Nhà máy điện mặt trời kết hợp điện gió ở Ninh Thuận - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Lực - nguyên phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), từng phụ trách lĩnh vực nhiệt điện - cho biết chưa thể khẳng định đồng ý hay không đồng ý với đề xuất của tỉnh Long An cho việc chuyển đổi dự án nhiệt điện than Long An 1 và 2 thành dự án nhiệt điện khí.
Làm điện khí, còn phụ thuộc giá
"Đề nghị chuyển than sang khí tại Trung tâm điện lực Long An hiện chưa đủ thông tin để đánh giá. Bởi chưa rõ phương án xây dựng kho cảng, đường ống dẫn khí ở đâu, chi phí thế nào, tác động tới giá điện ra sao nên chưa thể quyết định được" - ông Lực nói.
Đồng thời nêu quan điểm: nếu tỉnh có thể kêu gọi nhà đầu tư làm cảng, có phương án cụ thể, quy mô và công suất thì cơ quan chuyên môn mới có cơ sở để xem xét, đánh giá và báo cáo cấp thẩm quyền ra quyết định.
So sánh thêm ưu - nhược điểm của hai phương án lựa chọn nhiệt điện than hay nhiệt điện khí, ông Lực cho biết trong điều kiện địa hình tại Long An, các tàu chở than có trọng tải 40.000 - 50.000 tấn có lợi thế hơn để vận chuyển. Đặc biệt với các luồng quốc gia khi được nạo vét, cải tạo thì tàu trọng tải 70.000 tấn chở than có thể vào được, việc cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện than sẽ có tính khả thi cao hơn và hiệu quả rõ nét hơn.
Trong khi đó, dự án đề xuất quy mô công suất lên tới gần 3.000MW, nếu chuyển sang dùng khí thì phải cần 3 - 4 triệu tấn khí nhập khẩu/năm, đặt ra yêu cầu về nguồn cung, kho cảng lớn. Nguồn khí có giá rất cao và không ổn định nên cũng sẽ ảnh hưởng tới giá điện. Do đó, khi làm dự án điện khí cần phải có đầy đủ các thông tin, đánh giá tương đối tin cậy mới đưa ra quyết định.
Vì sao khó bỏ điện than?
Quy hoạch điện VIII (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045) được Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công thương làm đầu mối triển khai xây dựng xác định những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, gắn với dự báo được nhu cầu tiêu thụ cho cả giai đoạn, các phương án nguồn, lưới điện có tính khả thi cao, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, có đánh giá tác động môi trường.
TS Nguyễn Mạnh Cường - phó trưởng phòng Phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng, Bộ Công thương - cho rằng nếu như quy hoạch điện VII vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, điện khí... thì quy hoạch điện VIII sẽ là ưu tiên nhiều hơn cho năng lượng tái tạo, nhưng phải đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.
"Hiện tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu nguồn đang nghiên cứu cho quy hoạch điện VIII có thể ở các mức 20%, 50%, thậm chí là 80% trong tương lai. Song điện gió và điện mặt trời phần nhiều do thời tiết quyết định, cần phải đảm bảo làm sao không được để cung ứng điện bị gián đoạn, nên cách thiết kế phải khác so với trước" - TS Cường nói.
Đặt trong bối cảnh hiện nay các nguồn điện gặp nhiều khó khăn, ông Lực cũng khẳng định không thể "bỏ ngay nhiệt điện than". Để đảm bảo hệ thống điện với nhu cầu phụ tải tăng trên 10%, chỉ có nhiệt điện than mới đáp ứng được vì đảm bảo ổn định nguồn tốt nhất.
Chưa kể, nguồn nhiệt điện than có mức giá hợp lý để các thành phần kinh tế - xã hội sử dụng sản xuất, kinh doanh, trong khi các nguồn khác như năng lượng tái tạo có giá thành cao. Điện là đầu vào cho sản xuất hàng hóa, nếu giá tăng có thể tác động đến giá thành sản phẩm, chi phí chi trả của người dân. Vì vậy, huy động điện khí hay điện tái tạo giá cao chiếm tỉ lệ càng lớn, sẽ càng làm tăng giá điện, từ đó tạo sức ép lên đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh.
Về lo ngại nhiệt điện than có thể gây ra ô nhiễm, ông Lực cho biết hiện đã có nhiều dự án nhiệt điện than có công nghệ hiện đại được đầu tư và đã có một số dự án đi vào vận hành, kiểm soát được ô nhiễm, với mức độ đều thấp hơn so với tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
Vị trí nhạy cảm
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Hội Thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc chuyển đổi công nghệ từ nhà máy điện than sang nhà máy điện khí là điều đáng mừng, bởi các nhà máy nhiệt điện khí đỡ phát sinh các chất như bụi, SO2, CO...
Tuy nhiên vị trí nhà máy cách TP.HCM khoảng 20km là vị trí tương đối "nhạy cảm", tất nhiên nếu muốn biết ảnh hưởng cụ thể thế nào còn phải dựa vào công suất, ống khói nhà máy và điều kiện khí tượng…
PGS.TS Lê Văn Khoa - ĐH Bách khoa TP.HCM - cho rằng một dự án nhà máy điện than, điện khí trước khi triển khai chắc chắn phải có đánh giá tác động về môi trường. Việc sử dụng công nghệ khí phát điện thì hành lang kỹ thuật đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, bởi quy mô ảnh hưởng lớn hơn.
Q.KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận