16/11/2018 11:05 GMT+7

Cô giáo 'bách khoa toàn thư' Văn Trịnh Quỳnh An

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên bộ môn ngữ văn Trường THPT Gia Định, TP.HCM, được học trò thân thương gọi là 'Ankipedia' - ví như từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ai cũng có thể xem, có thể kết nối.

Cô giáo bách khoa toàn thư Văn Trịnh Quỳnh An - Ảnh 1.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An trong một giờ dạy tại Trường THPT Gia Định - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Mỗi khi mùa thi tới, trang Facebook của cô tràn ngập những bình luận: "Livestream đi cô ơi!", "Hôm nay, cô livestream sớm hơn hôm qua nha cô!", "Cô ôn có tâm quá!", "Em muốn năm sau vào lớp cô dạy quá cô ơi"... 

"Trước mọi câu hỏi của học trò, dù ngô nghê không liên quan đến chuyên môn, kiến thức tôi vẫn cố gắng trả lời. Nếu không biết rõ, tôi sẽ nói: cô sẽ trả lời theo cách hiểu của cô, còn sâu hơn thì cô phải về nghiên cứu thêm và bổ sung cho em sau" - cô Quỳnh An chia sẻ.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi

Sau một ngày dài giảng dạy trên trường, cô An về nhà ăn vội bữa cơm tối rồi nghỉ ngơi đôi chút trước khi tham gia một lớp học tiếng Anh trực tuyến. Cô chăm chú nghe giảng, tay hí hoáy ghi chú lại một số cách dùng từ mới và miệng luyện theo phát âm của người dạy. 

Bên cạnh đó, cô còn tham gia học các khóa kỹ năng online khác và thường xuyên cập nhật các xu hướng và phương pháp dạy học của các nước phát triển.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An chia sẻ về việc cô "làm bạn" với học trò thế nào - Video: PHƯƠNG NGUYỄN

"Tôi học để không bị thụt lùi, để đáp ứng được nhu cầu của học trò. Càng ngày trình độ và khả năng của học trò càng tăng. Các em tiếp cận với công nghệ thông tin, biết rất nhiều thứ, học rất nhiều nguồn và luôn hơn thầy ở một khía cạnh nào đó" - cô An nói. 

Đi dạy, cô An luôn có nhiều hơn một giáo án. Theo cô, "không thể nào đem một giáo án dùng đi dùng lại cho nhiều lần được. Nội dung có thể dùng nhiều lần chứ giáo án tuyệt nhiên không. Phương pháp dạy cũng phải luôn luôn thay đổi".

Hiện nay, cô An dạy ba lớp khối 11 với ba cách dạy khác nhau. Lớp khối D, cần thi môn văn để xét vào ĐH, cô dạy theo kiểu phân tích tác phẩm kết hợp với rèn giũa năng lực cảm nhận tư tưởng, tình cảm của tác giả. 

Với lớp ban A, cô dạy kiến thức nền tảng cần thiết. Còn khi bước vào lớp tích hợp học hai chương trình tiếng Anh và tiếng Việt, cô sẽ bắt đầu tiết học bằng câu hỏi "Hôm nay các em muốn học gì?", chứ không phải "Hôm nay, cô sẽ dạy bài này" giống hai lớp trước.

Trong những giờ livestream, cô An thường không sử dụng sách vở hay tài liệu. Cô hoàn toàn sử dụng kiến thức sẵn có của mình để giảng bài trực tuyến và giải đáp mọi thắc mắc của học trò lẫn phụ huynh. Với mỗi câu hỏi học trò đặt ra, cô đều mang lại cho các em câu trả lời khiến các em thỏa mãn.

Lấy học trò làm trung tâm

Cô giáo bách khoa toàn thư Văn Trịnh Quỳnh An - Ảnh 3.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An trong giờ dạy - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Tuổi cô An chưa đến 30, gương mặt xinh xắn, đôi mắt to tròn, giọng xứ Quảng trong veo, thế nhưng học trò lại gọi cô là "cóc mẹ" và tự nhận mình là "bầy cóc con". 

Biệt danh "cóc mẹ" xuất phát từ việc cô dạy học lấy trò làm trung tâm, luôn quan sát điểm mạnh điểm yếu của học trò và tạo điều kiện cho các em phát triển điểm mạnh khắc phục điểm yếu. Để tiếp động lực cho trò, cô hay kể chuyện ngày xưa đi học, cô viết văn không bay bổng mượt mà, làm thơ cũng không giỏi. 

Bên cạnh đó, cô tổ chức dạy học theo dự án tích hợp liên môn, như cho học trò thực hiện chiến dịch quảng cáo sản phẩm do chính các em làm ra và bán gây quỹ từ thiện. Với các bài học khô khan thuần kiến thức, cô chuyển thành game show để các em vừa học vừa chơi.

Năm học trước, cô đã tổ chức trò chơi thi giải mật thư cho học sinh lớp 10. Tham gia trò chơi, các em sẽ phải kết hợp vận động cơ thể với vận động trí óc, chạy quanh khuôn viên trường, vượt qua các trạm thử thách với những câu hỏi về kiến thức trong chương trình học. 

Sau các hoạt động, cô An sẽ ghi nhận phản hồi của học trò, đánh giá lại công tác tổ chức, tác động về mặt kiến thức, kỹ năng và hiệu quả tổng thể của hoạt động đó.

Cô giáo bách khoa toàn thư Văn Trịnh Quỳnh An - Ảnh 4.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An được học trò thân thương gọi là 'Ankipedia' - ví như từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

"Người thầy chỉ đóng vai trò định hướng, đồng thời phải nỗ lực cân bằng giữa cái mới và cái truyền thống. Cái truyền thống là trang bị đầy đủ kiến thức cho học trò đi thi. 

Thực tế, qua tâm sự với các học trò, tôi biết một số em cần phải thi được. Thi được để khẳng định với cha mẹ, khẳng định chính vị trí của các em, và thi để ít nhất các em có một con đường đi lên" - cô An nói.

Nhà trường và tổ chuyên môn đã đồng hành với cô An trên hành trình dạy học lấy trò làm trung tâm, tạo cho cô một môi trường được học hỏi, được ủng hộ và "được phép" sáng tạo. "Người giáo viên chỉ có thể thực sự kết nối với học trò khi họ kết nối với đồng nghiệp của mình vì sự phát triển của học sinh" - cô An chia sẻ.

Học trò bây giờ không có nhiều đam mê với bộ môn văn, đòi hỏi người giáo viên phải bỏ ra nhiều công sức, nỗ lực sáng tạo và áp dụng nhiều phương pháp để thu hút các em. Với tính cách hòa đồng, vui vẻ, nhiệt huyết, cô An đã xây dựng một số dự án để học trò rèn luyện kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy sáng tạo".

Cô Trần Thị Kim Liên (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Gia Định)

Là thầy nhưng cũng là bạn của trò

Khi được hỏi về cô An, nữ sinh Trần Mỹ Quỳnh (lớp 11D1 Trường THPT Gia Định) cười tít mắt nói: "Cô dễ thương, gần gũi cực kỳ. Cô bao tụi em ăn, ngồi "tám" với tụi em. Cô không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy tụi em cách sống nữa".

Quan điểm của cô An là người thầy hiểu được học sinh thì mới định hướng được các em. Còn trẻ, cô An không ngần ngại trải nghiệm đời sống của học trò. "Tôi luôn tìm hiểu học trò đang đọc cái gì, đang chơi trò gì, vì sao các em lại đọc những thứ như ngôn tình, đam mỹ, bách hợp... Học trò đọc, tôi cũng đọc thử.

Các em nghe K-pop, tôi cũng nghe K-pop. Tôi muốn biết học trò mình nghĩ gì. Chân thật nhất thì mình phải thử sống đời sống của các em. Khi mình sống thử đời sống của các em thì có nhiều điều thú vị, một trong những điều thú vị đó là làm mình trẻ ra" - cô An chia sẻ.

Cô An cũng nói thêm thầy cô nên cố gắng dành thời gian để lắng nghe học trò. Lứa tuổi THPT có đặc điểm là các em không phải người lớn, nhưng các em cũng đã hết con nít. Cho nên các em vừa muốn khẳng định mình lại vừa cần sự an toàn, bảo vệ, lắng nghe.

"Người thầy có nhiều cơ hội nghe, hiểu hơn về cuộc sống của các em, có những câu chuyện nếu mình không lắng nghe thì mình sẽ không thể nào hiểu được học trò" - cô An nói.

Cô giáo truyền lòng yêu thương

TTO - Luôn chú trọng dạy đạo đức, truyền dạy tình thương cho các em, cô Lý Khánh Hoa (Trường tiểu học Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) còn có tiếng là truyền đam mê học môn lịch sử, giáo dục lòng yêu nước cho các em học sinh tiểu học.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên