Trong lớp học của cô Dung, phụ huynh cũng ngồi học cùng con |
“Cô Dung luôn mang theo bên mình chiếc túi nhựa, trong đó đựng mấy món đồ chơi nhỏ để dạy các em nhận biết mặt chữ, rèn trí thông minh khi lắp ráp... Với cô, trẻ khuyết tật luôn giàu tình cảm, tuy có thể các em không nói được nhưng trong ánh mắt, trong những cái ôm chặt ở lớp, cô cảm nhận được khát khao sống và tình thương các em dành cho mình. Đó cũng là động lực để cô tiếp tục duy trì lớp học |
Người mà Bình nhắc tới là cô Nguyễn Thị Phương Dung (47 tuổi). Với niềm tin trẻ khuyết tật nếu được học và trị liệu đúng cách sẽ phục hồi một số khả năng, từ hơn tháng nay, sáng chủ nhật nào cô cũng đến đây dạy học.
Cha mẹ cùng học với con
Khi các em đã tới đầy đủ, cô Dung cùng với bà Đặng Thị Kim (52 tuổi, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã) và bà Phạm Thị Loan (48 tuổi, phó chủ tịch Hội Da cam của huyện, cùng dạy với cô Dung) mời cha mẹ và các em vào lớp học mượn tạm của Trường tiểu học Tân Thạnh Tây.
Lớp có 28 em, không em nào có may mắn được là đứa trẻ bình thường. Có em mắc chứng bại não, có em chậm trí, hội chứng Down, khiếm thính...
Thân hình quặt quẹo, ánh mắt đờ đẫn, nhiều em không thể tự đi, thế nên phụ huynh phải cùng vào lớp để trông chừng con.
Một số phụ huynh tay còn cầm giỏ đi chợ, hoặc con mắc cỡ không chịu để mẹ ngồi gần, nên lót dép ngồi ngoài cửa lớp.
Bà Võ Kiếm Vinh (mẹ em Bình) vừa kê lại ghế ngồi cho con, vừa nói: “Thiệt tình xưa giờ chưa thấy lớp học nào giống vầy, cha mẹ vô ngồi chung với tụi nhỏ, còn mấy cô giáo nhiệt tình quá trời”.
Để bắt đầu lớp học, cô Dung nhờ các em đứng dậy lấy ghế ngồi quây quần gần tấm bảng. “Hào! Lấy cái ghế lên đây con. Đi từ từ thôi, ráng đừng nhờ mẹ” - chưa nói dứt câu, cô Dung đã đi sát bên Hào để phòng khi cậu bé bị tự kỷ này trượt ngã.
Khi lớp đã tạm ổn định, cô viết chữ “e” to bằng cái rổ lên bảng vì có nhiều em mắt yếu không nhìn xa được. Lần lượt Hào, Trung, Trà... lên bảng chỉ mặt chữ rồi đọc to cho cả lớp nghe.
Với các em nhỏ bình thường, việc này chỉ mất mấy giây, nhưng các em ở lớp học này phải được khuyến khích, phải kiên nhẫn đợi các em nhớ lại mặt chữ.
Không hiếm lần phụ huynh ứa nước mắt khi chứng kiến con em của mình nỗ lực thế nào để bước lên bảng. Việc đến lớp học này làm họ mơ một ngày con mình sẽ tự bước đi được trên đường đời.
Phụ huynh lớp học này ai cũng giữ cẩn thận quyển vở của con mình, trên đó các em mới viết được vài trang nhưng giấy đã nhàu do cố gắng một cách khó nhọc.
Mẹ Bình cho biết con mình bị bại não đã trải qua năm năm học lớp 1 ở trường tiểu học gần nhà, từ năm đầu còn bé xíu ngồi bàn đầu đến khi xuống tuốt cuối lớp nhưng chỉ nhớ được bảng cửu chương và ít chữ “ê, a”.
“Tháng trước nghe bên xã nói có lớp học này, rồi mấy cô giáo tới tận nhà nói rõ cách học, tui mừng lắm. Mà thằng Bình nó cũng thích học vô cùng, chẳng bỏ bữa nào. Chủ nhật nào hai mẹ con cũng chở nhau 20km đến đây...” - bà nói.
Còn Trang Thanh Trà (9 tuổi, bị bại não từ khi mới sinh) hai bàn tay mềm oặt không viết được chữ nhưng khi cô giáo hỏi bài thì Trà luôn cố giơ tay xung phong lên bảng.
Mẹ em, chị Nguyễn Thị Ái Diễm (34 tuổi), nói: “Cũng không nghĩ là con mình có thể học được, nhưng giờ có lớp học này thì xa xôi mấy mình cũng đưa con đi”.
Cô Dung dạy cho một trẻ nhận biết mặt chữ - Ảnh: Y.TRINH |
Giáo trình đặc biệt
Cha mẹ các em phần lớn là dân lao động nghèo, có người phải chạy ăn từng bữa, có người một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Lại thêm khi đưa con đến trường bình thường ít khi được tiếp nhận hoặc không theo kịp chương trình học. Hiểu điều này, cô Dung đã soạn một giáo trình phù hợp với khả năng nhận thức của các em.
Lần giở những trang bài giảng cho từng buổi, cô Dung nói: “Nay là buổi thứ tư rồi. Các em đã biết viết các dấu sắc, huyền, biết viết chữ “e, ê”.
Nhưng quan trọng là cả cha mẹ và bản thân các em bắt đầu có niềm tin rằng các em có khả năng học, có thể khác đi...”.
Có khi bài giảng của một buổi chỉ là chữ “o”, nhưng là sự cố gắng của cả ba phía: học sinh, cha mẹ và cô giáo. Biết rằng nếu thiếu sự thông hiểu, các gia đình sẽ dễ nản lòng, các cô giáo nhắc nhau thường xuyên gọi điện hỏi han, dặn dò phụ huynh đưa trẻ tới lớp.
“Tuần nào chúng tôi cũng in nội dung học tuần đó cho phụ huynh xem, để lúc về nhà họ có thể hướng dẫn thêm cho trẻ” - cô Dung nói.
Lớp học cũng hướng đến việc thành lập một hội phụ huynh để cùng quản lý và chăm nom việc học của các em.
Bên cạnh việc học chữ, các em còn được trị liệu sáu tháng nay. Mượn một phòng trống ở trụ sở xã Tân Thạnh Tây, cô Dung đã xin tài trợ của Tổ chức Liliane Fonds (Hà Lan) để cung cấp các loại dụng cụ phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.
Cô đã chọn những loại máy tập cho các em cử động tay chân, cơ vai, cả những động tác rèn luyện tưởng rất đơn giản nhưng hữu ích như các loại đồ chơi giúp các em phân biệt màu sắc, chữ cái, tập tư duy...
“Đừng loại các em”
Khi hỏi lý do dành nhiều tình thương cho trẻ khuyết tật, cô Dung nói từ ngày còn trẻ cô đã tiếp xúc với những đứa trẻ kém may mắn.
“Các em rất đáng thương, nhiều em không ai ngó ngàng. Các em luôn mơ ước được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, thèm thuồng việc học chữ nhưng hoàn cảnh đã đẩy các em tới mức tuyệt vọng. Đừng loại các em ra khỏi cuộc sống bình thường”.
Cô là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của khoa giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp, cô dạy học ở trường mẫu giáo, rồi cơ sở xã hội, trung tâm khiếm thính...
Năm 1996, cô mở trường mẫu giáo ở Q.Bình Thạnh cho trẻ khuyết tật và trẻ bình thường học chung với nhau. Trong 10 năm dài, cô cùng một số giáo viên nỗ lực làm sao với mức học phí vừa phải nhưng các em được học tốt nhất.
Năm 2007, khi làm việc với Tổ chức Liliane Fonds, cô biết huyện Củ Chi là một trong những nơi có nhiều trẻ khuyết tật hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày đầu mới viết dự án dạy trẻ, cô lo lắm. Nào là phải làm sao để hiệu quả, xin tài trợ ra sao, rồi cha mẹ các em có bền lòng theo cùng con mình không... Rồi những khó khăn cũng qua khi hôm nay, cả phụ huynh và các em đều hào hứng đến lớp.
Cô Dung hiện làm việc tự do tại nhà. Mỗi khi đi Củ Chi dạy miễn phí cho các em khuyết tật, cô thường chở theo con trai Nguyễn Minh Trí (đang học lớp 7). Sáng, hai mẹ con dậy sớm vượt gần 40km từ nhà ở đường Phong Phú (Q.8) tới lớp học.
Ngày nhỏ, thấy mẹ hay đi dạy, Trí đã đòi đi theo nhưng cô sợ con mình còn nhỏ phải vất vả. Giờ đây, Trí đã biết giúp cô trông nom các em. Khi cô Dung đùa rằng mình già rồi không biết dạy được bao lâu nữa, Trí liền bảo “để con thay mẹ” với đôi mắt ngời sáng.
Cần được hỗ trợ Lớp học dự kiến dạy cho 56 trẻ khuyết tật ở các xã Tân Thạnh Tây, Hòa Phú, Trung An, Phạm Văn Cội, Thái Mỹ, Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) biết chữ. Trước mắt, lớp học sẽ dạy thí điểm cho 28 em ở ba xã. Đây là bước đệm giúp các em biết đọc và giao tiếp, tránh nguy cơ bị lôi kéo làm việc xấu hoặc bị xâm hại tình dục, có khả năng hoàn thành các bậc học cao hơn. Thầy Đặng Văn Trãi, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thạnh Tây, cho biết: “Lớp học này là ý tưởng hay. Tôi tiếp xúc với mấy cô trò vài lần nhưng thấy các cô rất tâm huyết, các em dù khuyết tật nhưng biết cố gắng học. Chúng tôi cũng đang tìm cách hỗ trợ thêm cho lớp học, như góp sách vở, bút viết..., mong rằng các em sẽ học được nhiều điều”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận