16 tuổi Phượng đã một buổi đi học, một buổi đi giúp việc nhà để trang trải chi phí học hành - Ảnh: NGỌC TÀI
Cha Phượng mất sớm. Ba mẹ con Phượng đùm túm về nương tựa nhà ông bà ngoại ở cồn Lân. Ông bà đã ở tuổi xế chiều, người mẹ bao năm gồng gánh gia đình, gối cũng đã mỏi, chân cũng đã mòn.
Em gái Phượng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Để chia sớt nỗi nhọc nhằn với mẹ, 16 tuổi Nguyễn Kim Phượng đã một buổi phụ giúp việc nhà cho người ta, một buổi đến trường.
Xa nhà, xa vòng tay chở che của mẹ, của ngoại, em thấm thía câu "Cơm người khó lắm ai ơi. Không như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn".
Công việc của một ôsin tuổi học sinh, không chỉ là nấu cơm, giặt đồ, rửa chén mà còn là giặt lược, một loại dụng cụ để chứa tôm. Khi ấy, Phượng chỉ cao 1m42, nặng chưa đến 35kg.
Mỗi ngày 2 bận giặt lược và phải làm liên tục từ 1 đến 2 tiếng, làm đến chân rướm máu có là gì. Điều mà Phượng sợ nhất là đến mùa gió bấc. Cái lạnh thấm vào da thịt, như khoét sâu vào nỗi nhọc nhằn mà quạnh quẽ của cô trò nhỏ.
Nhiều lúc cũng buồn, cũng tủi thân. Nhìn xung quanh, bạn bè đâu có phải đi làm như mình. Người ta chỉ có đi học về phụ làm việc nhà, được ở với cha mẹ. Mình có nhà mà không được ở, luôn phải tranh thủ làm xong công việc rồi mới được học bài. Nhiều lúc nhớ nhà lắm, muốn chạy ù về nhà nhưng sợ mẹ sẽ cực hơn nên đành gắng chịu một mình.
Nguyễn Kim Phượng
"Thương ngoại, thương mẹ, em phải cố gắng"
Buồn và tủi thân, nhưng cô học trò vươn lên không ngừng. Ước mơ lớn trong cơ thể nhỏ nhắn là tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn, có công việc, tương lai không phải bươn chải ngoài đồng.
Ước mơ ấy thật bình thường với nhiều bạn bè cùng trang lứa, nhưng với Phượng là hành trình dài của nghị lực và không thể đầu hàng số phận.
Phượng có biệt danh là “tí hon”, luôn mang ước mơ được học hành đến nơi đến chốn, tìm công việc ổn định để giúp gia đình - Ảnh NGỌC TÀI
"Lúc cấp 2, em xin theo mẹ hái ớt. Ban đầu chủ ruộng thuê em tính tiền theo số ký ớt em hái. Sau đó thấy em hái còn nhiều hơn so với người lớn, họ thuê như người lớn. Thời gian đó, em thấy thương mẹ, thương ông bà ngoại làm việc nặng nhọc ngoài đồng. Em cũng ý thức rằng bản thân phải có hướng đi khác, không để những người thân phải cực nữa", Phượng tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Đỡ, ông ngoại Phượng, nay đã 62 tuổi. Từ ngày hay đứa cháu thi đậu đại học, ông Đỡ vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu thực hiện được hoài bão bấy lâu nhưng cũng lo cho chặng đường phía trước. Ông Đỡ thường lẳng lặng tìm thêm công việc để có đồng ra đồng vô, nhẹ bớt một gánh lo cho mẹ Phượng.
Ông Đỡ còn là nguồn động viên tinh thần cho em. "Nghe nói nó thi đậu, tôi mừng hết biết. Ráng động viên cho cháu nó học, chứ giờ thấy nó học giỏi sao nỡ kêu nó nghỉ. Khuyên cháu ráng học hoài, rồi tới đâu tính tới đó", ông Đỡ nói.
Với nhiều người miền Tây quê Phượng, câu nói "tới đâu tính tới đó" không hẳn là sự vô ưu vô lo, mà đó còn là niềm tin mãnh liệt vào ngày mai, là sự thích nghi trong mọi điều kiện nhọc nhằn, là gian khó không ngăn nổi ước mơ.
Hoàn cảnh khó khăn, vừa đi làm vừa đi học, Phượng luôn là học sinh giỏi. Kỳ thi THPT quốc gia 2019, Phượng đạt 21,8 điểm, trúng tuyển Trường đại học Kiến trúc TP.HCM ngành thiết kế công nghiệp.
Chăm ngoan lại biết san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương, TP Cao Lãnh, chia sẻ thầy cô, bạn bè quý mến Phượng không chỉ vì em chăm ngoan, học giỏi mà còn biết san sẻ, tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, các hoạt động bảo vệ môi trường.
"Các dịp lễ nhóm thiện nguyện thường tổ chức bán hoa hồng gây quỹ, những ngày đó Phượng luôn biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia cùng mọi người dù mưa hay nắng. Bản thân em còn khó khăn, tuy nhiên em vẫn sẵn sàng chia sẻ, đóng góp giúp bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn", cô Tâm nhận xét.
Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ
"Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên" - đây là thông điệp nhiều năm qua của báo Tuổi Trẻ. Năm học 2019-2020, báo Tuổi Trẻ vẫn đồng hành và cam kết sẽ là điểm tựa vững chắc cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có khát vọng vươn lên.
Dự kiến trong năm 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 028.3997.3838.
Thông tin nộp hồ sơ học bổng 2019 TẠI ĐÂY.
Đồng thời, bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập...
Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận