Phạm Thị Huế (bìa phải) dịp tết 2018 - Ảnh: FBNV
Ba ngày trước, sau khi đưa Huế và mẹ từ Bệnh viện Việt - Đức, nơi có trụ sở Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, trở về, anh Đặng Hoàng Giang, người đã gắn bó với Huế và nhiều bệnh nhân ung thư qua dự án cộng đồng Memento Mori (vở kịch ngắn có tên tiếng Việt là Hãy nhớ, mi sẽ chết), chia sẻ khi Huế nhắn tin hỏi anh cách đăng ký hiến tạng, anh thấy "tim mình đập nhanh, tay run run".
"Huế đang trong giai đoạn cuối của bệnh ung thư" - anh Giang kể.
TTO xin được ghi lại câu chuyện của anh Đặng Hoàng Giang:
"Khi tôi cùng Huế và mẹ cô vào Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đặt trong Bệnh viện Việt - Đức để cô đăng ký, trong căn phòng nhỏ, Huế hỏi cô có thể hiến được những gì? Cô nhân viên trẻ của trung tâm không biết hoàn cảnh của Huế và giải thích về trường hợp chết não, do tai nạn giao thông hay đột quỵ, "mình không phải trường hợp này rồi" - Huế quay sang nói khẽ với mẹ.
Huế bắt đầu điền vào tờ khai, giữa cô và mẹ có một cuộc thảo luận nhỏ về việc ghi số điện thoại của ai. Cuối cùng Huế ghi số của mẹ trước, số của mình sau.
Cô đánh dấu vào ô giác mạc, cái duy nhất những người đã qua điều trị hóa chất có thể hiến.
Rồi Huế đứng lên để cô nhân viên chụp ảnh chân dung để in lên thẻ.
Tôi đã nhiều lần tới đây, nhưng lần này tiếng máy ảnh đặc biệt to và dứt khoát như tiếng sập của một cánh cửa.
Năm phút sau, hai mẹ con chụm đầu nghiên cứu cái thẻ còn ấm. Mẹ Huế lấy ngón tay nhà nông nứt nẻ chỉ vào số điện thoại mà chị sẽ phải gọi khi "thời điểm đó" tới. "Hot-line" - chị nhắc lại, rồi cẩn thận cất cái thẻ và cái huy hiệu nhỏ được tặng kèm vào túi áo. Trên huy hiệu ghi dòng chữ: Cho đi là còn mãi.
Cuối giờ chiều, bệnh viện đã vãn người, hai mẹ con Huế chầm chậm đi ra cổng. Khối u đã di căn khắp nơi trong bụng khiến trông Huế như người mang thai tháng thứ 6.
Hai người đã đợi cả buổi chiều để mong gặp bác sĩ xem có thể phẫu thuật được không. Không để chữa khỏi bệnh, mà để khối u không chèn vào các bộ phận khác gây khó chịu vô cùng tận.
Ông bác sĩ kê hai loại thuốc nhưng nói: "Chỉ uống cho vui thế thôi chứ không chữa chạy được gì đâu".
Một ngày sau khi đăng ký hiến tạng, hai mẹ con về lại quê. Có thể đây là lần cuối cô nhìn thấy sông Hồng, nhìn thấy Hà Nội, nơi cô đã sống trong tuổi thanh xuân ngắn ngủi của mình".
Câu chuyện của Huế đã gây xúc động tận tâm can tôi. 22 tuổi, Huế đã có 6 năm chống chọi với ung thư.
Những ngày khó khăn bắt đầu từ năm Huế học xong lớp 10. Lúc ấy Huế chưa biết ung thư là gì, cứ nghĩ phẫu thuật xong là hết. Huế được phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Rồi Huế đến Bệnh viện K để điều trị hóa chất. Lần đầu tiên đến đó Huế không hiểu vì sao tất cả mọi người bệnh cô gặp đều bị rụng tóc...
Một người bệnh ung thư với đủ thứ đau đớn, thế mà Huế cũng học xong THPT rồi thi đỗ vào Đại học, Huế học ĐH Nông nghiệp, khoa công nghệ thực phẩm, vừa học vừa chữa bệnh.
Những ngày ở bệnh viện, Huế gặp một chàng trai là Dương Tuấn Anh, bạn ấy cũng bị ung thư. Một tình yêu rất đẹp đã nảy nở.
Có một bộ phim tài liệu về câu chuyện của Huế: "Hãy nhớ mình đang sống". Trong ấy, cô gái gầy gò, kể câu chuyện bệnh tật và tình yêu của mình, và kể về cái chết mà không bi lụy, luôn có nụ cười ở trên môi.
Giờ Tuấn Anh đã đi xa, ở tuổi 22. Còn Huế, cô đang vất vả với căn bệnh hiểm nghèo.
6 tháng cuối 2018, Huế là một trong số diễn viên của vở kịch Memento Mori dù thời gian không còn nhiều.
Ba ngày sau khi đi tận Hà Nội để đăng ký hiến tạng, Huế không còn nhiều sức để chat trên điện thoại. "Em mệt" - cô kể với phóng viên Tuổi Trẻ.
Không hiểu sao tôi cứ nhớ hình ảnh cô mặc chiếc áo dài trắng trong vở kịch mà Huế vào vai Liên. Một cô gái trẻ trung. Trong bộ phim về Huế, người ta đã bảo rằng chúng ta không thể tự do chọn hay không lựa chọn nếu gặp phải nghịch cảnh, nhưng chúng ta tự do khi chọn cách đối diện với nó.
Huế đã sống một cuộc đời thật đặc biệt, và cô ấy đang mong mỏi tặng được những gì quý giá nhất ngay khi đã lìa đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận