07/03/2019 06:50 GMT+7

'Cò' đến, giá đất... bay

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại nhiều khu vực ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng xuất hiện những "cò" đất vẽ ra viễn cảnh sắp có dự án này, dự án kia để đẩy giá đất tăng đến chóng mặt.

Cò đến, giá đất... bay - Ảnh 1.

Mua bán đất diễn ra sôi động trên lề đường ở Đà Nẵng - Ảnh: HỮU KHÁ

Trước tình hình sốt đất lan tới tận làng quê, ông Đặng Phú Hành - phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - cho biết UBND huyện đã có văn bản gửi các địa phương trên địa bàn để chấn chỉnh tình trạng mua bán đất. 

Theo công văn này, tại huyện có tình trạng nhà đầu tư, "cò" đất đang dùng nhiều chiêu trò đẩy giá đất lên cao bất thường với mục đích trục lợi.

Đất quê "dậy sóng"

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường bêtông vào sâu trong thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, anh X., một "cò" đất ở khu vực này, chỉ tay vào miếng đất có mặt tiền hướng ra phía đường cao tốc. Theo X., đây là lô có giá thấp nhất thị trường được chủ đưa ra là 520 triệu đồng cho diện tích tròm trèm 100m2

"Thích hợp cả ở lẫn đầu tư. Anh mua bỏ đó kiểu chi vài tháng cũng lên vài trăm triệu đồng" - X. nói.

Thấy chúng tôi còn phân vân, X. liền dẫn ra quán cà phê cách đó không xa, nơi có những người cùng làm nghề môi giới đất để phân tích. Nhóm này nói cả khu vực không còn đất dưới 5 triệu đồng/m2, huống hồ lô đất nói trên diện tích nhỏ, tiền bỏ ra đầu tư ít nên giao dịch sôi động. X tiếp lời: "Nhà đầu tư về đâu thì giá đất ở đó lên, huống hồ mai mốt ở đây sắp có dự án lớn". 

Hội "cò" đất này đa số tuổi còn rất trẻ, thay nhau thuyết giảng về khả năng sinh lời khi đầu tư đất ở đây. Họ còn vẽ ra viễn cảnh phát triển tươi sáng khi sắp tới dự án trường đua ngựa sẽ triển khai, biến nơi này thành khu vực tập trung du khách. Và họ không quên kèm theo lời mời mọc "cứ mua rồi gửi tụi em bán cho".

Bà Lê Thị Thanh, một chủ quán cà phê ở thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến cho biết từ sau tết đến nay, ngày nào tại thôn này cũng tấp nập người đi coi đất. Giá đất thay đổi theo từng buổi, có khi chênh lệch lên tới 50 triệu đồng.

Theo bà Thanh, người mua đất ra vào làng cả ngày lẫn đêm khiến người dân ai nấy bất ngờ. Nhiều thửa đất bỏ hoang ở cuối xóm nay cũng có người về cắm cọc đánh dấu. Thấy thị trường sôi động, một số con em trong làng cũng bỏ việc dưới phố về làng dẫn khách đi coi đất.

Tại khu tái định cư Hòa Liên, chỉ hơn một tháng qua xuất hiện hàng loạt sàn giao dịch mới. Nguyên nhân là do đất ở đây đã tăng giá chóng mặt chỉ trong vòng vài tháng. Theo nhận định của giới đầu tư, đây là khu vực có tỉ lệ tăng giá đất cao nhất ở thị trường Đà Nẵng, với bình quân 60-100% giá trị trong vòng 6 tháng qua. Bình quân mỗi lô đất tăng giá từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Nguyên nhân được nhận định là do thông tin có một số dự án lớn sắp đầu tư vào khu vực phía tây bắc thành phố.

Tình trạng sốt đất bất thường còn xảy ra cục bộ ở các khu đô thị Golden Hills, Nam Cầu Tuyên Sơn, Hòa Xuân... Lý do sốt đất là vì trên mạng xã hội tràn ngập thông tin mà các "cò" đất vẽ ra, kiểu như thành phố sắp xây dựng dự án cầu đường, cảng biển, di dời nhà máy thép, hàng loạt dự án "ngàn tỉ" của nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Singapore... đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin.

Mỗi khi có thông tin quy hoạch ở một khu vực nào đó, "cò" đất sẽ tạo điểm nóng đất cát trong thời gian ngắn rồi rút lui. Những ai bỏ tiền mua đất sẽ là người chịu thiệt sau cùng.

Ông LÊ ĐÌNH QUY (nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng)

Thận trọng với sốt đất ảo

Ông Lê Đình Quy, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng, cho rằng người dân cần tỉnh táo và thận trọng với các chiêu trò bơm giá đất hiện nay. Theo đó, việc giá đất lên cao bất thường theo kiểu hô "sáng một giá, chiều một giá" là không bền vững. Về lâu dài sẽ tiềm tàng nhiều nguy cơ và rủi ro cao.

Ông Quy đưa ra dẫn chứng là trong thời gian qua, người dân đã chứng kiến nhiều thành phần đầu cơ đồn thổi sốt đất, tạo tâm lý cháy hàng khiến giá đất "nhảy múa". Thậm chí họ còn làm giả văn bản về quy hoạch, đầu tư xây dựng của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

"Một số chiêu trò kinh doanh dễ nhận thấy như "bơm" thông tin liên tục đến các nhóm, hội buôn bán bất động sản trên các mạng xã hội nhằm thu hút khách hàng. Sau đó, cũng chính nhóm này sẽ mua đi bán lại bằng hợp đồng đặt cọc ảo để nhà đầu tư nhìn thấy giao dịch sôi động, từ đó quyết định rót tiền" - ông Quy cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND xã Hòa Tiến - cho biết địa phương hoàn toàn bất ngờ khi nơi đây trở thành một địa điểm giao dịch đất tấp nập như vừa qua. Bởi hiện nay xã Hòa Tiến không có bất cứ dự án nào sắp triển khai, hoặc liên quan đến việc giải tỏa đền bù với số lượng lớn.

"Thấy người bán buôn đến nhiều bất thường, địa phương cũng lo lắng. Chúng tôi đã cảnh báo người dân phải thận trọng trong việc mua bán đất. Đặc biệt là người dân địa phương không nên nhìn thấy lợi ích trước mắt mà để ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế - xã hội về lâu dài" - ông Tuấn nói.

Đừng vì lợi trước mắt mà bán hết đất!

Ông Đặng Phú Hành cho biết UBND huyện Hòa Vang đã giao UBND 11 xã tuyên truyền cho người dân thận trọng trong việc mua bán đất, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp và đất ở, gây ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài.

"Đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất vì sau này sẽ không còn đất sản xuất. Chúng tôi đã giao đài truyền thanh huyện thông tin khuyến cáo cho bà con, đồng thời mong các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo để người dân biết rõ tình hình sốt đất ảo trên địa bàn huyện, tránh bị sập bẫy của các nhóm "cò" đất" - ông Hành nhấn mạnh.

Cẩn thận với các chiêu trò trong cơn ‘sốt đất’ Phú Quốc

TTO - Hầu hết "đất nền" rao bán ở Phú Quốc là đất nông nghiệp phân lô và được cò đất "thổi giá" với đủ chiêu trò nhắm vào những người có nhu cầu lướt sóng kiếm lời. Thậm chí có cả tình trạng làm giả xác nhận quy hoạch của cơ quan chức năng.

HỮU KHÁ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên