16/01/2017 11:40 GMT+7

Cô giáo dắt trẻ tự kỷ ra phố vui chơi

BÍCH THỦY
BÍCH THỦY

TTO - Khi cô dắt đám học trò nhỏ ra phố chơi, nhiều người xầm xì: bà này tội thật, đẻ con toàn bị Down.

Cô Võ Thị Khoái dắt đám học trò nhỏ ra phố chơi
Cô Võ Thị Khoái dắt đám học trò nhỏ ra phố chơi


 Cô chẳng bận tâm, vì sau mỗi chuyến đi chơi, học trò của cô tự tin, dạn dĩ và bắt đầu làm chủ được cảm xúc..., điều mà trước đây cha mẹ chúng hằng ao ước.

Cuối cùng chúng tôi cũng có cái hẹn với cô Võ Thị Khoái (sinh năm 1949), hiệu trưởng Trường chuyên biệt Gia Định - dạy trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ thuộc giáo xứ Gia Định (số 280 Bùi Hữu Nghĩa, P.2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), người có hơn 20 năm đồng hành với trẻ tự kỷ, Down và chậm phát triển.

Yêu thương vô điều kiện

Đó là một người đàn bà phúc hậu, có nụ cười thân thiện và giọng nói nhẹ nhàng. Trong căn phòng làm việc nhỏ nhắn nhưng rất gọn gàng tại Trường chuyên biệt Gia Định, cô Khoái kể về hành trình đến với trẻ bị Down và tự kỷ một cách đầy phấn khởi và không giấu được niềm vui trong công việc mà nhiều người thường né tránh.

Trước năm 1993, cô là giáo viên Trường cấp II Hà Huy Tập, sau chuyển qua làm giáo viên của Trường chuyên biệt Gia Định rồi trở thành hiệu trưởng vào năm 1995 cho đến nay. Cô Khoái có thời gian dài chăm lo cho trẻ đường phố nhưng khi tiếp xúc với các em tự kỷ, Down..., người phụ nữ nhân hậu này thấy những đứa trẻ này thật sự đáng thương vì không được giáo dục và yêu thương đúng cách.

Ngày đó, tự kỷ và chậm phát triển là những từ ngữ, căn bệnh khá lạ ở Việt Nam và còn khá ít tài liệu hướng dẫn giáo dục. May mắn, năm 1996 cô nhận được một học bổng tại Pháp về chương trình dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển.

Không ngần ngại, cô đi ngay và chỉ sau một năm học ở Pháp, tư duy, suy nghĩ về trẻ tự kỷ của cô đã khác hẳn. Cô truyền kiến thức cho đồng nghiệp để áp dụng vào thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn học trò tự kỷ của trường đã tiến bộ vượt bậc.

“Nhiều em từ không biết nói đã có thể giao tiếp tốt, hay những em tăng động nay đã có thể tự kiềm chế cảm xúc để chơi nhạc hoặc xếp hình. Có em đã biết tự chăm sóc bản thân một cách cơ bản. Đó là điều động viên rất lớn cho chúng tôi” - cô Khoái nhớ lại.

Những ngày ở Pháp và sau này là qua các lớp học với chuyên gia người nước ngoài, cô được dạy cách phải yêu thương trẻ chậm phát triển, Down và tự kỷ một cách vô điều kiện vì nếu các em không cảm nhận được tình cảm của giáo viên thì không thể nào giáo dục chúng.

Đặc biệt, theo phương pháp ở trời Tây, các em phải được ra ngoài xã hội để học kỹ năng sống và tính tự lập thay vì giữ trong nhà.

Ngày đầu khi các thầy cô còn ái ngại dẫn học trò ra đường thì chính cô Khoái đã dắt các em đi chợ mua đồ chơi và ăn hàng. Vào các dịp lễ tết, cô kéo cả trường đi ngắm phố phường, vào các trung tâm thương mại để các em tham quan, học đi thang cuốn và ăn gà rán.

Mấy năm đầu tiên, khi dắt mấy em bị Down đi ăn chè, người ta nhìn cô với ánh mắt thương hại “bà này sao đẻ con toàn bị Down tội thật”.

Nhưng cô chẳng bận tâm vì sau mỗi chuyến đi, học trò của trường giỏi hơn, tiến bộ hơn rất nhiều. Lắm lúc cô như một đứa trẻ tăng động nhún nhảy trước nhạc hay cười hề hề như một trẻ mắc chứng Down..., bởi cô Khoái biết chỉ có cách hóa thân vào cuộc sống các em thì mới yêu thương và giáo dục được những học trò đặc biệt này.

Luôn hướng về phía trước

Từ 25 học sinh đầu tiên, nay trường tiếp nhận gần 90 em từ 18 tháng tuổi đến 18 tuổi. Các em ngoài trẻ mắc chứng Dowm, tự kỷ còn rất nhiều em chậm phát triển, thiểu năng. Nhiều lứa học sinh đã ra trường, có em đi học tại các trường công lập.

Chị Nguyễn Như Thoa - mẹ của bé Hiếu, học sinh của trường - khoe: “Con tôi bị tự kỷ, đến năm 4 tuổi vẫn không giao tiếp bằng ngôn ngữ được nhưng sau gần hai năm học ở trường đã tiến bộ rất nhiều.

Giờ cháu đã là học sinh lớp 8 và rất giỏi tiếng Anh, thi luôn đạt điểm 10 duy nhất của Trường Hà Huy Tập. Nếu không có cô Khoái và các giáo viên giáo dục Hiếu đúng hướng chắc giờ cháu chỉ là một đứa trẻ vô tri”.

“Ngoài tình thương, chúng tôi quan niệm chơi là để phát triển nên luôn tạo điều kiện để các em được chơi, được vào đời bằng cách này hay cách khác. Nhưng để làm được điều đó với trẻ chậm phát triển là cực khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn cao và buộc phụ huynh phải đồng hành để hiểu con em mình.

Qua đó, nhiều phụ huynh đã thành công và tìm được hạnh phúc gia đình khi con của họ từ một đứa trẻ chỉ biết khóc, biết la giờ có thể chơi đàn, đến trường và đem lại hạnh phúc cho gia đình” - bà giáo già 68 tuổi trải lòng.

Dù biết rằng tự kỷ là suốt đời nhưng cô Khoái tin rằng nếu chúng ta cố gắng hết sức thì điều tốt đẹp sẽ đến, thậm chí là kỳ tích cũng có thể đến. Nên cô luôn hướng về phía trước và làm tất cả để biến những học trò “đặc biệt” của mình trở thành những đứa trẻ mang lại niềm vui cho gia đình thay vì đau khổ.

BÍCH THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên