Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, cô Lê Thị Minh Linh (giáo viên chủ nhiệm lớp 11/10) xác nhận đó là cách làm mà cô vừa triển khai tại lớp.
Để học sinh tập trung trong giờ học
Cô Linh cho biết mới đây, lớp cô chủ nhiệm có 1 học sinh dùng điện thoại trong giờ học bị ghi tên vào sổ đầu bài. Từ đó cô trích quỹ lớp sắm luôn một kệ gỗ 4 tầng (loại kệ bỏ giày dép) đặt một góc trên bục giảng của lớp để "tịch thu điện thoại của học sinh".
Vào đầu giờ học, các em sẽ nộp điện thoại lên kệ, giờ giải lao có thể lấy về dùng. Lớp có 4 tổ, sẽ để điện thoại ở 4 tầng trên kệ.
Hai học sinh ngồi bàn đầu lớp được giao nhiệm vụ nhắc nhở các bạn lấy điện thoại trên kệ trước khi ra về. Lớp trưởng có trách nhiệm thu điện thoại, quản lý.
Trước giải pháp của cô Linh để ngăn tình trạng học sinh dùng điện thoại trong giờ học, học sinh lớp 11/10 đồng lòng hưởng ứng và cùng nhắc nhở nhau.
Cô Linh chia sẻ: "Hiện đa số học sinh đều có thói quen dùng điện thoại. Dù không dùng vào việc gì quan trọng, nhiều em cứ chốc lát lại lôi điện thoại ra xem. Điều này khiến các em mất tập trung trong giờ học.
Có nhiều em khi cô ra đề bài là dùng điện thoại tra ngay lời giải. Mong rằng cách này giúp học sinh bỏ bớt thói quen dùng điện thoại quá nhiều, đặc biệt là dùng điện thoại trong giờ học".
Hình ảnh học sinh lớp 11/10 "giao nộp" điện thoại lên kệ sau đó được một thầy giáo bộ môn chia sẻ lên mạng xã hội. Nhiều trang chia sẻ về, kèm lời cổ vũ nồng nhiệt của cư dân mạng. Nhiều người mong cách làm này được áp dụng rộng rãi ở các trường khác.
"Công khai, công bằng, khách quan"
Thầy Nguyễn Cửu Huy, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết trong quy định những hành vi học sinh không được làm có việc "sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Ở những tiết học nào cần sử dụng thì giáo viên cho phép các em sử dụng. Nhà trường cũng đã phủ sóng wifi và mỗi phòng học đều có cổng kết nối internet.
Nhưng có những tiết học cần sự tập trung hay sự sáng tạo của học sinh thì giáo viên có thể chủ động yêu cầu các em cất điện thoại vào cặp, hoặc vào nơi cất giữ chung như lớp 11/10 sẽ rất tiện quản lý và đảm bảo sự công khai, công bằng, khách quan.
"Cách làm của giáo viên chủ nhiệm lớp 11/10 là rất hay. Chúng tôi không áp đặt một cách quản lý cụ thể về việc sử dụng điện thoại của học sinh cho toàn trường, mà trao quyền cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm nào thấy phù hợp với lớp mình thì có thể học tập để triển khai, miễn đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh", thầy Huy nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận