TTCT - Đâu ai muốn nhà cửa mình lấm bụi. Người trông coi những bộ sưu tập giá trị ở bảo tàng lại càng không. Phủi bụi tượng Vua Ramesses II (khoảng 1279-1213 TCN) ở Bảo tàng Anh, tháng 8-2020. Ảnh: Yui Mok/PABụi là một trong 10 tác nhân có thể gây hư hại cho các hiện vật, theo website của Bảo tàng Anh. Không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của những bộ sưu tập, khi kết hợp với các yếu tố môi trường khác như nhiệt độ và độ ẩm tương đối, bụi còn có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho đồ vật.Các hạt bụi cả hữu cơ và vô cơ đều có thể mài mòn bề mặt của vật thể. Khi chúng bám quá sâu, việc làm sạch bụi mà không làm hỏng vật liệu bề mặt hiện vật là một thách thức không nhỏ.Bụi có tính hút ẩm, chúng hấp thụ nước từ không khí, ăn mòn các vật kim loại. Chúng cũng có thể chứa bào tử nấm mốc dễ phát triển mạnh ở một nhiệt độ và độ ẩm nhất định. Nấm mốc có thể làm ố bề mặt cũng như ảnh hưởng đến độ ổn định cấu trúc của vật liệu. Bào tử nấm mốc cũng là mối lo ngại về an toàn sức khỏe cho những ai tiếp cận bộ sưu tập. Các hạt hữu cơ trong bụi và mảnh vụn có thể là nguồn thức ăn cho côn trùng gây hại. Một số loài côn trùng gây hại phổ biến trong môi trường bảo tàng có thể kể đến như loài sâu bướm quần áo Tineola bisselliella, bọ thảm Anthrenus và Anthrenocerus.Giữ không gian bảo tàng và các bộ sưu tập quý giá sạch ly như lau là ưu tiên hàng đầu, và cũng là thách thức của nhiều bảo tàng.Độc lạ nghề phủi bụi bảo tàngĐược đến gần, tới mức sát kề bên và thoải mái "sờ vào hiện vật" với những bức tượng nổi tiếng nhất thế giới là đặc quyền của những người nhận lãnh trách nhiệm "phủi bụi" cho chúng. Chẳng hạn như Eleonora Pucci, chuyên viên phục chế nội bộ của Galleria dell'Accademia di Firenze, bảo tàng đang trưng bày tuyệt tác tượng David của nhà điêu khắc Michelangelo.Theo The New York Times, hai tháng một lần, Pucci sẽ trèo lên giàn giáo được lắp ráp xung quanh bức tượng cao 5,17m cho đến khi mắt cô ngang tầm với mắt David, rồi dùng máy hút bụi và bàn chải làm sạch những nét chạm khắc trên cơ thể hoàn hảo bằng đá cẩm thạch của chàng.Bức tượng nặng hơn 5 tấn được Michelangelo điêu khắc từ năm 1501 đến năm 1504, miêu tả Vua David (1040-970 TCN) với thần thái thông minh và tự tin, thể hiện qua những nét gân, cơ rất chân thực. Ban đầu, bức tượng được đặt ở phía trước quảng trường Palazzo della Signoria đến năm 1873; sau đó được dời về bảo tàng này.Mỗi buổi vệ sinh tượng bắt đầu bằng việc chụp ảnh cận cảnh nhằm quan sát kỹ mọi hao mòn trên bức tượng, cũng như kiểm tra xem có bao nhiêu bụi và mảnh vụn có kích thước cực nhỏ bám trên đó kể từ lần tút tát trước. Lượng bụi sẽ thay đổi tùy theo mùa, số lượng du khách và loại quần áo họ mặc. Những sợi li ti có thể mắc vào mạng nhện nhỏ giữa các lọn tóc điêu khắc của David.Đến công đoạn lau dọn, một tay Pucci dùng một loại cọ quét có lông làm từ sợi tổng hợp "chải qua" mái đầu của David, tay kia đồng thời đưa đầu ống máy hút bụi mà cô đeo sau lưng lên "tóm gọn" ngay chỗ bụi. Pucci cứ thế chậm rãi, nhẹ nhàng, tỉ mỉ đi hết các bộ phận từ cao xuống thấp. Thường mất cả buổi sáng để cô hoàn thành việc phủi bụi tượng David.Mặc dù được lau bụi sáu lần một năm nhưng tượng vẫn chưa được làm sạch sâu kể từ năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 500 năm thành hình.Eleonora Pucci làm sạch bụi cho tượng David bằng máy hút bụi đeo vai và cọ sợi tổng hợp trong đợt vệ sinh tháng 9-2023. Ảnh: REUTERSTrên thế giới, nhiều bảo tàng thực hiện quy trình bảo tồn và làm sạch hiện vật gần như tương tự các bước Pucci làm với tượng David. Ở Canada, cứ mỗi mùa đông tới, cũng là mùa tham quan thấp điểm nhất, bộ ba Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Chiến tranh đóng cửa một tuần để phủi bụi, theo Đài CBC. Công cụ vệ sinh của họ đa dạng, trải dài từ cơ bản như cây lau nhà, cọ mềm, cho đến chuyên dụng như khăn lau chống tĩnh điện, xe nâng, máy hút bụi và cọ tương tự loại Pucci sử dụng.Ở Mỹ, Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ quốc gia lập hẳn ba đội đảm nhận nhiệm vụ vệ sinh hiện vật: một đội nhân viên hợp đồng, một đội chuyên viên làm việc toàn thời gian, và một nhóm khoảng 18 tình nguyện viên - bao gồm những người có học vị giáo sư lẫn nhân viên dẫn tour tham quan bảo tàng.Website của bảo tàng cho biết trung bình các nhóm này dành tổng cộng gần 2.000 giờ mỗi năm để kiểm tra và làm sạch các hiện vật theo một chu trình luân phiên khoảng 3-4 tháng một lần.Ngoài việc vệ sinh, các nhóm còn chụp ảnh các vấn đề hoặc hư hỏng mà từng hiện vật gặp phải để giúp giám tuyển phụ trách bộ sưu tập nắm tình hình. Sau mỗi lần vệ sinh, họ lập hồ sơ lưu trữ kết quả dọn dẹp. Phương pháp này giúp bảo tàng tránh được những chi phí phát sinh."Đắt sô" hậu CovidTháng 8-2020, nghề phủi bụi chuyên nghiệp cho các hiện vật trong bảo tàng ở London bỗng trở nên "đắt sô", khi Bảo tàng Anh rục rịch mở cửa chào đón du khách trở lại sau 163 ngày đóng cửa do phong tỏa vì COVID-19, theo tờ The Guardian. Trong lịch sử 261 năm hoạt động của Bảo tàng Anh, đây là quãng thời gian đóng cửa dài nhất mà nơi này từng chứng kiến trong thời bình.Sau hơn 5 tháng tạm dừng hoạt động, việc bụi đóng dày thành lớp trên khoảng 8 triệu hiện vật từ các nền văn hóa khắp thế giới được lưu giữ tại đây là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, bảo tàng phải huy động một lúc 30 chuyên viên cho công việc được ví như "cuộc tổng vệ sinh" vĩ đại nhất trong lịch sử Bảo tàng Anh. Đội ngũ này đã phải dùng đến thang xếp và cả xe cẩu nâng người đối với các mẫu vật lớn trong tòa nhà, điển hình là cây cột totem làm bằng gỗ bách hương cao 12m trong sảnh chính.Fabiana Portoni, chuyên viên về bảo tồn và chống bụi của bảo tàng, cho biết mặc dù giai đoạn đóng cửa đã giúp hạn chế những loại bụi từ khách viếng thăm và xe cộ qua lại, nhưng không thể khiến bụi trong bảo tàng biến mất hoàn toàn.Chuyên viên phủi bụi làm việc trong đợt "tổng vệ sinh" ở Bảo tàng Anh, tháng 8-2020. Ảnh: Yui Mok/PATrên thực tế, việc thiếu du khách đi lại trong bảo tàng và ngừng hoạt động một số hệ thống thông gió khiến bụi tích tụ vào những ngóc ngách bất thường hơn và dày hơn bình thường. Thêm vào đó, trong thời gian bảo tàng đóng cửa, hoạt động vệ sinh cũng diễn ra với mức độ hạn chế hơn.Song, nhân bảo tàng hãy còn chưa mở cửa, các nhân viên có cơ hội dễ dàng tổng vệ sinh mà không bị hạn chế thời gian. "Hiện giờ nhờ có việc đóng cửa, chúng tôi có thể dành hàng giờ để lau dọn mà không vội. Đây đúng là một cơ hội tuyệt vời" - Portoni vui vẻ nói với The Guardian vào thời điểm đó.Niềm vui, niềm hạnh phúc mà những người làm nhiệm vụ phủi bụi bảo tàng chuyên nghiệp như Pucci hay Portoni thể hiện cho thấy thái độ trân trọng của họ đối với nghề - một công việc giúp những hiện vật quý giá không bị thời gian (và bụi) chôn vùi."Có thể đóng góp, dù chỉ một cách nhỏ nhặt, vào việc bảo tồn vẻ đẹp của David khiến đây trở thành công việc tốt nhất trên thế giới. Có điều gì tuyệt vời hơn việc truyền lại vẻ đẹp?" - Pucci cảm thán. "Thám tử" bụi làm gì?Chuyên viên phủi bụi nghe có vẻ xoàng. Hãy gọi họ là "thám tử bụi".Theo Bảo tàng Anh, bằng cách sử dụng các công cụ khoa học khác nhau, nhân sự đặc trách trong bảo tàng này sẽ bước vào thế giới vi mô của bụi và xem những gì ẩn giấu đằng sau lớp bụi quen thuộc đó. "Know your enemy" - phải biết loại bụi và "nguồn gốc xuất xứ" của chúng để có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa thiệt hại tiềm tàng của nó tốt hơn."Thám tử bụi" đặt thiết bị lấy mẫu bụi cho hiện vật ở Bảo tàng Anh. Ảnh: BRITISH MUSEUMĐầu tiên, một "thám tử" sẽ phải lấy mẫu bụi bằng cách đặt thiết bị chuyên dụng - đĩa dính (adhesive disc) hai mặt, dẫn điện, làm bằng carbon, đặt sẵn lên lam kính - lên vật thể hoặc trên các cột xung quanh vật thể. Sau bốn tuần (các du khách tinh mắt có thể nhìn thấy các lam kính này khi tham quan bảo tàng trong thời gian đó), các "thám tử bụi" sẽ gom chúng lại và mang đi phân tích trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM).SEM cho hình ảnh có độ phân giải cao, giúp các chuyên viên có nhiều thông tin về đặc điểm trên bề mặt của mẫu với độ chi tiết lên đến khoảng 5 nanomet. Qua SEM, có thể nhìn thấy những côn trùng rất nhỏ hoặc các hạt phấn hoa một cách chi tiết. Tags: Bảo tàngHiện vậtVệ sinhBụiÔ nhiễm
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.