Phóng to |
Những nỗ lực không mệt mỏi vượt lên số phận của nhà văn - dịch giả Nguyễn Bích Lan đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều người - Ảnh - Trung Uyên |
Dịch giả Nguyễn Bích Lan đã dành rất nhiều trang trong cuốn tự truyện để viết về những ngày thơ ấu đầy hồn nhiên, đầy say mê, đầy sức sống. Ở đó có cánh đồng, có đường làng, có ngôi nhà do chính ông bà của chị tự đóng những viên gạch để xây nên. Ở đó có người ông đã truyền cho chị tình yêu lao động, tình yêu với sách và tình yêu với văn chương.
Cuộc đời đầy hi vọng, đầy sôi động đó dường như đã đặt dấu chấm hết vào cái tuổi 13 nghiệt ngã khi chị phát hiện mình không thể chạy được nữa, không thể bước lên những bậc thềm để vào lớp học...
Qua những hồi ức về tuổi thơ đó người đọc mới thấu cảm được những gì chị phải đối mặt, phải chống chọi để bước qua số phận...
Nhân dịp ra mắt cuốn tự truyện này, Nguyễn Bích Lan đã dành cho Tuổi Trẻ Online một cuộc phỏng vấn.
* Tại sao chị quyết định xuất bản cuốn tự truyện trong thời điểm này?
- Tôi chưa bao giờ có ý định viết tự truyện cả. Viết tự truyện như là một cuộc giải phẫu tinh thần, thật không dễ dàng với tôi. Hơn nữa tôi cũng rất bận và chỉ chú tâm dịch những cuốn tiểu thuyết nên không có thời gian để nghĩ ra ý tưởng này.
Một ngày tình cờ, anh Phước (Nguyễn Văn Phước, giám đốc First News) gọi điện gợi ý rằng báo chí đã kể nhiều về câu chuyện của tôi rồi nhưng giá mà tôi tự kể câu chuyện của mình, trả lời một cách đầy đủ và chi tiết ví dụ về những câu hỏi như: làm thế nào mà có thể tự học tiếng Anh rồi dịch được sách và đi đến được như ngày hôm nay; làm thế nào có thể vượt qua đau đớn để ngồi dịch được từng trang sách... Qua những câu chuyện do chính tôi kể ra hi vọng sẽ có nhiều người được khích lệ và bản thân cuộc sống của tôi cũng ý nghĩa hơn.
Vậy là tôi nghĩ nếu tôi viết cuốn tự truyện này biết đâu sẽ giúp cho một ai đó...
* Đối với nhiều người may mắn có thể họ nghĩ cuộc đời đã lấy đi của chị quá nhiều thứ. Với chị - một người không “nằm yên chờ đợi sự giới hạn cuối cùng của đời người”, chị thấy trân trọng điều gì nhất mà cuộc sống đã đem đến cho chị?
- Nếu đọc cuốn tự truyện Không gục ngã, độc giả sẽ thấy tôi đã kết luận rồi: cuộc sống của tôi là may mắn. Chính những khó khăn đã cho tôi những cơ hội, những cú bật và mình bật lên được, và nhận thấy cuộc đời vô cùng ý nghĩa. Cũng chính trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như thế tôi hiểu gia đình mình yêu thương mình biết nhường nào.
Đặc biệt tôi thấy được những tình cảm của những người không ruột thịt, những bạn đọc ở các tỉnh xa xôi như Lạng Sơn hay các bạn đọc ở nước ngoài. Họ gọi điện hỏi thăm và lo lắng cho mình, rồi chúng tôi trở thành bạn bè.
Một người bạn của tôi trên Facebook đã nói rằng: Lan là một người có được nhiều tình cảm đặc biệt nhất mà mình biết.
* Dù phải trải qua những đau đớn, những biến cố của gia đình nhưng khi đọc bài thơ Ngày mới của chị, nhiều người khá ngạc nhiên trước sự trong trẻo tươi mát của một người chịu nhiều đau đớn như chị: tôi ra ngoài ngõ/ đón ngày của tôi/ thấy con chim nhỏ/ đánh rơi gió đồi… tôi ra đồng xanh/ hái sương trên búp/ thấy nụ đời tươi/ xôn xao mừng giúp… Chị nuôi dưỡng sự trong trẻo đó từ đâu?
- Nhắc đến bài thơ này tôi nhớ đến một kỷ niệm, một người bạn của tôi đã ngồi trong một căn gác nhỏ ở Sài Gòn giữa những ngày nóng bức, tự chơi guitar, tự hát, tự thu âm và tự gửi cho tôi. Trời ơi tôi nghe mà cảm động vô cùng. Tại sao tôi có cái nhìn trong trẻo đó, chính là tôi đã tìm ra tình yêu của cuộc sống và chính tình yêu cuộc sống đã giữ cho sự trong trẻo của tuổi thơ còn mãi.
* Như chị viết trong cuốn tự truyện Không gục ngã: nếu cuộc sống của bạn trôi đi êm ả, bình yên thì cuốn sách này chỉ là cách giết thời gian. Nhưng chị có nghĩ biết đâu những cuộc đời bình yên đó đôi khi “lòng yêu đời của họ biến mất”, chị có nghĩ cuốn sách này sẽ đem đến điều gì có ích cho họ không?
- Tôi nghĩ tôi không truyền đến cho họ một bài học mà muốn chứng minh cho họ là đừng đánh mất đi lòng yêu đời. Trong những lúc mình chưa đánh mất nó thì làm thế nào để làm cho nó giàu lên, đầy lên, để như một phép phòng ngừa vì cuộc sống có rất nhiều thử thách không nói trước được...
Phóng to |
Nhà văn - dịch giả Nguyễn Bích Lan trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ Online - Ảnh: Trung Uyên |
* Hành trình vượt lên những đau đớn bệnh tật của chị thật đáng khâm phục nhưng hành trình tự học của chị cũng làm nhiều người ngưỡng mộ: tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả. Năm 2010 chị đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột, giải thưởng đó đem đến cho chị cơ hội gì?
- Khi giải thưởng này chưa đến thì tôi đã trở thành triệu phú của niềm vui rồi. Có một người bạn của tôi đã viết thư kể rằng bạn và mẹ chồng của bạn vốn chẳng bao giờ nói với nhau được một câu chuyện, nhưng có lần bạn đưa cuốn Triệu phú khu ổ chuột về nhà, 2 mẹ con thay nhau đọc rồi tự nhiên mẹ chồng lại nói chuyện với bạn. Hai mẹ con cứ bàn mãi, nói mãi về câu chuyện của Triệu phú khu ổ chuột. Đấy, có những niềm vui đến trước cả giải thưởng là như vậy.
Khi tôi nghe tin được giải thưởng này, người đầu tiên tôi gọi điện báo là cô ruột của tôi - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng. Cô tôi chỉ nói bốn từ “Bõ công cháu tôi", thế thôi. Trong giới văn có thể đôi khi người ta có những suy nghĩ “À, chiếu cố cho chị ấy vì chị ấy khuyết tật” chẳng hạn thì với giải thưởng này - một giải thưởng có uy tín - người ta sẽ nhìn mình một cách khác, người ta thấy thuyết phục hơn. Đấy không phải là cơ hội công bằng dành cho tôi sao!
* Hiện nay chị đã chuyển lên sống ở Hà Nội, xa ngôi nhà có lớp học cây táo và những giò phong lan ở Thái Bình. Nhịp sống đời thường của chị hiện nay như thế nào, chị có tiếp tục chăm sóc những giò phong lan nữa hay không, và chị vẫn thường lắng nghe tiếng dương cầm của “ông già tóc bạc, gầy guộc, hom hem” trong khu nhà của chị chứ?
- Bây giờ cả giò phong lan cũng không được chăm vì rời quê rồi, còn "ông dương cầm" thì nhớ ơi là nhớ vì cũng đã chuyển nhà sang khu khác rồi. Nhưng về chỗ mới tôi sẽ trồng những giò lan và sẽ tiếp tục chăm nó. Tôi nhớ quá những giò phong lan những ngày giá rét, tôi không về quê, không ai chăm nó, những giò phong lan chết mất...
Ra mắt tự truyện Không gục ngã Tự truyện Không gục ngã (Công ty Văn hóa & sáng tạo Trí Việt, NXB Hội Nhà văn) của dịch giả Nguyễn Bích Lan đã có buổi họp báo ra mắt vào sáng nay 8-1 tại TP.HCM. Câu chuyện của Bích Lan - cô gái phát hiện mắc bệnh loạn dưỡng cơ năm 14 tuổi, buộc phải nghỉ học, sau đó miệt mài tự học tiếng Anh và hiện là nhà văn, là dịch giả của 24 cuốn sách - đã được nhiều người biết đến thông qua truyền thông, đặc biệt là phóng sự “Không gục ngã” của tác giả Quốc Việt, đăng trên báo Tuổi Trẻ từ ngày 12 đến 17-3-2009. "Tự học tiếng Anh" cũng là một trong những nội dung chính Bích Lan muốn gửi đến bạn đọc qua cuốn tự truyện ấy. Cô cho biết: "Nhiều người đã gửi thư hỏi tôi về cách tự học tiếng Anh, nhưng trong khuôn khổ những lá thư hồi âm, tôi đã không có điều kiện trả lời chi tiết câu hỏi ấy. Vậy nên tôi đã nhấn mạnh cách học trong cuốn tự truyện này, không phải để các bạn rập khuôn học theo mà chỉ như một gợi ý". Cuốn tự truyện dày khoảng 300 trang, gồm hai phần: Chuyện đời tôi, Những chiêm nghiệm cuộc sống, kể lại hành trình từ tuổi thơ hồn nhiên, tuổi thiếu niên đầy sóng gió khi bệnh tật ập đến, hành trình gian khổ chiến đấu với bệnh tật và miệt mài thực hiện những ước mơ, những quả ngọt đầu tiên của những nỗ lực không mệt mỏi trên con đường dịch thuật... Với những ai đã và sẽ đọc cuốn tự truyện Không gục ngã, cô bày tỏ mong muốn: "Cuộc sống luôn có những khó khăn nhất định, cuốn sách của tôi như một lời khuyến khích mỗi người đọc tự viết nên câu chuyện không gục ngã của chính mình". Tại buổi họp báo, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký bày tỏ sự xúc động trước nghị lực của Nguyễn Bích Lan: "Bích Lan đã biến cái khó thành cái dễ, biết biến thách thức thành cơ hội và đã dám đi từ ước mơ này đến ước mơ khác". TRUNG UYÊN |
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (giữa): "Bích Lan đã biến cái khó thành cái dễ, biết biến thách thức thành cơ hội và đã dám đi từ ước mơ này đến ước mơ khác" - Ảnh: Trung Uyên |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận