24/09/2020 11:27 GMT+7

Cô giáo ở lớp học 'Mùa xuân'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Điểm trường 'Mùa xuân' cách trung tâm xã 27km và cách trung tâm huyện 67km, cô Tông phải vượt quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực...

Cô giáo ở lớp học Mùa xuân - Ảnh 1.

Cô trò cùng vui chơi - Ảnh: T.T.

Tại Đại hội thi đua yêu nước của ngành giáo dục ngày 23-9 có những cô giáo đến từ những điểm trường xa xôi và câu chuyện của họ đầy ắp cảm xúc.

Tôi chỉ cố gắng làm những việc nhỏ bé, những điều mà các thầy, cô trước đây đã dành cho tôi.

Cô Sung Thị Tông

Vừa học vừa phải cõng em

Cô giáo Sung Thị Tông từng là 1 trong 7 đứa trẻ may mắn nhất ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) được cắp sách đến trường. Lớp học của 7 đứa trẻ ngày đó có tên "Mùa xuân".

Cô Tông nhớ lại: "Gọi là cùng lớp nhưng có bạn hơn tuổi, có bạn ít tuổi hơn tôi vì lớp ghép ba trình độ. Phòng học chật lắm nhưng thầy giáo vẫn phải kê ba bảng ở ba hướng khác nhau để dạy. Đồ dùng học tập là những quyển sách, chiếc bút do chính thầy cô cho. 

Chúng tôi đến lớp khi quần áo còn lấm lem bùn đất, có bạn còn chưa biết tự rửa mặt. Tôi còn nhớ có những hôm nhiều bạn vừa học vừa phải cõng em, anh thì ê a đọc chữ còn em thì ngủ trên lưng lúc nào không hay. Tuổi thơ của chúng tôi qua đi như thế".

Nhưng cũng từ lớp học "Mùa xuân" này, ước mơ làm cô giáo nhen nhóm trong lòng cô bé Tông từ thời đó. Năm 2016, Sung Thị Tông trở thành cô giáo và lập tức xung phong quay lại điểm trường "Mùa xuân" mặc dù khi đó cô đã có cơ hội sống và làm việc ở vùng thuận lợi hơn.

Điểm trường "Mùa xuân" cách trung tâm xã 27km và cách trung tâm huyện 67km. "Để đến với điểm trường "Mùa xuân", tôi phải vượt qua quãng đường bùn lầy, dốc đá lởm chởm và có nhiều đoạn chiều ngang con đường chỉ khoảng nửa mét, 1 bên là núi, 1 bên là vực. Nếu đi không cẩn thận sẽ rơi xuống vực bất cứ lúc nào. 

Nếu mùa khô đi xe máy sẽ mất hơn 5 giờ, còn đi bộ sẽ mất 1 ngày. Nhưng những khó khăn đó cũng không làm cho tôi chùn bước mà càng thôi thúc tôi nhanh đến điểm trường hơn" - cô Sùng Thị Tông kể.

Cô giáo ở lớp học Mùa xuân - Ảnh 3.

Cô Sung Thị Tông cùng học trò ở điểm trường “Mùa xuân”...

Vẫy gọi của tuổi thơ

Động lực để cô giáo trở lại điểm trường không chỉ là 16 cháu bé lấm lem như mình thuở trước mà là vẫy gọi của tuổi thơ, nơi cô mang nặng ân tình.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề đại hội, cô Tông cho biết bản Xía Nọi giáp biên giới Việt - Lào, 100% dân là người Mông thuộc các hộ nghèo. Đây là một trong những bản nghèo nhất Thanh Hóa hiện vẫn không có điện, không có đường. Đã thế thiên tai vẫn không bỏ sót nơi này. Năm 2019, điểm trường "Mùa xuân" bị bão tràn qua. Không chỉ điểm trường mà nhiều nhà dân bị sập, đường đi bị sạt lở.

"Khi tận mắt nhìn thấy những thiếu thốn của điểm trường: phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa bão cuốn trôi và hư hỏng, lòng tôi như thắt lại vì sự thiệt thòi của những đứa trẻ nơi đây. Tôi trăn trở và suy nghĩ làm gì để những đứa trẻ nơi đây bớt khổ, bớt đói" - cô Tông tâm sự.

Trong bốn năm bám trụ tại điểm trường, cô Sung Thị Tông đã tìm mọi cách để kết nối với các đơn vị, cá nhân giúp đỡ điểm trường từ bàn ghế đến đồ dùng học tập, đồ chơi. Nhưng để "hấp dẫn lũ trẻ", cô mày mò sử dụng giấy màu, tận dụng nguyên liệu có sẵn ở địa phương như vỏ cây, bột hạt, lá rừng, sỏi, nhờ cha mẹ học sinh phụ giúp để trang trí lớp học. Những màu sắc, hình ảnh ngộ nghĩnh khiến những đứa trẻ vốn sợ sệt bớt xa lạ, dần gắn bó với lớp học.

Đảm nhiệm lớp ghép nhiều trình độ nhưng giáo án của cô Sùng Thị Tông không chỉ nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục được quy định mà thay đổi từng ngày và bao gồm rất nhiều việc. 

"Để trẻ có thể học tiếng Việt, tôi phải nói chuyện với bọn trẻ bằng tiếng phổ thông, rồi phiên âm sang tiếng Mông. Tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất, rồi mới dạy chữ, dạy vẽ, dạy hát múa, dạy giữ gìn vệ sinh...

Sau mỗi buổi lên lớp, tôi đến từng nhà học sinh để trò chuyện với phụ huynh, tìm hiểu hoàn cảnh từng cháu, cố gắng thuyết phục để họ cho trẻ đến lớp. Tôi luôn có ý thức dành cho bọn trẻ những lời nhẹ nhàng, tình cảm, tìm các hoạt động để tạo hứng thú cho trẻ mỗi ngày. Bởi ở nơi này, bất cứ tác động khách quan nào cũng có thể khiến trẻ vắng mặt ở lớp học" - cô Tông kể lại.

Ở nơi không điện, không có sóng Internet, không có bóng dáng của cuộc sống hiện đại với những điều kiện vật chất sung túc nhưng đúng như tên gọi của điểm trường này, mùa xuân vẫn trở về và cô giáo chính là mùa xuân của bọn trẻ.

Thay cha mẹ chăm sóc các con

Ngôi trường tôi dạy học thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm huyện 25km đường đèo dốc. Trường nằm trên vùng núi cao 1.500m so với mặt nước biển. Mùa đông ở Tênh Phông vô cùng giá rét, mùa mưa đồi núi sạt lở đi lại khó khăn. Dân cư 100% là người dân tộc Mông, trẻ em độ tuổi mầm non hầu hết còn nhút nhát, chưa sẵn sàng tâm lý đến trường.

Giáo viên ở đây không chỉ dạy chữ mà là người thay cha mẹ chăm sóc các con.

Có những trường hợp gia đình trẻ sống tách biệt ở cách trường 20km. Giáo viên chúng tôi phải chia nhau đến vận động cho trẻ đi học. Để có thêm hai trẻ đến trường, chúng tôi phải vượt qua quãng đường 20km đó. Đường đi toàn đèo, dốc, vực sâu, xe máy không đi được, tôi và đồng nghiệp phải đi bộ. Đón được các cháu về điểm trường, tôi nhận chăm sóc cho các cháu ở lại ăn, nghỉ cùng tôi và các cô giáo tại khu tập thể cho đến hết năm học. Chỉ có cách đó thì bọn trẻ mới được đi học.

Cô Cà Thị Thoa (giáo viên Trường mầm non Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên)

Người mở lớp học xuyên biên giới

co ha anh phuong

Cô giáo Hà Ánh Phượng - Ảnh: NVCC

Cô giáo Hà Ánh Phượng - giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) - từng được biết đến khi trở thành 1 trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020 do Tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn. Câu chuyện "lớp học xuyên biên giới" và những dự án quốc tế được cô Phượng mang tới đại hội thi đua yêu nước của ngành giáo dục là "màu sắc lạ" trong một rừng thành tích tiêu biểu của giáo viên cả nước.

Với ứng dụng Zoom và Skype, cô Phượng đưa học sinh của mình vào môi trường học tập không biên giới, khắc phục được những hạn chế của mô hình lớp học truyền thống. Cô Phượng nói về việc xây dựng lớp học "xuyên biên giới" là hành trình vô cùng đáng nhớ mà cô và học trò đã trải qua trong 5 năm qua.

Qua ứng dụng, những học sinh người dân tộc thiểu số ở đây được tiếp xúc với học sinh các nước khác, làm quen với nghe, nói chuẩn bằng tiếng Anh. Nhưng điều đáng kể nhất là những học trò của cô Phượng đã thoát ra được "vỏ ốc" của sự dè dặt, trở nên tự tin hơn. Học sinh không chỉ nâng cao chất lượng học tiếng Anh mà còn được rèn luyện các kỹ năng khác và những tiết học không khó khăn, nhàm chán với những học sinh vùng khó mà trở nên hấp dẫn, vui vẻ và đầy cảm xúc.

Chia sẻ về hành trình đã trải qua của mình và học trò, cô Hà Ánh Phượng cho biết không dừng ở "lớp học xuyên biên giới" mà cô trò còn thực hiện nhiều dự án như "nói không với ống hút nhựa", "thư viện hạnh phúc"... Điểm khác biệt trong các dự án của cô Phượng và học trò là đã kết nối với học sinh nhiều quốc gia, gắn hoạt động dự án với việc vận dụng các kiến thức liên môn. Qua các hoạt động "xuyên biên giới", khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ của học sinh tăng lên cùng với khát vọng trở thành "công dân toàn cầu".

Học bổng cô giáo Nhế - hành trình 15 năm Học bổng cô giáo Nhế - hành trình 15 năm 'chắp cánh ước mơ'

Ngày 15-11, thông qua Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Quỹ STF), Tập đoàn Novaland trao tặng 180 suất học bổng Cô giáo Nhế đến các mm học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Đồng Tháp.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên