Bác sĩ điều trị đang hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân vào sáng 25-7 - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Gương mặt cô gái sáng rỡ, tươi tỉnh nói: "Em như trút được hòn đá nặng trên người. Em mừng quá!".
Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, cô có thể nằm thẳng trên giường ngủ như những người bình thường khác, chứ hàng đêm trước đó cô đều phải ngủ sấp kiểu nửa nằm nửa ngồi, mặt cúi xuống giường vì cái bụng to quá.
Ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam
Mẹ cô kể lại ngày nhỏ nuôi D. rất cực. Từ khi sinh ra bụng D. đã to và ngày lớn dần, sau đó tay trái, chân trái cũng phù to. Đến 4 tuổi, D. mới biết đi, ngủ thường không yên giấc. Giờ thấy con được xẹp hẳn bụng nước, mẹ cô mừng khôn xiết.
Hơn hai tuần trước, chị D. đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám với vòng bụng rất to 120cm, khó thở, mệt mỏi (do bướu chèn ép tim, phổi)…
Tại đây, qua thăm khám và làm các xét nghiệm… các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch dưỡng chất bẩm sinh. Kết quả chụp CT bụng cho thấy trong bụng bệnh nhân toàn nước, từ 40-50 lít nước.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ đây là ca bệnh tràn dịch dưỡng chấp bẩm sinh đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận, trên thế giới cũng chỉ ghi nhận một vài ca.
Cô gái 19 tuổi nhẹ nhõm sau khi được rút hơn 40 lít nước trong bụng - Video: THÙY DƯƠNG
Khi tiếp nhận, các bác sĩ đều hiểu nếu bệnh nhân không được điều trị, dịch trong bụng bệnh nhân sẽ gây ép tim, phổi, gây tử vong. Trước đó bệnh nhân cũng bị nhiều bệnh viện từ chối điều trị.
Gia đình bệnh nhân nghèo, trong khi chi phí điều trị ước tính khoảng 100 triệu đồng (do phải truyền dịch đặc biệt suốt). Bác sĩ Tiến đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình bệnh nhân được 30 triệu đồng và hiện tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chụp ảnh với bệnh nhân vào sáng 25-7 - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Nhờ các chuyên gia trên thế giới hỗ trợ
Các bác sĩ khoa Ngoại 1 đã hội chẩn trong viện, hội chẩn liên viện, đồng thời gửi thông tin của bệnh nhân qua email cho các chuyên gia và hội ung thư trên thế giới để đi đến quyết định hút dần dịch và phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân ngày 24-7, các bác sĩ cũng tiếp tục gửi thông tin của ca mổ, tình trạng bệnh nhân để nhờ các chuyên gia hỗ trợ, cho ý kiến.
Bác sĩ Tiến cho biết, khoảng một tuần nữa khi có kết quả sinh thiết về khối bướu, các bác sĩ cũng sẽ gửi cho các chuyên gia để tính toán cách điều trị cho bệnh nhân.
Những ngày đầu bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ đã dùng kim hút dịch từ trong bụng ra cho bệnh nhân liên tục trong 10 ngày, mỗi ngày hút khoảng hơn 2 lít nước.
Sáng 24-7, các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật để lấy hết dịch còn lại cho bệnh nhân (khoảng 20 lít nước).
Bác sĩ mổ quan sát toàn bộ bụng của bệnh nhân thì thấy tử cung, buồng trứng, thận, gan, lách… của bệnh nhân đều bình thường. Chỉ có một khối bướu, có kích thước khoảng 3x5cm, khối bướu dọc theo cột sống.
Đây là bướu bạch mạch sau phúc mạc bẩm sinh, bệnh nhân đã được tiến hành sinh thiết khối bướu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận