Chị Đào Thu Hương, nữ khiếm thị đầu tiên của Việt Nam làm việc cho UNDP - Ảnh: NAM TRẦN
Chị cũng nhận mình may mắn vì được sinh ra ở thời đại công nghệ "bù" cho đôi mắt khiếm khuyết.
Việc từ tháng 6-2019, chị là nữ khiếm thị đầu tiên của Việt Nam được tuyển chọn vào làm việc cho Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, là một câu chuyện đặc biệt và truyền đi nhiều cảm hứng.
Chị từng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010. Gần hai năm qua, chị đã nỗ lực không ngừng thúc đẩy quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, dù đứng trước thách thức của đại dịch COVID-19.
Biến đại dịch thành cơ hội cho người khuyết tật
* Chị đã vượt qua các ứng viên khác ra sao để giành được vị trí việc làm tại UNDP?
- Ban đầu tôi nhận được một thông báo tuyển dụng về chương trình thí điểm tuyển 10 người khuyết tật khác nhau trên toàn cầu vào làm nhân viên của Liên Hiệp Quốc. Vượt qua vòng hồ sơ, vòng thi viết nhưng trượt ở vòng phỏng vấn, tôi đã nghĩ có thể mình chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng.
Khoảng 2 - 3 tuần sau, ở Việt Nam mở vị trí cán bộ quyền người khuyết tật. Đọc mô tả công việc, tôi rất thích bởi nó đúng với những gì tôi mong muốn: mở rộng công việc, có tầm nhìn lớn hơn và giúp đỡ được cho nhiều người khuyết tật hơn. Tôi tiếp tục nộp đơn ứng tuyển và đỗ vào vòng phỏng vấn.
Dường như không phải là phỏng vấn tuyển dụng nữa, chính xác hơn là như một cuộc nói chuyện. Chúng tôi trao đổi rất nhiều về quy trình Việt Nam có thể gia nhập Hiệp ước Marrakesh - tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin, tài liệu cho người khuyết tật không đọc được chữ in, đó là tâm huyết tôi luôn theo đuổi.
Đào Thu Hương có phòng làm việc riêng tại UNDP, các thiết bị của chị được cài những tính năng hỗ trợ đắc lực trong quá trình làm việc tại đây - Ảnh: NAM TRẦN
* Trong suốt gần hai năm qua, chị đã tham gia thúc đẩy quyền của người khuyết tật như thế nào?
- Nói về quyền của người khuyết tật là lĩnh vực rất rộng bao trùm kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị. Gần tròn hai năm, tôi học hỏi được rất nhiều. Đối tác của chúng tôi không chỉ là những người khuyết tật và các tổ chức của họ mà còn làm việc với phía Chính phủ, Nhà nước đến các doanh nghiệp. Tôi cảm nhận được khi làm việc với các đối tác cho đến cộng đồng, nhận thức của họ về người khuyết tật dần được nâng lên và mình cũng góp một phần trong quá trình đó.
Trong đại dịch COVID-19, UNDP thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật hồi phục sau đại dịch trong hai lĩnh vực: y tế và việc làm. Việc hỗ trợ cho người khuyết tật hồi phục sau đại dịch, hòa nhập với trạng thái bình thường mới là rất quan trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể gọi là hồi phục mà là hỗ trợ người khuyết tật chung sống với đại dịch.
Nói riêng về hỗ trợ việc làm, dự án hỗ trợ cho người khuyết tật những kỹ năng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số giúp họ tìm kiếm công việc phù hợp với sức khỏe, thích nghi với bối cảnh đại dịch. Họ có thể làm việc tại nhà, làm việc qua mạng, không có sự phân biệt với người không khuyết tật, nghĩa là làm theo sản phẩm và được trả công xứng đáng. Đại dịch thúc đẩy nhanh quá trình số hóa và người khuyết tật có thể tham gia nhiều hơn trong chuyển dịch nền kinh tế số.
Đào Thị Hương đã cùng nhiều đồng nghiệp khuyết tật khác tham gia thúc đẩy quyền của người khuyết tật trong nhiều năm qua
* Có thời điểm nào đó chị thấy khó khăn hay vượt quá sức mình khi theo đuổi hành trình này không, thưa chị?
- Tôi nghĩ trong quá trình đi học hay đi làm đều phải đối diện với áp lực nhưng tôi đã quen với thử thách. Thử thách cho mình động lực tiếp cận cái mới, để làm việc tốt hơn.
Về chuyên môn, đúng là khi làm về quyền của người khuyết tật thì phải đọc rất nhiều công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Luật người khuyết tật và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan. Sau hai năm, kiến thức chuyên môn của mình được nâng cao rất nhiều.
UNDP cũng tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ của tôi là gì để sắp xếp, chẳng hạn máy tính cần cài phần mềm đọc hỗ trợ, có chữ nổi dán ở thang máy cho người khiếm thị. Chỉ sau 2 - 3 ngày làm việc tại đây là tôi đã có thể di chuyển một cách độc lập.
Chị Hương tại nơi làm việc. Máy tính của chị Hương được cài đặt phần mềm đọc màn hình thuận lợi hơn
Trường chuyên biệt là quan điểm đã cũ
* Đôi mắt không nhìn thấy được, đổi lại điều gì khiến chị có thể làm nên "kỳ tích" như bây giờ?
- Từ năm 10 tuổi thì tôi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, trước đó là 1/10. Nhưng tôi là người không thích nhắc lại quá khứ, mỗi lần "tua đi tua lại" câu chuyện đó thì chán lắm (cười).
Tôi thấy may mắn khi được sinh ra ở thời đại công nghệ phát triển, người khiếm thị phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ để có thể "bù" cho đôi mắt của mình. Đôi mắt là nơi tiếp nhận 80% lượng thông tin xung quanh, nhưng với người khiếm thị chỉ tiếp nhận bằng thính giác thôi, đó là đôi tai để nghe.
Công nghệ giúp tôi đọc được thông tin trên máy tính, không lái được xe thì đặt xe ôm công nghệ, dùng công nghệ để nhận biết mệnh giá tiền hoặc sử dụng ứng dụng kết nối người khiếm thị với tình nguyện viên.
Chị Hương cho biết công nghệ giúp đỡ mình rất nhiều trong việc học tập, làm việc cũng như tiếp cận với cuộc sống thường ngày
* Bên cạnh nỗ lực của bản thân, gia đình đóng vai trò như thế nào giúp chị bước qua những khó khăn?
- Cha mẹ đã nỗ lực rất nhiều để tôi được học trong môi trường hòa nhập ở quá trình học tập. Học hết lớp 4 ở một trường tiểu học, tôi chuyển vào Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) học chữ nổi trong vòng 6 tháng, sau 6 tháng quay về học lớp hòa nhập với các bạn sáng mắt.
Lên cấp III, tôi được vào học ở Trường THPT Lương Thế Vinh và chỉ có một mình tôi là người khiếm thị. Đến sau này khi học ĐH và cao học ở nước ngoài, tôi đều được học ở môi trường hòa nhập.
Tôi thấy đấy là một điều may mắn. Khi một đứa trẻ khuyết tật được giáo dục trong môi trường hòa nhập sẽ có lợi rất nhiều cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ hòa nhập xã hội và môi trường làm việc sau này. Cho đến bây giờ, vẫn rất nhiều người hiểu nhầm là người khuyết tật phải được giáo dục trong môi trường chuyên biệt thì mới được trang bị đầy đủ, nhưng quan điểm đó đã cũ rồi.
Gia đình nỗ lực rất nhiều để chị Hương có thể bước qua những khó khăn ban đầu
* Nói như chị thì cụ thể sẽ có những thuận lợi nào giúp trẻ khuyết tật phát triển khi được học ở môi trường hòa nhập, thưa chị?
- Thứ nhất, môi trường hòa nhập giúp trẻ xóa bỏ sự tự ti mình là người khuyết tật. Tôi luôn chủ động nói với thầy cô về nhu cầu của mình, cần mọi người hỗ trợ ra sao thay vì đợi thầy cô hỏi: "Em cần hỗ trợ điều gì?".
Thứ hai, môi trường hòa nhập giúp người khuyết tật nhận ra khả năng của mình, có thể tự tin mình đủ năng lực, đủ kỹ năng để đáp ứng được yêu cầu học tập, công việc, không có khoảng cách với những người xung quanh.
* Hiện nay bên cạnh những thành quả đạt được, có những khó khăn nào trong việc thúc đẩy hơn nữa quyền của người khuyết tật không, thưa chị?
- Để bảo vệ được quyền của người khuyết tật sẽ phải tác động từ cả hai phía, phía người khuyết tật và cộng đồng. Các hoạt động của UNDP, các tổ chức phi chính phủ, các hội nhóm người khuyết tật vẫn chưa vươn tới được các đối tượng khuyết tật ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật là người dân tộc thiểu số.
Cho nên tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hơn nữa nhận thức cho cộng đồng. Sau đó là câu chuyện nâng cao điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật, nỗ lực thúc đẩy, đưa các chính sách về người khuyết tật vào thực tiễn.
Chị Hương tuy hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng vẫn luôn làm mới mình với những thử thách, đặc biệt là mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng người khuyết tật - Ảnh: NAM TRẦN
* Chị có hài lòng với cuộc sống hiện tại?
- Tôi nhận ra công việc mình làm thực sự mang lại những giá trị cho cộng đồng. Tôi cũng tham gia một số hoạt động tình nguyện, dẫn chương trình cho các buổi hòa nhạc hoặc tư vấn việc làm cho người khuyết tật.
* Thời gian gần đây chị xuất hiện trong nhiều sự kiện với vai trò MC dẫn bằng tiếng Anh. Chị học tiếng Anh như thế nào?
- Tôi học tiếng Anh từ nhỏ, lúc ấy kể cả không nhìn thấy, không đọc được sách nhưng ngồi nghe các bạn trong lớp đọc tiếng Anh thì cũng nhớ được, "học vẹt" được một số từ. Sau khi học chữ nổi, tôi biết viết tiếng Anh, đến khi được tiếp cận mạng Internet thì tôi nhận thấy tiếng Anh là một công cụ rất tốt để mình tiếp cận được các kiến thức mới mẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận