Hoàng Minh Hải (1997, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ câu chuyện về tên họ đặc biệt của mình lên một trang mạng xã hội, nhận được nhiều lời an ủi, sự đồng cảm.
Hai lần được gọi đi nghĩa vụ quân sự
Từ hồi học lớp 3, Minh Hải đã gặp phải rắc rối với họ tên đầy chất nam tính. Khi đó, Hải nhận được thẻ bảo hiểm y tế ghi giới tính nam. Cô phải đính chính thông tin để nhà trường làm lại thẻ. Tình huống này lặp lại một lần nữa vào năm cô học lớp 5.
Mặc dù thế, những năm tháng phổ thông và đại học mới được coi là đỉnh điểm của rắc rối, làm cô xấu hổ.
Ngoài đời, cô gái 20 tuổi nữ tính, dịu dàng, đối lập hẳn với cái tên Hoàng Minh Hải (bìa trái) - Ảnh: Facebook nhân vật
"Năm mình học cấp 3, cả nhà đang ăn cơm trưa thì công an xã tới hỏi sao ba mẹ không cho con trai đi khám nghĩa vụ. Gia đình phải giải thích rồi đưa đủ các giấy tờ chứng minh. Năm sau, chuyện này lặp lại làm cả nhà không nhịn được cười, còn mình xấu hổ chỉ muốn độn thổ", Hải kể.
Những tình huống nhầm lẫn về mặt thủ tục hành chính chỉ gây ra đôi chút phiền phức, còn những hiểu lầm trong trường học đã bám riết cô gái 20 tuổi từ suốt thời tiểu học đến bây giờ.
Hồi học phổ thông, mỗi lần phải đi thi ở trường khác, Hoàng Minh Hải lại thêm một lần mệt mỏi vì bị nghi ngờ danh tính. Áo đồng phục của cô cũng bị làm nhầm thành mẫu cho học sinh nam.
Lên đại học, mỗi lần thầy cô điểm danh, Hải có trả lời rõ ràng nhưng vẫn nhận về sự nghi ngờ và bị gọi lên để kiểm chứng! Học kì quân sự, Hải còn bị xếp nhầm vào danh sách kí túc xá nam.
Khi được hỏi về nguồn gốc cái tên ngược giới tính, Minh Hải trả lời: "Không biết 9 tháng trong bụng mẹ, mình có gây ra lỗi lầm gì không mà mẹ đặt cho cái tên nghe đàn ông thế. Nghe ba kể hồi đó không có siêu âm, mẹ cứ chọn tên trước rồi lúc sinh con trai hay con gái thì vẫn dùng tên đấy".
Nỗi niềm của người chung số phận
Bên dưới bài đăng của Minh Hải là những lời bình luận đồng cảm của nhiều người. Bạn Nguyễn Ngọc Trang nhớ lại hồi ức thời đi học: "Mình con trai mà hồi học cấp II, cấp III, cô giáo toàn xếp thi thể dục cùng nhóm nữ. Bị gọi kiểm tra bài cũ, lúc mình đứng lên thì cô giáo nhìn mình kiểu ngạc nhiên Ngọc Trang là con trai à".
Nguyễn Ngọc Trang (giữa) nhiều lúc ngượng ngùng vì tên gọi dễ bị hiểu lầm là con gái - Ảnh: Facebook nhân vật
Nguyễn Thanh Giang chia sẻ câu chuyện khi làm lại giấy khai sinh bị nhầm giới tính thành nam, bảo hiểm y tế cũng sai giới tính trên 3 lần, thầy cô đọc tên trả bài sẽ gọi thành "anh".
Là con gái, nhưng có tên khai sinh giống con trai, bạn Nguyễn Tín Thịnh đón nhận sự nhầm lẫn khá thoải mái. Thịnh cho biết: "Tên mình giống con trai nhưng cũng may là chưa lần nào bị gọi đi nghĩa vụ quân sự. Mình vẫn luôn thích cái tên do ba mẹ đặt cho, vì nhờ đó mà mình luôn nổi bật".
Khá nhiều dòng bình luận mang tính hài hước, kể lại kỉ niệm nhớ đời chỉ vì cái tên. Nhưng không vì thế mà họ ghét bỏ hay muốn thay đổi tên gọi mà cha mẹ mình đã đặt.
Hoàng Minh Hải bộc bạch: "Mỗi lần gặp rắc rối, mình về kể lại cho ba mẹ nghe, không an ủi mà cả nhà còn chọc quê mình thêm. Mặc dù tên gây ra rắc rối, nhiều lúc còn xấu hổ, mình vẫn luôn trân trọng cái tên ba mẹ đã đặt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận