20/11/2018 11:39 GMT+7

Cô giáo tiểu học tìm mọi cách để trò đọc sách

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TTO - Mười năm nay, cô Huỳnh Thanh Phương - giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, Củ Chi, TP.HCM, ngược xuôi xin sách về 'dụ' học trò đọc. "Tôi thấy trẻ em đọc sách có tình cảm hơn…" - cô đúc kết.

Cô giáo tiểu học tìm mọi cách để trò đọc sách - Ảnh 1.

Cô Phương cùng chiếc giỏ bàng cô đan để đổi sách cho học trò - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không gian đọc tại nhà

* Thưa cô, nguyên nhân từ đâu cô mở "Không gian đọc Củ Chi" tại nhà để trẻ đến đọc sách miễn phí?

- Tốt nghiệp sư phạm, tôi về xã An Phú dạy học. Đó là xã vùng sâu so với thị trấn. Tôi là người thích sách, báo, nhưng vô nơi ở mới không tìm được để đọc. Trẻ em ở đây cũng không có cuốn truyện nào nên tâm hồn các em rất khô khan, không biết tưởng tượng. Biểu tưởng tượng, các em không biết tưởng tượng gì hết trơn.

Tôi suy nghĩ trẻ em phải có sách, có truyện đọc để các em tưởng tượng phong phú hơn. Tôi dạy học mà không có sách, truyện làm sao giúp các em bay cao ước mơ được. Từ đó tôi đem sách đến, xin sách về khuyến khích các em đọc để các em sáng tạo hơn và có cuộc sống tốt hơn.

Cô giáo tiểu học tìm mọi cách để trò đọc sách - Ảnh 2.

Cô Phương mở thư viện ở nhà và dụ học trò đến đọc sách - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Nguồn sách ở không gian đọc của cô từ đâu?

­- Tôi xin sách từ bạn bè là chủ yếu. Biết công việc của tôi là giáo viên vùng sâu vùng xa, muốn học trò đọc sách nên nhiều người gởi tặng sách. Nhiều khi nào vô trung tâm TP.HCM, tôi cũng chở về cả thùng sách cho học trò mình.

* Có sách rồi, cô làm thế nào để học sinh đến đọc?

- Tôi dành thời gian kêu học trò đến nhà chơi với tôi. Khi học trò tới, tôi đưa sách cho các em đọc. Tôi cũng xin bút, thuốc, quần áo cũ cho các em nên các em rất thích tới. Tôi nói lần sau các em đến nữa cô cho nữa.

Có sách mới tôi đọc cho các em nghe. Mấy cuốn bách khoa toàn thư về khoa học tự nhiên màu rất đẹp nên các em rất mê. Phải dụ các em từ từ. Con nít mà, phải từ bánh, kẹo, quà. Nhỏ cũng được nhưng dần dần các em sẽ quen đọc.

* Theo cô quan sát, hiệu quả trong việc đưa sách đến học trò những năm qua của cô như thế nào?

Tôi thấy trẻ đọc sách có tình cảm hơn. Thêm nữa, các em ít có hành vi xấu với bạn bè hàng xóm như chơi bời, đánh lộn hơn trước nên phụ huynh ít chửi mắng con hơn. Đọc sách dần dần giúp học sinh tiết chế hành vi của mình nên các em ngoan hơn.

Đơn cử như có em T., học sinh của tôi. Em lớn con nên hay đánh bạn, thể hiện "đại ca", "tụi mày phải nghe lời tao". Tôi dụ em đến nhà, cho đọc sách và đọc sách cho nghe. Tôi hỏi sao em đánh bạn. Em trả lời "con thích vậy á". 

Tôi đọc cho em nghe những mẩu chuyện đạo đức nho nhỏ. Dần dần, tôi thấy em ngoan hơn, không bắt nạt bạn như trước nữa. Tôi nghĩ điều các em đạt được từ sách là được nuôi dưỡng tâm hồn, cuộc sống nhẹ nhàng hơn và thấy vui vẻ hơn.

Cô giáo tiểu học tìm mọi cách để trò đọc sách - Ảnh 3.

Một phụ huynh đến mượn sách về cho con - Ảnh: DUYÊN PHAN

*Phụ huynh có thấy được tích cực trong việc đọc sách của con em họ không, thưa cô?

-Có chứ. Trước đây tổ chức cho các em vui chơi để tiếp cận với sách, tôi mời phụ huynh không tới đâu. Nhưng giờ nhiều phụ huynh đã đến mượn sách về đọc. Cũng 3-4 người thôi, chưa nhiều lắm những cũng có rồi.

*Nhưng cũng có người cho rằng cô làm chi cho mất công vậy?

-Tôi thấy cũng… không mất công nhiều quá đâu. Tôi thích đi đây đi đó có gì hay về kể lại cho học sinh vùng quê tôi nghe. Có em tôi xin phụ huynh chở đi trung tâm thành phố chơi. Em nói con không đi đâu cô, con sợ lắm. Tội nghiệp. Các em cứ quân quẩn trong xóm làng giờ rụt rè, ra xa không dám. Như vậy sao các em lớn lên, bước ra đời và lớn lên trong tâm hồn được. 

Chở sách đến trường

*Nghe kể cô thường chở sách đến trường, giờ ra chơi bày ra cho học sinh đọc?

-Trẻ con trường tôi bây giờ ít chơi những trò hồi xưa như nhảy dây, bắn bi, ô ăn quan. Toàn ruột đuổi đánh nhau. Tôi đem sách tới, dụ "các con đọc sách đi". Đứa nào đọc xong, kể nội dung câu chuyện tôi thưởng cho kẹo, bút, chì, cục gôm.

*Quà đó từ tiền túi cô bỏ ra hay sao?  

-Không. Những phần quà nhỏ này của mấy bạn khác cho, tôi để dành làm phần thưởng cho học trò đọc sách. Đem sách vô trường, dụ các bạn đọc sẽ bớt đi rượt đuổi, đánh nhau.

*Nhưng cái khó là trẻ em bây giờ mê chơi game, điện thoại và coi tivi hơn đọc sách, thưa cô?

-Ở lớp tôi, tôi cho học sinh đăng ký xin phép ba mẹ cho cô giáo đến thăm nhà vào buổi trưa. Tôi đã đến nhà bốn bạn rồi. Có bạn không có chỗ để học tập, không có sách truyện đọc thì chơi game, coi tivi là đúng rồi. Muốn con em bớt chơi game, phụ huynh phải quy định giờ coi tivi, không cho chơi điện thoại. Nhưng muốn vậy phải có gì cho các em chơi, con nít mà.

Cô giáo tiểu học tìm mọi cách để trò đọc sách - Ảnh 4.

Tủ sách ở lớp cô Phương tạo cho học trò. Ảnh: Thanh Phương

Tạo tủ sách ở nhà học sinh

 *Dự định sắp tới của cô là gì?

 -Tôi sẽ đến nhà học sinh, em nào khó khăn quá tôi tạo tủ sách ở nhà cho các em. Nhà các em nghèo quá, đồ chơi không có, trang trí không có, tôi đi xin tủ sách đẹp về để đó cho các em. Cứ đem tới "ịn" vô đó đã. Bạn tới chơi không có gì chơi thì phải lấy sách đọc. (Cười)

Ngoài ra, tháng tới tôi sẽ dạy học trò đan giỏ bàng bán lấy tiền mua sách cho các em. Tôi đã làm được mười cái, đem ra mấy phiên chợ quê ở trung tâm thành phố bán. Mỗi cái tôi bán được khoảng 80.000 đồng đến 100.000 đồng, mua thêm sách cho học sinh.  

*Biết những việc cô làm, nhiều người thắc mắc đâu là động lực để cô cố gắng không mệt mỏi như vậy?

-Tôi cũng không biết động lực từ đâu nữa, chắc từ ánh mắt của học sinh. Trước tôi dạy vùng sâu ba năm, được chuyển về gần nhà nhưng tôi không chuyển. Ai cũng nói sao không về thị trấn dạy thêm cho có tiền. Nhưng nhìn đám học trò thương quá đi. Các em thiếu thốn quá nhiều. Phụ huynh thì "nó học được lớp 1 là nó hơn tui rồi đó cô".  

20-11: Tổ chức sinh nhật cho cả lớp

* Ngày Nhà giáo hàng năm của cô diễn ra như thế nào?

- Sau phần lễ của trường, tôi mua một cái bánh kem cho cả lớp. Học trò ở quê thích bánh kem lắm, thích tổ chức sinh nhật. Tôi nói các em đến dự chỉ cần mang cho cô mấy bông hoa đẹp đẹp ngoài hàng rào.

* Thu nhập hiện nay của cô như thế nào?

- Hệ số 10 năm thêm 700.000 đồng tiền vùng sâu là khoảng 5,7 triệu đồng/tháng.

* Có đủ trang trải cuộc sống gia đình cô không?

- Ở vùng quê nên cũng đủ sống, không đến nỗi chật vật.

* Những giáo viên khác thường có nghề tay trái, cô thì sao?

- Tôi hay kết hoa cưới. Cái này do tôi thích. Hiện tôi làm không nhiều nhưng cũng tăng thêm thu nhập.

Đọc sách và thay đổi vì giáo dục

TTO - Nhan đề bộ sách Học thế nào bây giờ? vừa được dùng làm chủ đề buổi tọa đàm của dịch giả Nguyễn Khánh Trung và TS Bùi Trân Phượng tại không gian Cà phê thứ bảy Trẻ vào chiều 16-6.

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên