Cô giáo Dư Thị Lan Hương - Ảnh do nhân vật cung cấp
Gần đây, đoạn video clip lì xì vui nhộn trong lớp học được nhiều trang mạng chia sẻ. Có người không ngần ngại nói đây là cách lì xì "bá đạo" nhất họ từng thấy.
"Cô phá phách vì yêu học trò, chứ cô 58 tuổi rồi", cô Hương mở đầu câu chuyện như thế.
Cô kể: "Lớp có 50 học sinh, đòi lì xì. Cô nghĩ ra cách chơi oẳn tù xì vài lần, nên chỉ còn 10 em tham gia trò chơi. Trò chơi chụp tiền này chỉ có 20.000 đồng một lượt, nhưng các em nói giỡn là 500.000 đồng lận.
Tổng kết, chỉ có ba em chụp được tiền, tổng thiệt hại của cô chỉ tốn 60.000 đồng. Quá nhẹ nhàng!
Nhìn các em mà thấy đứt ruột, vì đa số mồ côi và khó khăn. Gia đình lo học phí còn chưa lo xong. Thế nhưng, cô hiệu trưởng ở trường không bao giờ để các em bỏ học vì nghèo.
Sáng đó, cô thưởng học trò nhiều lắm nha. Học sinh giỏi được cô cho 100.000 đồng, loại khá được 50.000 đồng, còn chưa giỏi khá, cô giả bộ cho chơi trúng thưởng. Cách này cho cô đỡ hao tiền thôi, chứ đừng nghĩ đòi tiền lì xì của cô là dễ. Vui là chủ yếu. Nhìn mấy em cười, cô khoái lắm".
Video cô giáo lì xì 'bá đạo'
"Cô giáo lắm chiêu"
Mỹ Hiền (học sinh niên khoá 2013-2014) bật mí: "Cô có nhiều chiêu độc lạ để thu hút học sinh học tốt hơn. Lúc nào cô cũng mang theo trên người chiếc túi lô tô có từ số 1 đến số 99, tương ứng với số thứ tự các thành viên trong lớp. Cô trả bài miệng theo cách đó. Nghe trả bài miệng, đứa nào cũng khoái vì lúc đó sẽ được rinh quà".
Hiền cho biết, phần thưởng của cô Hương từ 10.000 - 500.000 đồng, với vở bút, dụng cụ học tập. Hạng càng cao, học sinh sẽ có "gia tài" đồ dùng học tập đầy nhà 4 năm trung học cơ sở, xài không hết.
Năm cô nhận lớp Hiền thì lớp toàn học sinh yếu. Nhưng kết thúc niên khóa, học sinh xếp hạng khá giỏi rất nhiều. Lớp còn được tuyên dương tiêu biểu tại khối.
Hiền kể: "Mỗi tuần lớp được hạng nhất xếp hạng ở trường, giờ sinh hoạt chủ nhiệm cười bò lăn vì cô hay kể chuyện dài tập. Cô nói chuyện có duyên, tếu lắm. Tụi mình khoái lắm. Cô cho chơi trò tèo bắn tàu (thật ra là vẽ đồ thị) đổi quà. Nhưng cô nghiêm khắc, tận tâm lắm nên tụi mình sợ cô một phép".
Đó là những tiết sinh hoạt chủ nhiệm, còn trong những tiết học toán, các bạn khối 8-9 lại rất ngán cô. Hiền bộc bạch: "Học sinh yếu ngán cô lắm, vì tiết nào cô cũng gọi lên bảng làm bài. Tuy nhiên, các bạn ấy có quyền tự do lựa chọn chỗ ngồi của mình chung với một bạn học sinh giỏi bất kỳ để việc học tốt hơn.
Cô không bao giờ trả lý thuyết, vì cô hiểu toán là phải làm bài. Vì thế, việc học nhẹ nhàng hẳn. Đổi lại, tụi mình trả bài cho cô bằng những câu thơ thú vị".
Tiết học của cô Hương thường có năm người đứng trên bục giảng: bốn học sinh và cô. Cô cho học sinh tự làm bài theo cách các bạn hiểu, và không hề áp đặt. Cô vừa giảng, vừa chỉ các bạn làm bài.
"Không khí học rất vui nhộn, không hề căng thẳng chút nào. Trong lớp, ai cũng mong đến tiết toán để được cô Hương dạy.
Hơn 30 năm dạy học, cô Lan Hương nổi tiếng vì nhiều chiêu trò, tâm lý và được học sinh yêu quý - Ảnh do nhân vật cung cấp
Hôm đó, cô gọi 4 bạn có số thứ tự từ 5 đến 8 lên bảng làm bài tập hình học khó. Cô cầm cây bút con nít hai đầu màu hồng. Ai làm sai là bị đập vào mông kêu bíp bíp.
Mỗi lần có tiếng như thế là cả lớp cười rần rần. Xong cô chỉ vào bài hỏi cả lớp "vì sao em biết", thế là có một bạn ghi luôn lên bảng. Cả lớp cười ầm. Cô cũng không hiểu sao lớp cười. Cô la, mà la kiểu vui nhộn. Sau đó, cô nhìn lại trên bảng, và nói: "Trời, thằng quỷ". Câu chuyện này làm mình nhớ mãi", Hiền bộc bạch.
Bí quyết của cô giáo "vạn người mê"
Mỗi năm, cô Hương cho "ra lò" nhiều trò chơi mới mẻ để thu hút học sinh cố gắng học như gọi lô tô trả bài rinh quà, hát lô tô, ai 10 điểm thì cho bốc thăm nhận quà, sáng tác các bài thơ về toán học. Học trò chỉ cần nhớ thơ thì sẽ làm bài rất nhanh.
33 năm trong nghề, cô Hương chia sẻ đông đảo phụ huynh các em cũng là học trò của cô ngày trước. "Thế hệ nào cũng vậy, cô luôn muốn hòa nhập với các em, luôn phải lắng nghe và thông cảm.
Cô không để các em bị oan ức, và luôn có sự trao đổi: học tốt và được thưởng như nghe cô kể chuyện hài, chuyện ma, thưởng quà. Còn bạn nào lười học sẽ không được nghe cô kể chuyện".
Cách học này làm các bạn thích thú bởi cho học sinh đóng vai thầy giáo lên giảng bài cho cả lớp nghe, chỉ cần cô ghẹo, cả lớp cười rần rần là em đó biết được mình sai ở chỗ nào và chỉnh sửa. Tiết nào cô cũng đóng hai vai trò: một cô giáo và một nghệ sĩ hài. Ở vai trò nào, cô cũng làm tròn trịa.
Cô bộc bạch: "Chưa bao giờ cô bị đuối khi đóng hai vai trò hết. Từ nhỏ cô đã nghèo, nên đồng cảm với các em lắm, hiểu các em cần gì, thích gì. Các em cũng hay tâm sự với cô. Các em có suy nghĩ nào sai thì phải chỉnh ngay. Cô nghiêm khắc lắm. Các em thường xem cô như bà nội, bà ngoại trong nhà, không dám vi phạm".
Cô lo cho độ tuổi này, vì các em phải thi chuyển cấp, tâm sinh lý thất thường. Cô canh suốt, cứ lên mạng theo dõi. Có gì là cô nhào vô bình luận ngay. Có đứa chặn cô vì sợ lộ bí mật. Cô nhờ em khác chụp hình gửi cho cô, mai vào lớp ghẹo nó. Phải trị cá biệt trước rồi mới dụ các em học sau.
Cô Lan Hương
Các học sinh của cô Hương có nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn. Cô kể: "Trong lớp này, có bạn mồ côi cha hoặc mẹ, có bạn mồ côi cả hai, có bạn còn nẹp sắt trong người chưa mổ mà gia đình lại khó khăn, ba bạn ấy còn mới bị tai nạn nữa.
Nhiều bạn từ đầu năm đến giờ chưa đóng học phí đồng nào, bạn khác áo quần đen thui... Nhiều trường hợp khác ở trong trường cũng có hoàn cảnh như vậy. Em đừng nghĩ ở TP.HCM mà không khó khăn. Nhiều học trò khổ lắm!
Các em có tài mà không có điều kiện. Mình giúp được gì thì giúp. Trường cô ai cũng thương các em hết, nên mở các sân chơi để các em phát huy khả năng.
Ngoài ra, cô còn chỉ cho các em kỹ năng sống như không nên yêu sớm, không làm đại bàng, phải yêu thương bênh vực bạn yếu… Những câu chuyện phải có thêm dẫn chứng để các em thấm thía hơn".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, cô cũng có lời nhắn nhủ đến các học trò nhân dịp tết đến. Cô chia sẻ: "Cô không muốn nghỉ tết lâu như vậy đâu, vì các con đang học chăm chỉ khí thế. Nghỉ tết xong vào là quên hết, khổ cả trò lẫn thầy. Chúc các con mùng nào cũng phải ôn bài nhé. Vui xuân không quên nhiệm vụ của mình! Yêu các con".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận