Gia đình tôi có giữ khẩu súng săn từ nhiều năm nay. Mới đây, công an vận động đổi súng lấy gạo, nhiều bà con trong buôn đã mang súng đi đổi. Tôi muốn giữ lại một khẩu súng để săn bắn. Xin hỏi nếu tôi tiếp tục giữ súng thì có được không? Nhà tôi ở gần rừng, xa trung tâm hành chánh.
Y Von (Đắk Lắk) gửi câu hỏi đến báo Tuổi Trẻ để xin được tư vấn.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về việc bạn muốn giữ lại súng săn như sau:
Khoản 3, điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
Trong đó khoản 6, điều 3 luật này quy định: Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao.
Đồng thời, khoản 1, điều 5 nghiêm cấm: Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Như vậy, công dân bình thường không được sở hữu, sử dụng súng săn.
Do đây là hành vi bị cấm nên không phụ thuộc vị trí địa lý, cam kết không gây hại con người... Thực tế nhiều trường hợp sử dụng súng mà gây hại cho con người, động vật khác vẫn bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn cấu thành trong Bộ luật Hình sự.
Điểm a, điểm c, khoản 4, điều 11 nghị định 144/2021/NĐ-CP thì xử phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự.
Như vậy, bạn và gia đình nên đi giao nộp súng săn mặc dù gia đình bạn đã lưu giữ từ lâu. Bạn nên giao nộp súng cho lực lượng chức năng dù có được đổi gạo hay không nhé.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận