Trước khi đến Đồng Nai dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2015, Bích Như đã đoạt HCB tại Giải vô địch bơi người khuyết tật thế giới diễn ra ở Scotland để trở thành nữ kình ngư VN duy nhất đoạt HCB tại giải đấu này. Bích Như chia sẻ một trong những chìa khóa giúp cô có được thành công của ngày hôm nay là nhờ các bài học từ huyền thoại bơi lội Michael Phelps - VĐV người Mỹ giành 22 huy chương Olympic, trong đó có 18 HCV.
Được gặp Phelps tại London
Lần đầu Bích Như được tận mắt trông thấy Michael Phelps “bằng xương bằng thịt” là ở thủ đô London (Anh) năm 2012. Khi đó, Phelps tranh tài tại Olympic, còn Bích Như chuẩn bị cho Paralympic 2012. Bích Như kể: “Từ lâu tôi đã xem Michael Phelps là thần tượng. Tôi chưa bao giờ nghĩ được nhìn thấy Michael Phelps dù chỉ từ khán đài. Xem anh ấy thi đấu, tôi hạnh phúc xen lẫn cảm giác hồi hộp, khó tả”.
Cô gái 30 tuổi này cho biết thêm: “Một số người chỉ trích Michael Phelps với nhiều câu chuyện không hay trong cuộc sống nhưng tôi lại học rất nhiều từ ngôi sao này. Tôi thường xem clip ghi hình bơi cả dưới nước lẫn trên mặt nước của Michael Phelps để học hỏi. Vì đôi chân bại liệt nên tôi chỉ quan tâm đến sải tay dài 2,02m, cách quạt nước của Michael Phelps để lao nhanh trên mặt nước”.
Trên thế giới hiện nay, khoa học đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thể thao người khuyết tật. Tuy nhiên, VĐV VN vẫn trông cậy chủ yếu vào sức và sự chăm chỉ tập luyện mà HLV tuyển bơi lội người khuyết tật VN Đổng Quốc Cường thường ví von là “tay không bắt giặc”. Họ thường phải tự tìm thêm tài liệu và xem VĐV đẳng cấp thi đấu để học hỏi. Và Bích Như đã thành công bằng cách đó.
Không gục ngã vì đôi chân teo tóp
Bích Như sinh ra hiếu động như bao đứa trẻ bình thường khác ở tỉnh Kiên Giang. Năm 3 tuổi, khi đang chơi đùa, cô bỗng khụy xuống, rồi bị hành sốt... Đôi chân Bích Như cứ thế yếu dần, teo tóp dẫn đến bại liệt. Nỗi mặc cảm khuyết tật lớn dần khi cô trở thành thiếu nữ.
Nghĩ đến ngày cha mẹ phải già đi, anh em đâu phải lúc nào cũng lo được cho mình, Bích Như đành bạo gan đòi lên TP.HCM học nghề để có thể tự lo cho tương lai của mình. Vừa nghe con gái bày tỏ ý định rời quê, mẹ cô muốn ngất đi vì lo lắng cho cô con gái tật nguyền chưa một lần xa nhà. Mặc cho mẹ ngăn cản, năm 2008 cô rời Kiên Giang lên TP.HCM học nghề may tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM. Vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Bích Như cật lực lao động, có những đêm cô thức đến 3g sáng để tranh thủ gia công hàng điện tử, trang trí... kiếm tiền công 50.000 đồng mỗi ngày.
Cuộc sống tại trung tâm khá buồn tẻ bởi học viên không được tùy ý ra ngoài. Đúng lúc này, một người bạn cùng quê khuyên cô nên đi bơi để giải khuây. Bích Như lập tức đồng ý, nhưng khi ấy cô chỉ nghĩ muốn ra ngoài “để được hít thở không khí cuộc sống”. Không ngờ, cái “gật đầu” đã làm thay đổi cuộc đời cô. HLV tuyển bơi người khuyết tật VN Đổng Quốc Cường nhớ lại: “Bích Như thể hiện quyết tâm lớn khi đeo đuổi nghiệp VĐV bơi lội. Những năm đầu tiên, khi không có một chế độ tập luyện nào từ Nhà nước, cô một mình thuê nhà trọ rẻ tiền ở Hóc Môn với điều kiện rất thiếu thốn để trụ lại TP.HCM tập bơi. Mỗi ngày cô tốn hàng giờ để lăn xe ra trạm rồi đón xe buýt đến nhà thi đấu Tân Bình tập luyện. Chỉ có ý chí rất mạnh mẽ mới giúp Bích Như vượt qua khó khăn đó”.
Nhớ lại ngày đầu tới hồ bơi, Bích Như ngồi lì gần nửa giờ trong phòng thay đồ bởi mắc cỡ với bộ đồ bơi. Bích Như vốn mang nhiều mặc cảm với đôi chân teo tóp nên từ nhỏ đến lớn chỉ mặc quần dài và chưa một lần nghĩ đến chuyện “để cho người đời nhìn thấy”... Vậy mà bốn tháng sau cô đã đoạt 1 HCV, 2 HCB tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2010 và chỉ một năm sau đã có HCV ở ASEAN Para Games tổ chức tại Indonesia.
Bây giờ, cô gái bại liệt thần tượng Michael Phelps đã trở thành ngôi sao bơi lội khuyết tật VN. Mục tiêu trước mắt của cô là tấm huy chương tại Paralympic Rio de Janeiro 2016. Giấc mơ này của cô sẽ lại bắt đầu bằng sự nỗ lực, ý chí phi thường y hệt như lần đầu tiên trong cuộc đời cô bước xuống hồ bơi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận