31/05/2018 16:58 GMT+7

Có gì hấp dẫn khiến người ta thích thu giá hơn thu phí?

HOÀNG PHI
HOÀNG PHI

TTO - Không phải ngẫu nhiên, cảm hứng mà hai bộ Giao thông - vận tải, Giáo dục - đào tạo thích thu giá hơn thu phí. Và một số ban ngành hiện nay cũng vậy...

Có gì hấp dẫn khiến người ta thích thu giá hơn thu phí? - Ảnh 1.

Phí (fee) được hiểu là một khoản tiền cố định phải trả cho dịch vụ công, nhằm bù đắp một phần các chi phí đã bỏ ra.

Trong khi đó, giá (price) lại bao trùm hơn khi bao gồm tất cả các loại chi phí, trong đó có phí, và cộng thêm cả lợi nhuận.

Đến đây cũng cần nhắc đến "chi phí" (cost) bao gồm toàn bộ chi phí để tạo nên và cung ứng một sản phẩm, một dịch vụ.

Như vậy, có thể thấy, phí chỉ là một phần trong chi phí đó, còn giá thì lớn hơn cả chi phí bỏ ra.

Quay trở lại câu hàng loạt trạm thu phí thành trạm và Bộ Giáo dục - đào tạo cũng đề xuất thay học phí bằng Giá dịch vụ đào tạo, thì "nội hàm" của sự thay đổi này là nhằm "tính đúng, tính đủ" các chi phí đã bỏ ra và có thể có thêm lợi nhuận trong đó.

Chẳng hạn, từ trước đến nay, người Việt vốn dĩ đã quen thuộc với cụm từ học phí, vì hầu hết đều là dịch vụ công từ các trường của nhà nước cung cấp.

Các trường nhận ngân sách, nhà nước trả lương, và phần phí thu về từ học sinh là rất ít, chỉ nhằm mục đích bù đắp một phần chi phí thực bỏ ra.

Bây giờ, nếu muốn tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí của dịch vụ đào tạo đó thì dĩ nhiên giá sẽ phải cao hơn.

Điều này có thể thấy trong số tiền học phí ở trường công và trường tư thường có mức chênh lệch nhau không ít.

Các trường công, lúc này, nếu chuyển từ học phí thành "giá dịch vụ đào tạo" phải chăng là đang thương mại hóa khi muốn đưa một dịch vụ công ra thị trường?

Trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam đang có hai đạo luật, quản về phí và giá, một là Luật Phí và Lệ phí, hai là Luật Giá, để quản lý nhà nước về lĩnh vực giá cả và phí, lệ phí.

Luật Giá được Quốc hội thông qua năm 2012, có hiệu lực vào ngày 1-1-2013, còn Luật Phí được thực thi bắt đầu tư năm 2017.

Mấu chốt của vấn đề là ở chỗ giá thì "linh hoạt" điều chỉnh, dựa vào khung giá, gồm giá tối đa và giá tối thiểu, còn phí thì cố định, và muốn thay đổi phải thông qua Bộ Tài chính, hoặc Hội đồng nhân dân địa phương.

Phí do Bộ Tài chính ấn định, còn giá là do các bộ chuyên trách quản, ban hành theo khung, như Bộ Giao thông - vận tải về các trạm thu phí BOT, Bộ giáo dục - đào tạo về học phí…

Nhà kinh doanh dịch vụ đường bộ, hay đào tạo, với "thu giá" và "giá dịch vụ đào tạo" được định ra mức thu trong khung khổ đó, và cân nhắc nên chọn giá tối đa hay giá tối thiểu để thu tiền.

Vậy còn người tiêu dùng? Người sử dụng dịch vụ có thể trả giá, mặc cả, vì Luật Giá có ghi có quyền lựa chọn, thỏa thuận và góp ý, thậm chí yêu cầu bồi thường thiệt hại mua dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng?

Lý thuyết thì là vậy, nhưng vấn đề là, trên thực tế, các trạm thu phí - thu giá đó lại nằm ở những con đường độc đạo, không cho người tiêu dùng lựa chọn, và mức giá dịch vụ công cũng không thể mặc cả.

Một khi không có sự lựa chọn thì không có sự cạnh tranh, và việc đổi từ phí sang giá có lợi cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp, còn người tiêu dùng thì lại ở thế bất lợi khi phải "trả đúng, trả đủ".

Trạm thu của nhà nước thì trả phí, trạm tư nhân thì trả giá?

TTO - Khi đi xe qua đoạn đường có trạm thu do nhà nước đầu tư thì là bạn "trả phí", còn qua trạm BOT của tư nhân thì bạn đang "trả giá".

HOÀNG PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên