý các tình huống bị xâm hại từ những thầy giáo dạy võ được cô Loan mời đến. Học sinh hào hứng tham gia và thực hành các "chiêu thức" theo các em là "tưởng khó mà dễ" để bảo vệ bản thân trước những tình huống xấu.
Đã tham gia lớp học từ hè năm ngoái, Nguyễn Ngọc Đoan Thy (lớp 8/6 Trường THCS Nguyễn Huệ) cho biết: "Những kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục được cô Loan dạy rất kỹ và hữu ích. Kiến thức cô dạy nghiêng về thực hành nên em rất hứng thú. Ngoài các buổi học trên lớp, cô Loan còn cho chúng em đi thực tế đến các bảo tàng, công viên, nơi công cộng để học các bài học giao tiếp xã hội, ứng xử... phục vụ cho cuộc sống".
Học sinh thực hành kỹ năng chống xâm hại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Chỉ khi tin và cần, trẻ mới học hiệu quả
Cô Loan từng là tổng phụ trách Đội nên thường xuyên tiếp xúc với học sinh. Nhận thấy trẻ gặp nhiều vấn đề về bạo hành, xâm hại, nhiều rắc rối trong cuộc sống nhưng hầu hết không có khả năng ứng phó, cô Loan bắt đầu tổ chức các buổi dã ngoại, lồng ghép nội dung thực hành về kỹ năng cần thiết cho học sinh của mình. Thấy được hiệu quả rõ rệt, hè năm 2018 cô bắt đầu mở lớp học kỹ năng miễn phí.
Cô Loan quan niệm việc giáo dục kỹ năng sống không chỉ là trên giấy mà phải được thực hành. Một bài học thực hành hơn cả chục bài lý thuyết. Thế là lớp cô thực hành ở khắp nơi. Có hôm cô đưa lớp đi Hội An, đi bảo tàng, công viên, quán cà phê..., đến đâu các em được thực hành những kỹ năng đến đó.
Kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kỹ năng tự xử lý các tình huống tai nạn bất ngờ với sự hỗ trợ của các cán bộ nhân viên y tế... Các em tự vận động và thực hiện, cô chỉ theo sát, định hướng những chỗ được và chưa được chứ không áp đặt.
Học sinh thực hành kỹ năng chống xâm hại - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Bài giảng của cô được xây dựng dựa trên độ tuổi, kỹ năng của trẻ và các vấn đề nóng mang tính thời sự, những hiểm họa, nguy cơ có thể xảy ra với trẻ. Theo cô Loan, với độ tuổi các em học sinh, điều gì các em tin và cần là sẽ nghe và tiếp thu rất hiệu quả, còn lại là sáo rỗng. Vì vậy cô luôn cho học sinh lòng tin từ lối sống của mình, từ cách ứng xử và tôn trọng các em.
Trước một sự việc, cô Loan cho rằng bản thân phải nhận thức đúng mới có khả năng định hướng học sinh. Dạy kỹ năng sống không nhận thức trên những cái bao đồng, những luồng dư luận xung quanh mà phải biết bản thân mình là ai, có những gì, xã hội như thế nào và phải nhìn đúng trước đã.
Lớp học của cô Loan nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ phụ huynh. Mỗi sáng chủ nhật, nhiều ba mẹ thường đưa con đến lớp và đứng xem các con học, có lúc đồng hành để thấy sự tiến bộ rõ rệt của trẻ. Anh Trần Thanh Sơn, phụ huynh em Trần Thị Thanh Thúy (lớp 9/7 Trường THCS Kim Đồng), cho biết: "Bé nhà tôi đã lớp 9 nhưng vẫn rất rụt rè, ít nói, chỉ chơi một mình.
"Khi các em có lòng tin với mình và mình đang nói đến cái các em thấy trong thực tế, các em sẽ thấy điều đang được học là các câu chuyện thật, không phải trên phim ảnh hay xa xôi ở đâu mà ngay trong cuộc sống và cần phải có kỹ năng để xử lý khi bản thân rơi vào tình huống đó" - cô Loan chia sẻ.
Sau thời gian mấy tháng theo học ở lớp cô Loan, thấy cháu dạn dĩ hẳn. Đặc biệt, cháu thường sống khép kín, ít khi chia sẻ với ba mẹ những chuyện cá nhân, vì vậy qua những buổi học về phòng chống xâm hại, tôi mong cháu có thêm kỹ năng ứng phó trước các vấn đề phức tạp xung quanh".
Cô hiệu phó Phạm Thị Thùy Loan tâm sự về công việc của mình - VIDEO: ĐOÀN NHẠN
Ngoài công việc quản lý, cô Loan còn dạy bộ môn âm nhạc ở trường. Công việc dù bận rộn đến đâu, cô hiệu phó vẫn mong tiếp tục duy trì lớp học để theo cô là một cách giúp đỡ học sinh, đóng góp cho tập thể, cộng đồng từ những gì mình có được.
"Chuyên gia gỡ rối"
Đều đặn sau mỗi buổi học kỹ năng, một số học sinh thường chủ động nán lại lớp để nói chuyện cùng cô giáo. Cô Loan đã trở thành địa chỉ tâm sự gỡ rối từ chuyện thầm kín, bế tắc, những nỗi lòng trẻ không thể nói với cha mẹ hay cha mẹ không lắng nghe con... Dựa theo tâm lý, cô lần lượt gỡ rối cho từng em. Nhiều lần cô còn gỡ rối tâm lý cho cả phụ huynh của trẻ.
Cô Loan cho biết để làm tốt công việc của một "chuyên gia gỡ rối", ngoài kiến thức, kỹ năng có được từ chuyên môn, cô còn tìm hiểu thêm sách, tư liệu và nhờ sự hỗ trợ của các giảng viên khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận