28/03/2019 09:59 GMT+7

Cô giáo 'dôi dư' bị cắt hợp đồng kiện đòi bồi thường 76 triệu

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Cho rằng mình bị cắt hợp đồng trái luật, cô Nguyễn Thị Bình - người nằm trong 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk - đã khởi kiện.

Cô giáo dôi dư bị cắt hợp đồng kiện đòi bồi thường 76 triệu - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Bình (áo trắng) tại buổi đối thoại với UBND huyện Krông Pắk sáng 12-3-2018 – Ảnh: TRUNG TÂN

Liên quan vụ 500 giáo viên dôi dư tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk bị thanh lý hợp đồng, chiều 27-3, TAND huyện , cho biết đã thụ lý thêm vụ khởi kiện của giáo viên với nhà trường vì "đơn phương cắt hợp đồng trái luật".

Vụ "tranh chấp hợp đồng lao động" giữa cô Nguyễn Thị Bình (30 tuổi, giáo viên Anh văn) với Trường THCS Ea Kly (Krông Pắk) hiện đang tiến hành các bước thông báo đến Viện KSND, các đương sự, hòa giải…

Theo quyết định thụ lý, cô giáo Bình yêu cầu nhà trường phải bồi thường hơn 76 triệu đồng tiền lương chưa trả, giao quyết định nâng lương của mình…

Theo cô Bình, từ tháng 10-2017, cô đã không được nhà trường trả lương đúng như quyết định của UBND huyện Krông Pắk và hợp đồng lao động giữa nhà trường với mình. Ngoài ra, từ thời điểm đó nhà trường cũng không bố trí giảng dạy nên cô Bình phải đi dạy thêm ở một trung tâm Anh ngữ để mưu sinh.

"Khoảng tháng 10-2018, nhà trường gọi tôi lên làm việc nói để thanh lý hợp đồng nhưng tôi không chấp nhận vì còn nhiều quyền lợi chính đáng của tôi trước đó chưa giải quyết xong. Khoảng cuối tháng 12-2018, tôi nhận được biên bản thanh lý hợp đồng do ông Nguyễn Trung Hiếu - hiệu trưởng Trường THCS Ea Kly ký gởi qua đường bưu điện đến nhà tôi.

Tôi đã lên trường làm việc, cung cấp giấy siêu âm tôi đang mang thai và hỏi tại sao mình bị cắt hợp đồng trái luật. Những câu trả lời của nhà trường không thỏa đáng nên tôi mới khởi kiện ra tòa. Ngoài yêu cầu bồi thường, tôi yêu cầu trường phải trả lại quyền giảng dạy cho tôi", cô Bình cho biết.

Trả lời về việc này, ông Nguyễn Trung Hiếu - hiệu trưởng Trường THCS Ea Kly - nói việc cắt hợp đồng với cô Bình là "thực hiện chủ trương thanh lý hợp đồng với các tại huyện Krông Pắk".

"Thực hiện chủ trương, nhà trường đã mời cô Bình lên làm việc để thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với cô ấy. Nhưng ngày làm việc hôm đó cô Bình không cung cấp được các chứng cứ liên quan đến việc cô ấy đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ.

Nhà trường thanh lý hợp đồng với cô Bình từ 27-10-2018 mà mãi đến ngày 28-12-2018 cô ấy mới cung cấp được giấy siêu âm có thai (ba tháng). Như vậy đâu thể đổ lỗi cho nhà trường cắt hợp đồng với phụ nữ đang mang thai. Đó không phải là trách nhiệm của nhà trường", ông Hiếu quả quyết.

Cũng theo ông Hiếu, sau khi cô Bình cung cấp thông tin mình có thai, nhà trường đã báo cáo lên UBND huyện nhưng chưa nhận được trả lời thì cô Bình khởi kiện ra tòa. Về việc nhà trường có thể nhận cô Bình trở lại làm việc sau khi biết thực tế cô có thai hay không, ông Hiếu nói "cái này phải do quyết định của UBND huyện".

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết vấn đề của cô Bình "rất dích dắc" và vụ việc đã được tòa án thụ lý giải quyết.

"Nhà trường không có lỗi khi chấm dứt hợp đồng vì không hề biết cô ấy có thai. Cô Bình đã nghỉ dạy từ tháng 10-2017, đến tháng 10-2018 mới chấm dứt hợp đồng theo chủ trương của huyện. Bây giờ mình tham mưu nhận lại hay hỗ trợ thế nào đó cũng không đúng. Vì vậy phải chờ phán quyết của tòa mà thôi", bà Trinh cho biết.

Nói thêm về việc cung cấp phiếu siêu âm kết quả mang thai chậm, cô Bình thừa nhận lúc lên làm việc với nhà trường cô không biết mình mang thai. Hơn nữa, lúc đó cô Bình không đồng ý bị chấm dứt hợp đồng, yêu cầu nhà trường giải quyết những khiếu nại trước đó của mình về tiền lương, về BHXH…"Nhà trường ra quyết định chấp dứt hợp đồng nhưng không giao cho tôi. Mãi đến cuối tháng 12-2018, tôi mới nhận được biên bản thanh lý hợp đồng chỉ do ông Hiếu ký gởi qua đường bưu điện. Lúc này tôi biết mình đã có bầu, thấy việc chấm dứt hợp đồng với mình là trái luật nên mới đi siêu âm để làm bằng chứng", cô Bình giải thích.

500 giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 9-3-2018, UBND huyện Krông Pắk ra thông báo về việc sẽ thanh lý hợp đồng đối với 207 giáo viên hợp đồng không có chỉ tiêu biên chế. Hơn 300 giáo viên còn lại trong số 500 giáo viên dôi dư sẽ thi tuyển giáo viên, nếu rớt cũng sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Sau một thời gian dài UBND huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk hứa tìm phương án giải quyết thấu tình đạt lý, nhân văn hơn, thì quyết định cuối cùng vẫn là… chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên mà ba đời chủ tịch UBND huyện đã "vung tay ký bừa".

Trong số hơn 500 giáo viên hợp đồng dôi dư, có "đóng góp" rất lớn của ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, nguyên phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (đã nghỉ hưu) và ông Y Suôn Byă - nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (mới chuyển công tác).

Ngày 5-9-2018, trong không khí tựu trường, ông Y Suôn Byă ký văn bản yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên, hạn chót là 30-10-2018. Đến nay, việc chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên đã "thành công". Một số giáo viên có thai vẫn được tiếp tục hợp đồng theo luật, trừ trường hợp cô Bình.

Sẽ thanh lý hợp đồng hơn 500 giáo viên dôi dư

TTO - Liên quan đến vụ hơn 500 giáo viên tuyển dôi dư, sau nhiều tháng họp bàn, đưa ra phương án, cuối cùng UBND tỉnh Đắk Lắk giao việc thanh lý hợp đồng về cho... UBND huyện Krông Pắk.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên