Số phận nghiệt ngã đã tước đi đôi mắt của họ. Trong bóng tối, mỗi người đã tự tìm cho mình động lực để vươn lên, hòa nhập với cuộc đời.
Phóng to |
Số phận không may
Hồi chống Mỹ, Vĩnh Thuận Tây là vùng chiến sự ác liệt. Nơi đây vào một ngày cuối năm Bính Ngọ 1966, cô bé Nguyễn Thị Châm đã chào đời. Vừa lên hai, Châm đã mồ côi cha khi ông hứng trọn một quả đạn cối trong lúc bơi xuồng đi giăng câu. Sáu năm sau, một trái đạn M79 ẩn mình phía sau vườn nhà tiếp tục lấy đi chân trái của mẹ cô. Số phận nghiệt ngã chưa dừng lại khi không lâu sau đó, cô bé Châm vừa tròn 11 tuổi do mắc bệnh sởi, không được chạy chữa kịp thời dẫn tới đôi mắt bị mù hoàn toàn. Thế là thế giới đóng sầm lại trước mặt cô bé. Từ đấy, Châm chỉ còn biết nương tựa vào bà mẹ một chân, bắt đầu những ngày tháng mưu sinh đầy gian khó.
Ruộng đất đã cầm cố hết để chạy chữa cho Châm và mẹ, cuộc sống gia đình Châm rơi vào túng bấn. Tuổi thơ của cô là những ngày tháng cùng anh chị rong ruổi trên chiếc ghe bầu, khi qua cánh đồng chó ngáp (Bạc Liêu), lúc vào miệt đồng bưng Tứ giác Long Xuyên (An Giang), hay xuống tận vùng rừng U Minh Hạ (Cà Mau) để làm thuê theo mùa vụ. Là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, lại không thấy đường thấy sá như người ta nên đi đến đâu Châm cũng được giao nhiệm vụ lo chuyện cơm nước cho cả nhà. Những bữa mưa tầm tã, ghe neo đậu giữa đồng, không tìm đâu ra củi khô để nấu, Châm phải mò mẫm vô xóm xin rơm. Mang được ra tới ghe rơm đã ướt mem. Trầy trật mãi cô mới lo xong bữa cơm cho cả nhà.
Nhưng Châm không chịu dừng lại ở phần việc ấy. Những lúc mọi người nghỉ ngơi sau bữa ăn, Châm dò dẫm lên ruộng lấy lưỡi hái tập cắt lúa. Ban đầu chưa quen định hướng, cô bám theo bờ đê mà cắt. Lóng ngóng thế nào, Châm tự cắt gần đứt lìa ngón tay út của bàn tay trái. Sau bận đó, tưởng cô sẽ sợ tới già cái nghề gặt lúa. Vậy mà không ai ngăn được mong muốn được làm việc như người bình thường của cô gái khiếm thị. Nhớ lại chuyện cũ, Châm bảo: “Số phận nghiệt ngã đã lấy đi của mình đôi mắt thì bù lại cho mình đôi tay, đôi chân có thể “nhìn” được. Người sáng mắt làm nhanh, mỗi ngày cắt được một công lúa (1.000m2), còn tui không nhìn thấy làm chậm hơn, nhưng bù lại có thể làm cả lúc đêm, ngày rưỡi, hai ngày cũng xong một công”.
Con mù chăm mẹ một chân
Rót thêm trà mời khách, Châm lại nhanh nhảu đi vô bếp xúc gạo nấu cơm. Chị đi lại, làm việc cứ thoăn thoắt và chính xác hệt như người sáng mắt vậy. Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên trước khả năng làm việc của chị, bà Hai Lâu (Đặng Thị Lâu, 75 tuổi), hàng xóm của Châm, kể: “Nói chi mấy việc quét nhà nấu cơm, cháu nó (chị Châm-NV) còn có thể xuống sông giăng lưới bắt cá, ra đồng nhổ cỏ, cuốc đất trồng khoai lang, vun gốc bắp. Cả việc may vá quần áo nó cũng tự làm được hết, mà làm nhanh và khéo léo khỏi chê luôn, người sáng mắt như tui còn thua xa nữa là”. Chị Ngọc Ba, một hàng xóm lâu năm của Châm, nói thêm: “Cô Châm mù mà đáo để lắm. Sáng nào cũng dắt tay dẫn hai đứa cháu Ánh Tuyết, Tuyết Nhung, con người em út, tới trường vì sợ hai đứa đi một mình xe cộ đông quá không an toàn. Từ nhà tới trường hơn cây số mà Châm bám vào lề đường đi bon bon, tới chỗ nào nó cũng biết như người ta ngó thấy vậy”.
Nhưng điều làm người dân trong xóm khen ngợi nhất là việc Châm chăm sóc chu đáo cho người mẹ già Huỳnh Thị Hai nay đã 81 tuổi. Bà cụ Hai có sáu người con đã lập gia đình, ra ở riêng, dù cuộc sống của họ đều khó khăn nhưng ai cũng muốn đón mẹ về phụng dưỡng. Nhưng nhà nào bà cụ cũng chỉ ở vài ba hôm rồi lại quay về ở với cô con gái mù. Gần 15 năm qua, khi người con trai út Nguyễn Thanh Bình lấy vợ, bà Hai về sống hẳn với Châm trong căn nhà tình thương do địa phương cất tặng. Hằng ngày Châm đi làm thuê đủ việc để nuôi mẹ. Cùng một công việc, người sáng mắt được trả công 150.000-200.000 đồng/ngày thì Châm (do làm chậm hơn) cũng được trả quá nửa. Nhờ vậy mà mẹ con cô có tiền mua gạo hằng ngày.
Mấy năm trước đây, tới mùa thu hoạch lúa, thiếu công cắt gay gắt, chị Châm làm việc hầu như cả ngày lẫn đêm. Bây giờ cơ giới hóa đồng ruộng, máy gặt đập liên hợp xuất hiện đầy đồng, chỉ những thửa ruộng lúa ngã, trũng thấp máy cắt khó hoạt động mới cần tới lao động thủ công. Ít người thuê cắt lúa, Châm xoay qua mua lá dừa nước về chằm lại thành từng tấm bán cho vựa. Rồi chị ra đồng cắt cọng lác mọc hoang về phơi qua một nắng cho dẻo, nối thành từng đôi bán cho nông dân làm dây bó lúa. “Mỗi ngày tôi phải xoay được tối thiểu 20.000 đồng để mua đủ gạo cho hai mẹ con và mấy đứa cháu. Việc làm phập phù, kinh tế nhiều khó khăn, nhưng tui may mắn có những hàng xóm tốt bụng, địa phương cũng quan tâm, giúp đỡ nhiều...” - chị Châm cười.
Thấy Châm chịu thương chịu khó, mấy năm trước địa phương đã định đưa chị ra Hà Nội bồi dưỡng chữ nổi Braille và các kỹ năng công tác để về tham gia hội người mù địa phương, nhưng chị từ chối với lý do: đi thì ở nhà ai chăm sóc mẹ. “Chị Châm là người khuyết tật nhưng rất siêng năng, cần mẫn và luôn có ý chí phấn đấu vượt lên chính mình, bà con lối xóm từ già tới trẻ ai nấy đều quý mến” - ông Khưu Bửu Tâm, trưởng ban nhân dân tự quản ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, nhận xét.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính toàn cầu hiện có 45 triệu người mù, trong đó 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được. Theo WHO, cứ 5 giây toàn cầu lại có thêm một người bị mù. Phần lớn người mù (khoảng 90%) ở các quốc gia kém hoặc đang phát triển, điều kiện chăm sóc mắt còn hạn chế. Để nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về các vấn đề liên quan đến suy giảm thị lực, WHO đã chọn ngày thứ năm, tuần thứ hai của tháng 10 hằng năm là Ngày thị giác thế giới. Tại Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù lòa, trong đó 2/3 là nữ. Các nguyên nhân gây giảm thị lực và mù cao nhất hiện nay là: đục thủy tinh thể (66,1%), bệnh glocom (6,5%), sẹo giác mạc (5,6%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột (1,7%)... |
____________________
Chồng mù, vợ bị hư mắt trái. Mấy chục năm qua họ đã dìu dắt nhau nuôi sáu con.
Kỳ tới: Bốn bàn tay, một con mắt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận