Phóng to |
Noguchi Yukari đang làm việc tại bệnh viện huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nhằm giúp đỡ các bệnh nhân điều trị chứng tai biến mạch máu não. Tuy chưa nghe, nói tốt tiếng Việt, nhưng Yukari rất cố gắng để giao tiếp.
Rào cản ngôn ngữ
“Khó khăn lớn nhất của tôi khi đến đây là nói tiếng Việt không được” - Yukari tâm sự. Không có phiên dịch, lại ở nơi đất khách quê người, cô phải nỗ lực rất nhiều để giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp. Trong vai trò kỹ sư vật lý trị liệu ở Bệnh viện huyện Tân Châu, Yukari có nhiệm vụ hướng dẫn bệnh nhân cách tập luyện.
Mỗi ngày cô tập cho 6-7 bệnh nhân, mỗi người từ 20 đến 30 phút. Công việc hoàn toàn không đơn giản và khá nặng nhọc khi bệnh nhân của cô thường bị liệt nửa người. Thật vất vả để giúp họ cử động tay chân theo mong muốn của người hướng dẫn.
Đó là chưa kể những hạn chế về ngôn ngữ khiến cô khó chuyển tải điều mình muốn nói đến người bệnh. Không thể dùng ngôn ngữ, Yukari đã có sáng kiến vẽ hình và chú thích số lần tập cho mỗi động tác, để mọi người có thể theo đó tự tập, dù là đang được điều trị tại bệnh viện hay đã về nhà.
Phương pháp vật lý trị liệu do cô phụ trách, theo bác sĩ Hà Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Tân Châu, là những tinh hoa trong phương pháp điều trị của Nhật Bản, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn nhiều so với cách châm cứu cũ của bệnh viện. Tuy vẫn không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các bệnh nhân sau một thời gian điều trị cũng có thể cử động chân tay, đi lại hay làm việc nhẹ.
Bên cạnh thời gian luyện tập cho bệnh nhân, Yukari còn một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là hướng dẫn, đào tạo lại cho đội ngũ y - bác sĩ ở các xã và các huyện lân cận về chuyên môn này. Quá trình đào tạo sẽ kéo dài 2 năm, trong suốt thời gian cô công tác tại đây. Ngôn ngữ hạn chế là một thách thức khá lớn, đòi hỏi ở cô gái trẻ tính kiên nhẫn cũng như nỗ lực hòa nhập vào cuộc sống mới.
Tình nguyện để học hỏi
Điều gì đã khiến một kỹ sư trẻ quyết định rời xa cuộc sống sung túc ở Nhật để trở thành một tình nguyện viên? Yukari kể rằng ban đầu chỉ là ý thích được làm việc ở nước ngoài và VN là lựa chọn số 1 vì có môi trường an toàn nhất. Nhờ tổ chức phi chính phủ Jica giới thiệu, cô cùng hơn 50 bạn trẻ Nhật khác đã trở thành những tình nguyện viên tại khắp mọi vùng ở VN.
Làm tình nguyện viên có nghĩa là không hề có thu nhập, nhưng bù lại, Yukari rất vui vì biết thêm nhiều điều. Đó là cơ hội để được đi đó đây, được làm quen với cuộc sống mới và những con người mới, được sử dụng kiến thức vào những việc có ích và cũng học hỏi được nhiều tinh hoa từ cách điều trị tại VN. Yukari mong muốn những vốn sống đó sẽ giúp nhiều cho công việc của mình sau này.
Không nản chí
Cuộc sống tuy không tiện nghi như ở Nhật Bản nhưng Yukari cũng được trang bị một căn phòng có máy lạnh ngay tại bệnh viện. Và quan trọng hơn, cô được các đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ, được các bệnh nhân rất tôn trọng. Sang VN chưa lâu, chưa có nhiều bạn bè để chia sẻ nên cô rất nhớ nhà.
Không những thế, Yukari còn phải tập ăn uống theo kiểu VN. Nhiều lúc nhớ những món ăn thuần túy kiểu Nhật nhưng đành chịu thèm vì chỗ cô ở không có nhà bếp, còn nhà hàng Nhật ở một huyện nhỏ như Tân Châu thì hiển nhiên là không có rồi. Sách báo Nhật cũng thiếu. Mọi tin tức thời sự, Yukari đều tìm trên Internet.
Lúc rảnh rỗi, Yukari thường lên mạng viết thư về cho bố mẹ hay lấy xe đạp lang thang vài vòng quanh huyện, vừa tập thể dục vừa thư giãn và cũng để làm quen với môi trường và người dân ở đây. Tuy điều kiện sống còn thiếu thốn nhiều, nhưng Yukari không hề nản lòng. Cô chỉ mong muốn làm sao nói tốt tiếng Việt hơn nữa để hiểu mọi người xung quanh và hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận