17/01/2017 01:01 GMT+7

9X đưa tranh dân gian vào thiết kế đương đại

NHO QUÂN
NHO QUÂN

TTO - Vẽ lại những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, thiết kế cho phù hợp rồi in trên những sản phẩm thông dụng... là cách Nguyễn Xuân Lam kéo bạn trẻ đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống.

*** Error ***
Tranh dân gian được Xuân Lam đưa vào thiết kế thời trang - Ảnh: NVCC

Hà Nội những ngày cận tết, giữa trung tâm mua sắm nhộn nhịp bậc nhất thủ đô, người qua lại không gian triển lãm Vẽ lại tranh dân gian (đang diễn ra tới ngày 28-2) tại Nestby AIA (trong khu Vincom Bà Triệu) không khỏi thích thú với các sản phẩm đương đại nhưng đậm truyền thống dân tộc.

Ở đó, một tấm bình phong bằng voan trắng mỏng tang căng trên khung gỗ nâu trầm được làm nổi bật bởi ba bức tranh dân gian: Thiên hạ thái bình (tranh Đông Hồ), Gà và hoa hồng (tranh Đông Hồ) và Chim hạc (tranh thờ tỉnh Nghệ An).

Ở đó, một chiếc váy đỏ theo phong cách thời thượng nhưng được in hình chú gà trống của bức Gà và hoa hồng (tranh Đông Hồ) như một lời chào năm mới Đinh Dậu.

Và còn nhiều sản phẩm khác như sổ ghi chép, tranh treo tường, túi vải, lịch để bàn... đều được khoác lên mình màu dân tộc bằng những bức tranh dân gian.

Chủ nhân của ý tưởng đưa tranh dân gian lên sản phẩm đương đại là Nguyễn Xuân Lam - một nghệ sĩ sinh năm 1993, đang làm việc tự do tại Hà Nội.

Xuân Lam kể ý tưởng vẽ lại tranh dân gian đến với anh một cách tình cờ. Một lần vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tìm tư liệu để làm bài tốt nghiệp ở Đại học Mỹ thuật, Lam bước chân vào khu trưng bày tranh dân gian vốn đìu hiu so với khu vực bày tranh của các danh họa.

Nhận ra nét đẹp trong các bức tranh của nghệ nhân xưa, Xuân Lam tự hỏi tại sao vốn truyền thống của cha ông phong phú là vậy mà ngày nay không được nhiều bạn trẻ biết tới.

Từ sự tự vấn ấy, Xuân Lam tìm hiểu nhiều tư liệu về tranh dân gian. Càng tìm hiểu anh càng yêu hơn những tác phẩm mang nhiều thông điệp ý nghĩa về sự sung túc, chúc phúc, con đàn cháu đống của cha ông...

Anh bắt tay vẽ lại những bức tranh dân gian. Bức đầu tiên Lam vẽ lại là tranh Ngũ hổ. Được bạn bè yêu thích, Lam vẽ thêm nhiều bức nữa.

Vốn là người từng theo học hai chuyên ngành hội họa và thiết kế, Xuân Lam sử dụng kỹ thuật đồ họa mình học được để “làm mới” tác phẩm. Anh chỉnh sửa các bản vẽ bằng máy cho phù hợp và có tính ứng dụng cao rồi mới in ra.

Mỗi bức tranh đưa vào ứng dụng, Xuân Lam đều tính toán tranh sẽ được in trên chất liệu gì, màu sắc, đường nét như thế nào thì phù hợp với gỗ, với gấm, với giấy, voan... 

Xuân Lam tiết lộ khi các bản vẽ lại tranh dân gian của anh được cộng đồng thiết kế chia sẻ, đã có những công ty, tập đoàn hỏi mua quyền sử dụng.

“Cái được nhất trong dự án này chính là ý tưởng kéo những thứ thuộc về mỹ thuật dân gian tưởng đã quá cũ trở lại trong một diện mạo mới, mang tính ứng dụng cao” - giảng viên Lê Đức Lợi, khoa thiết kế đồ họa Đại học FPT Arena, nhận xét.

*** Error ***

Họa sĩ Phạm Bình Chương - cựu giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người sáng lập nhóm hội họa Nhóm Hiện Thực - đánh giá cao việc Nguyễn Xuân Lam có ý thức gìn giữ giá trị truyền thống và tôn vinh nó bằng sự cải tiến về hình thức.

Ngoài ra, việc Lam đưa hình ảnh vào các sản phẩm, đồ dùng thông dụng càng làm tăng tính thực tiễn của việc tiếp cận văn hóa truyền thống.

Tuy vậy, họa sĩ Phạm Bình Chương cũng cho rằng việc Xuân Lam thêm khối bóng, chuyển hòa sắc nhã nhặn làm cho tranh thêm quý nhưng khiến người xem khó phân biệt các dòng tranh.

Ví dụ tranh Đông Hồ và Hàng Trống trong tác phẩm của Lam có màu sắc đồng bộ theo một phong cách, trong khi màu sắc của hai dòng tranh này trong truyền thống khác nhau.

NHO QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên