03/09/2017 17:08 GMT+7

Cô gái miệt mài gieo niềm đam mê đọc sách

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Một cô gái ở thôn Cam Lộ Phường, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đi vận động, gom góp sách về lập thư viện ngay tại nhà mình để trẻ em tới đọc.

Cô gái miệt mài gieo niềm đam mê đọc sách - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thu giúp trẻ trong làng chọn sách mượn về nhà đọc - Ảnh: QUỐC NAM

Từ khi có thư viện, ngày nào vài chục trẻ cũng đến đọc, mượn sách về nhà.

Cô gái ấy là Nguyễn Thị Lệ Thu (28 tuổi), hiện là quản lý thư viện tại một trường tiểu học ở huyện Đakrông, Quảng Trị.

"Trẻ em ở quê không có điều kiện được đọc sách như ở phố. Nhiều em rất mê sách. Đôi lúc chỉ một cuốn sách truyện cũ nhàu cũng là một niềm mơ ước với các em

Cô NGUYỄN THỊ LỆ THU

Phát loa gọi độc giả

Quê ở huyện Triệu Phong, Thu đến làm dâu ở Cam Lộ hơn ba năm trước. Thời gian đó, thấy trẻ ở làng thiếu văn hóa đọc sách, Thu nghĩ đến việc lập một thư viện nhỏ tại nhà mình để gieo niềm đam mê đọc sách.

Nghỉ hè, Thu bắt tay vào làm thư viện. Những ngày đầu, cô vận động được hơn 100 đầu sách các loại về đặt tại phòng khách nhà mình. 

Dần dần bạn bè, người quen trên mạng xã hội gom góp thêm. Hiện tại thư viện nhỏ này đã có gần 500 đầu sách.

"Đó thật sự đã là cả một gia tài đối với tôi cũng như những em nhỏ vùng quê này" - Thu xúc động.

Đến thư viện này vào một buổi sáng, chúng tôi thấy hơn 15 em nhỏ không rời mắt khỏi những cuốn sách, truyện. 

"Bình thường nghỉ hè, tụi em chỉ hay ở nhà hoặc đi chơi quanh xóm làng. Khi còn đi học cũng ít khi đọc sách vì đọc sách phải xuống thư viện, không thoải mái" - một học sinh lớp 6, là bạn đọc thân thiết của thư viện, nói.

Nắm được tâm lý này, Thu đem thư viện về tại nhà để các em thấy thoải mái, gần gũi. Những ngày đầu, lo trẻ không đến, Thu nhờ các chú ở thôn thông báo trên loa phát thanh để các em biết. 

Khi đã có vài bạn đến, Thu nhờ các bạn này kết nối những bạn khác, kể cả những bạn ở thôn khác cùng đến đọc. Hiện bạn đọc thân thiết của thư viện tại nhà của Thu đã lên đến gần 40 em.

Không những vậy, Thu còn sưu tầm thêm một số sách về nông nghiệp, kinh doanh để phục vụ các chú, các bác trong thôn đến đọc để học hỏi cách làm kinh tế. 

Kết thúc buổi đọc tại nhà Thu, mỗi em được chọn thêm vài cuốn sách, truyện mượn về nhà đọc. Các em tự lập ra một cuốn sổ ghi danh mục người mượn sách và người trả sách hằng ngày để tự quản lý.

Năm học mới, cô Thu đi làm xa nhà. Bọn trẻ vẫn đến nhà cô đọc sách và tự quản lý... Thu cười bảo: "Có lẽ chính việc đọc sách đã tạo cho các em ý thức đó".

Sách tiếp sức vượt khó khăn

Thu sinh ra trong một gia đình nhà nghèo, ba mất sớm. Một mình mẹ của Thu gồng gánh nuôi ba đứa con. Cuộc sống thiệt thòi nhưng anh chị em Thu đều có thói quen đọc sách từ nhỏ. 

"Chính việc đọc sách đã tiếp thêm sức mạnh cho mấy anh em vượt qua khó khăn, để đến hiện tại tất cả đều có công việc ổn định. Vậy nên, tôi thấy mình phải truyền lại niềm đam mê đọc sách cho những em nhỏ nghèo khác" - Thu chia sẻ.

Và có những câu chuyện cảm động từ sách. Đó là một buổi chiều mưa, ba học sinh trong tấm áo mưa vội vàng chạy nhanh vào nhà Thu. Quần áo, tóc tai các em ướt nhẹp, bê bết vì mưa. "Chị Thu cho tụi em vô mượn sách về đọc với". Một em nói khiến Thu muốn khóc. 

"Tôi không thể tả được cảm xúc của mình. Vừa thương các em, vừa vui trong lòng. Các em nhỏ ở vùng quê này đã bắt đầu biết nghĩ đến việc đọc sách và sẵn sàng chạy đi mượn sách về đọc ngay cả khi trời mưa gió" - Thu xúc động.

Rồi một buổi trưa ở miền biên giới A Bung (Đakrông) - nơi Thu đang công tác - một nhóm học sinh người dân tộc Pa Cô rón rén đến trước cửa thư viện mượn sách về đọc. Giao sách xong, Thu khóa cửa thư viện chạy xe về khu trọ nghỉ trưa. 

Chạy được một đoạn, Thu dừng lại. Ngay bên vệ đường, ba em học sinh vừa nãy đang ngồi chụm vào nhau, tựa vào cột mốc bên đường chăm chú đọc những cuốn sách vừa mượn được. 

Các em nói rằng cô Thu cho mượn sách về nhà đọc nên phải tranh thủ đọc để kịp trả sách cho cô. Thu như trân lại mấy giây giữa đường không biết nói gì.

"Những hình ảnh đó cho đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi. Tôi càng có thêm động lực xây dựng một thư viện riêng để đưa sách đến cho những đứa trẻ miền quê đọc" - Thu bảo vậy.

Chuyện những tấm lòng

Biết được thư viện của Thu, nhiều người ở Quảng Trị đã đến góp thêm vài cuốn sách cho trẻ em đọc.

Đáng quý hơn, có cặp vợ chồng ở Hà Nội đã đóng một thùng sách, truyện mang vào tận nhà góp với Thu xây dựng thư viện. Mong ước của Thu không chỉ dừng lại ở cái thư viện nhỏ ở làng Cam Lộ Phường.

Thu còn muốn xây dựng thêm nhiều mô hình thư viện làng ở những nơi khác. Trước mắt là tại quê Triệu Tài, Triệu Phong của Thu.

"Trẻ em ở quê không có điều kiện được đọc sách như ở phố. Nhiều em rất mê sách. Đôi lúc chỉ một cuốn sách truyện cũ nhàu cũng là một niềm mơ ước với các em" - Thu tâm sự.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên