Phóng to |
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái - Ảnh: gratisparacelula |
Trong đơn kiện gửi lên tòa án Tokyo ngày 5-3, 42 cổ đông cáo buộc 27 giám đốc và cựu giám đốc TEPCO đã làm ngơ trước những lời cảnh báo về một trận sóng thần có thể xảy ra và thất bại trong việc chuẩn bị đối phó với thiên tai này.
Các cổ đông muốn ban giám đốc phải bồi thường 5,5 nghìn tỉ yen cho thiệt hại của TEPCO và số tiền này sẽ được sử dụng để chi trả cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Hiroyuki Kawai, một trong những luật sư của các cổ đông, cho hay mức bồi thường được đưa ra dựa vào sự tính toán của một đoàn chuyên gia chính phủ về số tiền TEPCO phải trả.
Ngoài các cổ đông, dư luận Nhật Bản cũng rất tức giận trước thái độ cao ngạo của các nhà điều hành cấp cao của TEPCO, bao gồm sự coi thường tính nghiêm trọng của thảm họa sóng thần ở thời gian đầu và chậm trễ trong việc đền bù cho những người dân quanh khu vực nhà máy vào thời gian sau.
Chính phủ Nhật đã rất khó xử khi đứng giữa một bên là dân chúng - những người đóng thuế trực tiếp và một bên là công ty điện lực lớn nhất Nhật Bản, nơi cung cấp điện cho khoảng 45 triệu dân tại đây. Hồi tháng trước, Bộ Thương mại nước này đã đồng ý hỗ trợ TEPCO 9 tỉ USD để công ty có thể chi trả tiền bồi thường cho những nạn nhân từ cuộc khủng hoảng.
Hiện tại các cổ đông đang rất tin tưởng về chiến thắng của mình trong vụ kiện, bởi đây không phải là lần đầu tiên một hay nhiều lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp phải đền bù cho chính doanh nghiệp đó vì sự điều hành, quản lý yếu kém của mình.
Tuy nhiên, chưa có vụ án nào mức bồi thường lại cao như vụ kiện lần này. Luật sư Kawai cho biết ông không chắc 27 thành viên ban giám đốc có khả năng chi trả số tiền trên hay không nhưng tiền bạc không phải là mục đích duy nhất trong vụ kiện. Thông qua đơn kiện, các cổ đông muốn gửi thông điệp đến giám đốc những nhà máy điện nguyên tử khác để họ nhận thức được rằng họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sự cố hạt nhân.
Nằm ở phía đông bắc Nhật Bản, Nhà máy điện nguyên tử Fukushima đã bị phá hủy nặng nề bởi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái, gây ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân lớn nhất thế giới trong vòng hơn 20 năm qua.
Hiện tại chỉ có hai trong số 54 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại Nhật Bản. Nhưng trước sự lo ngại của dư luận về mức độ an toàn, có thể cả hai lò này sẽ bị đóng cửa vào tháng 5 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận