06/09/2024 09:08 GMT+7

Cô gái Giẻ Triêng côi cút: 'Nghe có chương trình Tiếp sức đến trường mà mình nghẹn ngào'

13 năm không có cha mẹ bên cạnh, được người bác nhân hậu cưu mang, tân sinh viên Hồ Thị Hậu biến giấc mơ đậu đại học thành hiện thực.

Thực hiện: THÁI BÁ DŨNG - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ

Mới đây, khi cầm trên tay giấy báo vào đại học, thấy chặng đường phía trước quá gian nan, Hậu gặp cô giáo trong trường nội trú để giãi bày.

Hai đứa trẻ bơ vơ

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 1.

Hậu tranh thủ học và phụ bác trong lúc đợi tin vui lên đường vào đại học - Ảnh: ĐÀM TÂM

Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn là ngôi trường cấp 3 có lượng học sinh mồ côi, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ thuộc top nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

Trong câu chuyện thân phận như vậy, những thầy cô giáo ở trường vùng cao này thường tìm đến báo Tuổi Trẻ khi học bổng Tiếp sức đến trường khởi động, để giới thiệu những tân sinh viên hoàn cảnh khó khăn.

Cô Đàm Thị Tâm, giáo viên môn văn của trường, gửi danh sách nhiều học sinh trúng tuyển đại học. Trong số này có câu chuyện của Hồ Thị Hậu.

Trong ngôi nhà của người bác họ mà Hậu nương náu suốt 13 năm qua, cô tân sinh viên Giẻ Triêng cần tiếp sức để được vào đại học. Hậu từng có một gia đình đủ đầy, có em trai (hiện học lớp 11), nhưng năm lên 5 tuổi, mẹ Hậu đột ngột bị bệnh não rồi qua đời. Một thời gian sau, ba của Hậu cũng lập gia đình với người phụ nữ khác.

"Vợ chồng bác Hồ Văn Dương khi biết tin của gia đình thì xuống thăm. Thấy hai chị em đang hồn nhiên nghịch cát, người nhớp nhúa, trong nhà thì không có gì để ăn, áo quần rách bươm, hai bác đưa mình và em về nhà. Mình được ở lại nhà bác Dương, còn em trai thì qua nhà em của bác để ở" - Hậu kể.

Hơn một người cha 

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 2.

Hậu và ông Dương - ân nhân đã cưu mang mình từ lúc 5 tuổi - Ảnh: ĐÀM TÂM

Cô giáo Đàm Thị Tâm, người biết rõ hoàn cảnh của hai chị em Hậu, kể rằng lúc về nhà người bác để ở, Hậu gầy quặt, da xanh xao. Khi được đưa đi khám, các bác sĩ kết luận Hậu bị bệnh tim bẩm sinh, phải can thiệp sớm.

Điều may mắn cho Hậu là được người bác họ thương Hậu hết lòng. Ông Hồ Văn Dương làm công chức nhà nước, hoàn cảnh cũng không mấy khá giả nhưng khi biết Hậu bị bệnh, ông xoay xở đủ cách để chạy chữa.

Hậu được đưa vào phòng mổ, được can thiệp trong nỗi thấp thỏm âu lo của gia đình ông. Dường như lúc nào tỉnh lại trên giường bệnh Hậu mở mắt ra cũng thấy người bác họ.

"Thời gian ngược xuôi chạy tim cho mình, bác Dương lúc nào cũng lạc quan. Bác luôn tìm lời động viên, làm mọi điều tốt đẹp nhất để mình trở lại bình thường, sống một cuộc đời vui vẻ. Nhờ sự cưu mang của bác mà mình có thể sống tới bây giờ" - Hậu xúc động.

Mồ côi mẹ, ba đi lập gia đình mới khiến Hậu và em trai mất chỗ dựa tinh thần. Nhưng cô gái Giẻ Triêng nói cả mình lẫn em trai luôn được bác Dương và người em của bác bù đắp mọi thiệt thòi, được nuôi ăn học, được sắm những bộ quần áo mới.

Nghe cô giáo nói có học bổng tên Tiếp sức đến trường mà nghẹn ngào

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 4.

Hậu nói cô mong được đi học, có việc làm để đền ơn đáp nghĩa những người đã cưu mang mình - Ảnh: ĐÀM TÂM

Hồ Thị Hậu chia sẻ rằng từ nhỏ đến lớn khao khát lớn nhất của cô là được đi học, rồi vào đại học để ra trường có việc làm đền ơn nghĩa những người đã cưu mang mình. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hậu đăng ký vào ngành sư phạm cho đỡ học phí. Dù đã đạt 27,22 điểm nhưng giấc mơ thành giáo viên của cô vẫn chưa thể chạm tới. Hậu quyết định chọn tiếp nguyện vọng vào ngành lịch sử tại Trường đại học Quảng Nam.

Khi đã đặt chân vào trường đại học, Hậu đối diện với thử thách chưa từng có với khoản học phí cho 4 năm. Vợ chồng người bác nhận nuôi đều đã lớn tuổi, khoản lương hưu phải chia 5 xẻ 7 nên khó lòng giúp cháu tiếp tục đi học. Trong bế tắc, Hậu tìm đến cô giáo Đàm Thị Tâm để giới thiệu đến học bổng Tiếp sức đến trường.

"Hôm cô Tâm giới thiệu đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường, tôi nghẹn ngào như vừa nhìn thấy một phao cứu sinh. Nếu được xét, khoản học bổng với tôi thực sự là phép màu. Tôi sẽ có thêm động lực để tiếp tục đi và chạm tay tới ước mơ" - Hậu nói.

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 4.

Hậu tranh thủ học và phụ bác trong lúc đợi tin vui lên đường vào đại học - Ảnh: ĐÀM TÂM

"Người cha thứ hai"

Trong bức thư gửi đến báo Tuổi Trẻ, Hồ Thị Hậu nói với căn bệnh tim của mình nếu không được phẫu thuật kịp thời, sức khỏe của cô sẽ diễn biến xấu, có thể Hậu sẽ không sống để vào đại học như bây giờ. Vì vậy Hậu luôn mang ơn nghĩa người đã cưu mang mình và em trai.

Ông Hồ Văn Dương nói rằng năm 2011 khi biết hai chị em Hậu gặp khó khăn, ông cùng vợ xuống tới nơi và thấy cả hai chị em đang ngồi nghịch cát, trong nhà không có gì ăn. Ông và vợ đã đưa hai chị em về tắm rửa, săn sóc. Em trai Hậu được đưa cho người em của ông nhận nuôi, vợ chồng ông nhận nuôi Hậu.

"Khi đưa về nuôi được chừng 3 tháng thì chúng tôi đưa Hậu đi khám và biết cháu bị bệnh tim. Gia đình tôi đưa cháu xuống Đà Nẵng phẫu thuật. Ca mổ lúc đó hết 75 triệu đồng, các tổ chức tài trợ một nửa, còn lại là tôi chi trả. Nuôi cháu đến tận bây giờ, thương lắm" - ông Dương nói.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Nhập học với 2 triệu đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Mồ côi mẹ lúc 5 tuổi, ba bỏ đi, cô gái Giẻ Triêng vẫn vào đại học - Ảnh 8.Cuộc đời có phép nhiệm màu: Tôi là Lê Thảo Duyên - tân sinh viên báo chí Đại học Huế!

Nhân vật chương trình Tiếp sức đến trường báo Tuổi Trẻ 2024 - Lê Thảo Duyên, cô gái 19 tuổi với 4 lần đeo tang người thân, đã gửi đến bạn đọc bài viết như một lời tri ân. Duyên vừa nhập học, trở thành tân sinh viên báo chí ĐH Khoa học - Đại học Huế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên