26/11/2018 08:21 GMT+7

Cô giáo phạt trò 231 cái tát: Cần rà soát đội ngũ

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Vụ cô giáo phạt tát học sinh 231 cái cho thấy giáo viên thiếu sự đồng cảm, thiếu cả kiến thức về tâm lý trẻ em và hành xử không đúng về mặt sư phạm.

Cô giáo phạt trò 231 cái tát: Cần rà soát đội ngũ - Ảnh 1.

Tranh: BEN

Đó là ý kiến của TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc "Cô giáo phạt tát học sinh 231 cái" ở Quảng Bình.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng dù lý do gì đi chăng nữa thì việc phạt học sinh phải chịu tát một lúc với 231 cái cũng không thể chấp nhận được. 

* Thật ra, đây không phải là vụ việc duy nhất xảy ra trong ngành giáo dục. Bà có suy nghĩ như thế nào khi dư luận đặt ra câu hỏi tại sao tình trạng này ngày càng nhiều và mức độ càng tăng?

- Có người đã nói với tôi, hôm nay đọc báo thấy việc học sinh bị phạt đau lòng như thế nhưng không chừng ngày mai mở báo ra lại thấy vụ khác đau lòng hơn.

Cá nhân tôi cho rằng tình trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa. Ngoài những thầy cô giáo cố gắng kiên trì với nghề thì cũng có một số người nản lòng, đổ thừa lương thấp, không tương xứng với công sức bỏ ra thì không cần cố gắng. 

Một số người khác lại vin vào những đồng lương ít ỏi để cho rằng nghề này không coi trọng đúng mức nên họ không cần phải giữ gìn.

Ngoài ra, thực tế cho thấy không ít người chọn nghề giáo vì họ không còn chọn lựa khác chứ không phải vì yêu nghề, mến trẻ. Nghề giáo là nghề đặc thù nhưng người làm nghề giáo chỉ xem đó như một nghề để kiếm cơm thì khó có được sự kiên nhẫn, trăn trở... trong quá trình giáo dục học sinh.

Mặt khác, không phải là tất cả nhưng một số thầy cô đã cho rằng vị thế người thầy bây giờ không được như ngày xưa; nghề giáo cũng không phải là nghề cao quý như ngày xưa. Thế nên, họ hành xử thiếu tự trọng.

Tôi chỉ thắc mắc trong thời đại hiện nay, tất cả những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh đều được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng lẽ các giáo viên không tiếp cận được, hoặc không tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình?

Cô giáo phạt trò 231 cái tát: Cần rà soát đội ngũ - Ảnh 2.

TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng

* Dư luận đã đặt nghi vấn về kỹ năng - nghiệp vụ sư phạm của giáo viên ngày nay...

- Nếu có thể, các cơ quan chức năng hãy thử làm một cuộc nghiên cứu xem những giáo viên bạo hành học sinh có tốt nghiệp trường sư phạm hệ chính quy hay không. 

Cách đây nhiều năm, tôi có tham gia chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những cử nhân tốt nghiệp các trường ngoài sư phạm nhưng có nguyện vọng giảng dạy.

Lúc ấy, ngoài các trường sư phạm còn rất nhiều trường được đào tạo và cấp chứng chỉ này. Nhiều học viên đã hỏi tôi rằng: "Sao Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lại thu học phí cao hơn, chương trình học thì dài hơn, khó hơn trường X, trường Y...?".

Học viên thắc mắc và so sánh cũng phải thôi: giữa một bên số môn học vừa khó, vừa dài, giảng viên lại quá nghiêm túc; còn một bên chương trình ngắn hơn, học dễ dàng hơn, thi dễ đậu hơn, tiền học phí cũng ít hơn thì họ chọn bên nào chắc cũng đã rõ. 

Và việc học chỉ để lấy chứng chỉ hợp thức hóa việc đứng lớp sẽ khác với việc học để thẩm thấu nghiệp vụ sư phạm. Nếu không có sự thấu cảm, không có tâm với nghề, không thấm thía trách nhiệm của một nhà giáo thì rất dễ để những vụ việc đau lòng xảy ra.

* Như vậy, theo bà thì ngành GD-ĐT cần làm gì ngay trước mắt để giảm thiểu những trường hợp đau lòng như vừa qua?

- Biện pháp cần làm ngay là ban giám hiệu các trường phổ thông cần rà soát lại ngay đội ngũ trong trường của mình, với những giáo viên thiếu kiểm soát thì phải kề cận họ, giúp đỡ họ nhiều hơn. 

Ban giám hiệu các trường cũng cần nhắc nhở thường xuyên trong hội đồng sư phạm và yêu cầu giáo viên áp dụng những biện pháp giáo dục mang tính nhân văn. Ngược lại cũng cần đưa ra những quy định chế tài ở cấp trường nếu giáo viên vi phạm.

Ngoài ra, nhà trường cần có những hoạt động giáo dục học sinh về quyền trẻ em, để các em hiểu quyền được bảo vệ thân thể của mình và không cho người khác xúc phạm.

Tôi đọc trên báo mới biết trong vụ 231 cái tát thì có em vừa khóc vừa đánh bạn. Đó là vì học sinh ấy hiểu được rằng làm như vậy là bất nhẫn. Nếu các em được giáo dục tốt, các em sẽ lên tiếng phản ứng với quyết định của cô giáo.

* Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhiều giáo viên cũng cho biết tinh thần tôn sư trọng đạo ngày nay đã không còn như ngày xưa. Nhiều vụ chính phụ huynh làm mất mặt người thầy nên một số thầy cô đã chọn giải pháp an toàn: làm lơ với những học sinh đặc biệt, học sinh chưa ngoan...

- Đó là điều đáng buồn trong ngành giáo dục hiện nay. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh giống như việc dạy con cái giữa bố và mẹ trong các gia đình. 

Khi người cha có chút sai lầm thì người mẹ vẫn phải giữ thể diện cho chồng để uy lực của người bố vẫn còn đối với đứa con, để anh ấy tiếp tục dạy con. Chứ mọi việc vạch trần ra trước mặt con nít thì làm sao anh ấy còn uy lực để dạy con nữa.

Trong trường cũng vậy, nếu phụ huynh không hài lòng điều gì về thầy cô giáo của con mà cứ tuôn ra hết trước mặt con em mình thì coi như "khóa tay" giáo viên lại rồi. Và người thiệt thòi trong trường hợp này chính là đứa trẻ.

Vì vậy, tôi cho rằng dù gì đi nữa thì xã hội nói chung, phụ huynh nói riêng vẫn phải giữ vị thế của người thầy.

Tôi đọc báo thì được biết là cô giáo nói bị áp lực thi đua trong trường. Tuy nhiên, tôi lại cho rằng: ban giám hiệu nhà trường không thể "áp" xuống bất cứ cái gì là giáo viên răm rắp nghe theo. Là những người trực tiếp đứng lớp dạy học trò, các thầy cô giáo cần phân tích vấn đề, giải trình với nhà trường chứ không thể lấy lý do áp lực mà phạt học sinh khủng khiếp như vậy được".

TS Nguyễn Thị Bích Hồng

Cái tát vào ngành giáo dục

* Áp lực thi đua trong nhà trường lâu nay vẫn ngấm ngầm đục khoét niềm tin của xã hội vào chất lượng giáo dục. Áp lực thi đua ấy cũng trưng ra cho chúng ta biết bao nhiêu gam màu ảm đạm về mối quan hệ thầy trò mang tính trừng phạt, răn đe nghiêm khắc.

Nỗi lo trò làm ảnh hưởng thành tích chung, tâm lý nôn nóng đạt chỉ tiêu, áp lực từ trên giội xuống cùng với những nhận thức sai lầm về kỷ luật tích cực đã biến một số người thầy trở thành "ác mẫu" phải hứng chịu sự chỉ trích nghiêm khắc từ dư luận. Sau đó là sự hối hận, ăn năn muộn màng của người thầy và sự nghiệp trồng người bỗng in hằn một "vết rạn" xấu xí.

Ngành nghề nào cũng cần xây dựng phong trào thi đua để "bộ máy nhân lực" chuyển động tích cực. Giáo dục cũng cần "thi đua lập thành tích", "thi đua dạy tốt - học tốt"... Nhưng khi thi đua biến thành áp lực khổng lồ đè nặng mỗi người thầy và từng học trò thì nó sẽ hóa thành nỗi ám ảnh và sản sinh vô số tiêu cực trong môi trường học đường!". (Bạn đọc Mai Thi)

* Khi giáo dục học sinh, trước hết mỗi giáo viên phải biết cách tự kiềm chế, nghiên cứu, tìm tòi biện pháp giáo dục một cách tối ưu, vừa nhẹ nhàng, vừa có tác dụng giáo dục mà không cần phải sử dụng biện pháp bạo lực. Đây mới là cách giáo dục học sinh hiệu quả nhất. (Bạn đọc Đỗ Văn Nhân)

* Thi đua là một trong nhiều biện pháp để quản lý trường, lớp học tốt hơn chứ không phải vì thi đua để dẫn đến 231 cái tát rát mặt học sinh. Đây cũng chính là cái tát vào bệnh thành tích, thi đua trong ngành giáo dục hiện nay ăn sâu vào nhiều cán bộ quản lý, thầy cô chưa được loại bỏ. (Bạn đọc Nguyễn Văn Lực)

Bị "tố" nói tục, một học sinh bị tát 231 cái phải nhập viện

TTO - Bị bạn “tố” nói tục trong giờ học, cô giáo đã bắt cả lớp tát học sinh này tổng cộng 230 cái, cô tự tay tát thêm cái nữa khiến học sinh này phải nhập viện sau đó.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên