18/08/2016 00:05 GMT+7

Cô giáo nghèo viết báo 
giúp học trò

LÊ THỊ DUY THẢO
LÊ THỊ DUY THẢO

TTO - Mến trẻ, yêu nghề, nỗ lực hết mình để giúp những mảnh đời bất hạnh. Nhưng nỗi bất hạnh riêng của cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhàn (Trường THCS&THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên) thì dường như đến giờ vẫn chưa có lối ra...

Cô giáo Bích Nhàn trong lần tiếp xúc với một hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: D.T.
Cô giáo Bích Nhàn trong lần tiếp xúc với một hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: D.T.

Tốt nghiệp sư phạm, ra trường năm 2002, cô giáo Bích Nhàn (sinh năm 1982, quê Đông Hòa, Phú Yên) tình nguyện lên huyện miền núi Sông Hinh công tác.

Hai lần về từ cõi chết

Thời gian đầu, cô Nhàn đôi khi có ý nghĩ muốn xin chuyển công tác vì ngôi trường quá nghèo khó, lại sống xa người thân... Khi ấy, ban đêm trường tổ chức dạy phổ cập, cô Nhàn tham gia dạy đêm ở Suối Biểu - thôn có đến 90% là đồng bào dân tộc thiểu số và ở xa trung tâm xã.

Học sinh người dân tộc thiểu số ở đây rất lễ phép, hiền lành, thương cô giáo lắm. Đêm nào đi học, các em cũng đem đến biếu cô khi thì trái bắp, lúc bó rau, gói đậu phộng, còn quà tặng 20-11 của các em là những vòng hoa dại kết tỉ mỉ. Chỉ vậy thôi nhưng cô giáo trẻ thấy mình có duyên nợ với vùng cao, nên không có ý định xin về xuôi nữa.

Lấy chồng, sinh con, an cư nơi vùng đất mới, những tưởng cô Nhàn sẽ có được cuộc sống bình yên. Nhưng rồi tai ương ập tới. Năm 2009, trong một lần chở nhau đi công việc, vợ chồng cô bị tai nạn giao thông. Hậu quả gây ra cho cô Nhàn thật khủng khiếp: chấn thương sọ não, xuất huyết màng nhện và liệt dây thần kinh số 6.

Vật vã hàng tháng trời qua nhiều bệnh viện, đến ngày ra viện, cô giáo Nhàn vẫn trong tình trạng như một phế nhân: phải cõng ra xe, về nhà nằm thêm hai tháng, cơ thể gần như bại liệt, đầu óc lúc nhớ lúc quên. Khi cô về trường tiếp tục công tác, những tổn thương vĩnh viễn sau tai nạn kinh hoàng kia là không hề nhỏ: thể lực suy giảm toàn bộ, mắt trái bị lệch trục và nhược thị, cánh tay phải rất yếu...

Vậy nhưng tai ương chưa phải đã hết. Về từ cõi chết chưa được bao lâu, nỗi đau thể chất chưa lành đã tiếp tới nỗi đau tinh thần: hôn nhân đổ vỡ! Người chồng của cô Nhàn bỏ mẹ con cô đi theo người phụ nữ khác. Tuyệt vọng và quẫn trí, cô Nhàn đã có lần dùng dao lam rạch đứt cổ tay, toan tìm đến cái chết! May cô được người nhà phát hiện sớm, nhưng sau đó cô bị chấn thương tâm lý nặng, mắc thêm căn bệnh hysteria (một dạng rối loạn tâm thần kinh - PV). Cứ nửa tháng cô lại lên cơn một lần. Mỗi lần đến cơn cô Nhàn lại rơi vào trạng thái sợ hãi, hoảng loạn, khó thở cần người trợ giúp...

Con trai sắp bước vào lớp 5 nhưng mẹ con cô Nhàn vẫn đang phải chịu cảnh không nhà. Căn nhà do vợ chồng cô xây trước khi ly hôn lại nằm ngay trong khuôn viên đất nhà cha mẹ chồng (cũ). Sau khi ly hôn, theo thỏa thuận, căn nhà này tương lai sẽ bàn giao lại cho con trai cô.

Nhưng những va chạm với chồng cũ và gia đình thường xuyên xảy ra... Cuối cùng cô Nhàn buộc phải rời bỏ căn nhà mình đã đổ mồ hôi nước mắt xây dựng nên, dắt con về quê, tá túc với cha mẹ ruột. Xin chuyển công tác chưa được, ngày ngày cô Nhàn phải vượt quãng đường gần 40km đi dạy bằng cả xe máy, xe buýt và đi bộ.

Cả nhà bốn người - cô Nhàn, con trai cùng cha mẹ sống trong gian nhà nhỏ chật chội, không có công trình phụ (nhà vệ sinh), phải dùng nhờ nhà người anh bên cạnh. Một mình cô Nhàn xoay xở lo cho cả nhà (cha mẹ cô Nhàn đã quá tuổi lao động, thu nhập chỉ trông vô mấy sào ruộng khoán) bằng đồng lương giáo viên còi cọc. Đã vậy từ năm ngoái người chồng cũ còn không tham gia đóng góp tiền nuôi con.

Những bài viết của cô Bích Nhàn trên báo Tuổi Trẻ về học trò của mình
Những bài viết của cô Bích Nhàn trên báo Tuổi Trẻ về học trò của mình

Khổ vẫn yêu nghề, hết mình vì học sinh

Dạy tốt, tâm huyết với nghề, đó là những gì mà lãnh đạo, đồng nghiệp cũng như học trò qua nhiều thế hệ nhận xét về cô giáo Bích Nhàn. Gốc là giáo viên ngữ văn THCS, chưa được đào tạo chính quy để đứng lớp chương trình ngữ văn THPT, nhưng bằng nỗ lực tự tìm tòi, cô Nhàn đã làm tốt nhiệm vụ này trong giai đoạn trường thiếu giáo viên.

Thậm chí cô Nhàn còn kèm cặp hiệu quả môn ngữ văn cho các em ôn thi đại học! Không những vậy, cô Nhàn còn tích cực cả trong các hoạt động phong trào, ngoại khóa. Cô giáo Nhàn còn tham gia viết báo, và tận dụng điều này để viết bài phản ảnh, giúp đỡ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được cộng đồng quan tâm, hỗ trợ vượt khó.

Trường hợp em Trần Ngọc Trọng bị suy thận, em Nguyễn Thị Thanh Trúc mồ côi hiếu học, em Nguyễn Thị Bé bị khuyết tật bẩm sinh... được cô Nhàn tích cực giúp đỡ theo phương thức nói trên.

Chia tay cô Bích Nhàn, chúng tôi cứ trăn trở mãi một câu hỏi không có lời đáp: biết chừng nào cô Nhàn mới gom đủ tiền mua mảnh đất, cất căn nhà riêng, để gia đình được an cư lạc nghiệp, để con an tâm học hành. Đã 14 năm làm cô giáo vùng cao, biết chừng nào cô Nhàn mới được chuyển công tác về huyện Đông Hòa, để không còn phải chịu cảnh dạy xa cơ cực.

Cùng báo Tuổi Trẻ đồng hành với thầy cô giáo

Khi phát hiện hoàn cảnh gia đình của những thầy cô giáo không may khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, bạn đọc hãy giới thiệu về cho chương trình “Đồng hành cùng người thầy”, qua một trong hai hình thức sau:

- Giới thiệu họ tên, số điện thoại và tóm tắt ngắn gọn hoàn cảnh của những thầy cô đang giảng dạy nhưng không may có hoàn cảnh khó khăn.

- Tham gia viết bài về những thầy cô có tâm, có tài, kiên cường vượt khó, bám trụ với nghề, và hết lòng với học trò nhưng không may gặp khó khăn.

Bài viết tham gia chương trình phải là người thật việc thật, nội dung đảm bảo chính xác tuyệt đối, độ dài không quá 1.700 từ, chưa từng đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ưu tiên các bài viết có cách thể hiện súc tích. Chương trình sẽ trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải, kỷ niệm chương).

Chương trình “Đồng hành cùng người thầy” sẽ dành 2,2 tỉ đồng (giai đoạn 1) để trợ vốn cho khoảng 100 giáo viên, trao 100 suất học bổng và hỗ trợ phương tiện học tập cho con em giáo viên... Chương trình “Đồng hành cùng người thầy” sẽ trợ vốn vay không lãi suất để thầy cô giáo làm kinh tế gia đình, và các hỗ trợ khác nhằm giúp giáo viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đứng trên bục giảng để tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Các thư giới thiệu hoặc bài viết vui lòng gửi về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc qua địa chỉ email: [email protected].

TUỔI TRẺ

LÊ THỊ DUY THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên