18/08/2012 07:39 GMT+7

Cô gái viết văn trên chiếc xe lăn

PHẠM VĂN HỌC(Hà Nội)
PHẠM VĂN HỌC(Hà Nội)

AT - Ước mơ trở thành một doanh nhân của tôi đã không còn nữa, cả niềm đam mê vác máy ảnh đi khắp nơi để chụp lại những khoảnh khắc đẹp cũng không còn nữa.

gdNvUWk1.jpgPhóng to
Hàn Băng Vũ

Chỉ còn lại một điều ước giản dị từ thuở xưa, trở thành một nhà văn, làm được điều gì đó có ý nghĩa cho mình và cho cuộc đời này”. Đó là tâm sự của cây bút trẻ Hàn Băng Vũ. Có gặp em mới cảm thấy nể phục nghị lực phi thường của cô gái trẻ này.

Hàn Băng Vũ tên thật là Vương Thị Bích Việt, sinh ngày 19-5-1988, đang sống tại thôn 1, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Chỉ trong hai năm trở lại đây, Hàn Băng Vũ đã hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết Thiên thần chết và Ước gì anh không phải thiên thần, hơn 70 truyện ngắn, chưa kể tản văn và thơ. Tập truyện đầu tiên của Hàn Băng Vũ Chỉ là yêu thôi mà (NXB Thời đại) gồm 25 truyện ngắn được viết trong 8 tháng, chủ yếu là đề tài tình yêu. Tiếp sau là tập truyện ngắn Bản sao không hoàn hảo (NXB Văn Học 2012). Nhà văn Sương Nguyệt Minh đã giới thiệu Hàn Băng Vũ có thể là một “hiện tượng” của văn học vùng mỏ trong tương lai.

Bích Việt cho biết quê gốc ở Sóc Sơn, Hà Nội. Bố cô làm nghề du lịch, gia đình theo bố lên Sa Pa công tác. Năm 2002, bố Việt đưa gia đình về Vân Đồn, Quảng Ninh. Năm 2006, Bích Việt theo học khoa tiếng Anh, Trường ĐH Hà Nội. Cô từng là một bí thư chi đoàn hết sức năng động. Cùng lúc ấy, cô thi đỗ và theo học khoa quan hệ công chúng của một trường ĐH ở

Indonesia. Tháng 9-2007, cô về nghỉ hè theo bố lên Hà Nội chơi và một tai nạn giao thông thảm khốc đã ập xuống. Bố cô qua đời ngay lúc đó, còn Bích Việt thì hai chân bị liệt hoàn toàn, sau những cố gắng hết mình điều trị của các bác sĩ. Những ngày ấy Việt rơi vào cảm giác tuyệt vọng vô cùng. Trong một tản văn, Hàn Băng Vũ viết: “Một năm trôi qua, tôi nằm bất động. Thế giới chỉ lớn bằng cái trần nhà, xa hơn nữa cũng là qua chiếc gương soi ra ngoài cửa sổ. Dù đã cố gắng mạnh mẽ nhưng nhiều đêm tôi bật khóc vì buồn tủi cho bản thân mình. Tôi thương cho mẹ tôi, một mình cô độc chẳng còn có bờ vai để ngả đầu nương tựa nữa, chỉ một mình nuốt nước mắt vào trong thương cho đứa con tàn tật. Trong tim tôi vẫn còn vẹn nguyên cái cảm giác nhói đau của những ngày tháng ấy. Tôi đã đặt cho mình một câu hỏi: “Sống để làm gì?” mà vẫn chưa tìm ra được câu trả lời, chỉ biết rằng mình đã được sống thì không nên chết”.

May sao Bích Việt đã tìm thấy niềm vui sống trong công việc viết văn. Cô giải thích bút danh của mình: “Hàn giống như thi sĩ Hàn Mặc Tử, còn Băng Vũ viết tắt thành BV thì giống như Bích Việt. Có thể hiểu Hàn Băng Vũ là mưa băng lạnh cũng được. Tôi không muốn lấy tên thực vì không muốn người đọc thương hoàn cảnh tôi mà đánh giá thiếu khách quan những tác phẩm của tôi”. Hằng ngày Bích Việt có thể kiếm tiền bằng việc thêu tranh. Nhưng Bích Việt muốn viết văn bởi cô tìm thấy trong công việc này niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống. Truyện ngắn đầu tiên của cô Cho em khóc vì anh thêm lần nữa đăng trên radioonline.com. Sau đó, Bích Việt cộng tác với rất nhiều báo khác nhau. Bích Việt còn lập website: cayviettre.com và hanbangvu.com để tạo một diễn đàn cho những người bắt đầu viết văn. Hiện tại cô đang viết tiểu thuyết trinh thám lấy chất liệu từ vốn sống tích lũy được ở Indonesia. Ngoài ra, cô còn muốn xuất bản một cuốn sách viết về những kỹ năng sống cho người khuyết tật.

Quan niệm về nghề văn, Bích Việt cho rằng: “Tôi viết chưa đủ để được gọi là nhiều, đăng công khai càng chưa đủ để người khác biết đến những “vùng trời” mà tôi đặt bút khám phá, nhưng tôi viết đã đủ lâu để cảm nhận được những gì mà việc viết văn mang lại cho tôi và những người khác”. Bích Việt muốn thông qua văn học, tác động đến tâm lý con người, làm cho con người sống đẹp hơn. Cô muốn gửi đến mọi người một thông điệp, dù cho cuộc sống có bất hạnh thì con người vẫn vươn tới cái tốt đẹp. Cô tâm sự: “Tôi muốn dùng trái tim chân thành của mình để làm cho những người mình thương yêu nhất được hạnh phúc, sẽ an ủi những người đang đau khổ bằng những câu chuyện, những bài học ý nghĩa cho cuộc đời. Để họ vượt qua được những nỗi đau và thấy rằng cuộc đời vẫn đẹp”.

Bích Việt làm việc rất khoa học. Cứ viết được khoảng nửa ngày, cô lại quay sang giải trí bằng việc khác, có thể là thiết kế mẫu hay thêu tranh. Trao đổi với chúng tôi, bà Minh, mẹ của Bích Việt, cho biết: “Em nó có nghị lực lắm. Nhiều lúc, cô bảo em viết ít đi chứ cứ thấy nó nằm xuống viết như thế cũng khổ lắm”. Nói về sự vất vả của nghề văn, Bích Việt cho rằng: “Văn chương như một người yêu đỏng đảnh, khó chiều. Mình không chán nó nhưng nó bắt mình suy tư đến mệt mỏi để nó không chán mình”. Các bạn có thể giao lưu với Hàn Băng Vũ qua email: [email protected].

rFPJxhP2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 15 ra ngày 15/08/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHẠM VĂN HỌC(Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên