Lần đầu tiên, chương trình về Kate Hashimoto - một người Mỹ gốc Nhật được phát trên sóng truyền hình là vào năm 2012. Câu chuyện của cô trở thành tâm điểm khi chẳng ai nghĩ rằng giữa đất nước Mỹ, đặc biệt là New York lại có một người phụ nữ... như vậy!
Hashimoto cho biết: "Tôi đã sống ở New York được ba năm. Đây là thành phố đắt đỏ nhất bản thân từng sống. Nơi này, mọi thứ đều phải chi tiền để mua, nhưng tôi luôn có cách để 'tránh' phải trả tiền. Hoặc trả ít nhất có thể".
Đó là lời nói của Kate Hashimoto trong chương trình đã lên sóng 9 năm về trước, khi đó, cô đã là chủ của một căn hộ studio vào năm 2010, được trả góp chỉ trong vòng 9 tháng.
Cách để cô có thể tiết kiệm một khoản tiền lớn như vậy thực sự vừa dễ vừa khó. Kate Hashimoto làm việc cho một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới với mức thu nhập cao gần gấp đôi mức trung bình của người Mỹ. Cô kiếm được khoảng 120.000 USD mỗi năm (gần 2,8 tỉ đồng) nhưng sở hữu lối sống kiệt sỉ bậc nhất địa cầu.
Để bảo toàn số tiền kiếm được, người phụ nữ này hạn chế tuyệt đối các khoản chi tiêu. Cô cho biết chưa bao giờ mua đồ nội thất. Thay vào đó, cô lùng sục ở các bãi rác và vỉa hè để tìm ra những món đồ dùng được, đem về chất đầy căn hộ của mình. Nhờ đó, cô chẳng phải chi vài ngàn USD cho những món nội thất đó.
Trong suốt nhiều năm, người phụ nữ này cũng chưa từng phải bỏ tiền ra để mua quần áo, kể cả đồ lót từ năm 1998. Thậm chí, đồ vệ sinh cá nhân như kem đánh răng, giấy toilet... chẳng đáng để Hashimoto sẵn lòng bỏ hầu bao ra để tậu về. Thay vào đó, cô tìm đến những trang web chuyên có những sản phẩm khuyến mãi hoặc tham gia vào các sự kiện quảng cáo để nhận về nhu yếu phẩm thiết yếu và miễn phí.
Còn giấy toilet, cô dùng khăn giấy lau khô tay tại các nhà vệ sinh công cộng, đem về nhà tái sử dụng. Trong khi đó, việc giặt giũ cùng là một điều "hiếm có khó tìm" trong cuộc đời của người phụ nữ này. Cô tận dụng những lần tắm bồn và giặt chúng khi tắm, để khỏi tốn... 3 USD (khoảng 100 ngàn) cho mỗi lần đến tiệm giặt là. Việc này giúp Hashimoto tiết kiệm được 6 USD một tháng.
Mọi thứ vẫn chưa là gì nếu không biết được cô bới thùng rác để... kiếm ăn. Hashimoto thắc mắc: "Tại sao phải tiêu tiền nhiều cho đồ ăn chứ?".
Để trả lời câu hỏi đó, hành động "cải trang" thành một người vô gia cư và tìm tới các siêu thị, nhà hàng lớn ở những khu phố sang trọng là điểm đến yêu thích của cô. Theo "bậc thầy" của những kẻ kiệt sỉ chia sẻ kinh nghiệm, những nơi này này thường vứt bỏ rất nhiều thực phẩm chất lượng cao, bao gồm cả thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chế biến sẵn đẹp mắt.
Việc cô cần làm là chỉ lấy những hộp đựng đồ ăn chưa được bóc tem, tuy có thể quá đát một vài ngày. Nhờ vậy, cô từng ăn được không ít thực phẩm cao cấp chỉ dành cho người giàu, mà nếu chấp nhận bỏ tiền ra cô cũng khó lòng có được.
Tổng chi phí hàng tháng để dùng chi trả sinh hoạt của Hashimoto chỉ tròm trèm 200 USD (chưa tới 5 triệu đồng) giữa New York. Còn so sánh với chi phí sinh hoạt trung bình của một người ngụ ở thành phố này, con số rơi vào khoảng 1.341 USD (khoảng 31 triệu đồng), chưa tính tiền thuê nhà.
Lý giải cho hành vi "keo" không thể tưởng tượng của mình, Hashimoto thổ lộ: "Tôi từng bị sa thải vì ngây thơ tin rằng tấm bằng đại học sẽ giúp nuôi sống bản thân tốt hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã giúp tôi tỉnh mộng, mọi thứ không có gì đảm bảo kéo dài mãi mãi. Tôi phải sẵn sàng với những tình huống khó nhằn nhất".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận