15/10/2024 18:47 GMT+7

Có đến 60.000 lao động rời Đồng Nai về quê sinh sống sau dịch COVID-19

Khoảng 50.000 - 60.000 công nhân, lao động ở Đồng Nai - chủ yếu ở tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên - đã về quê sinh sống.

Khoảng 50.000 - 60.000 lao động rời Đồng Nai về quê - Ảnh 1.

Sau đại dịch COVID-19, hàng chục ngàn công nhân, lao động ở Đồng Nai đã về quê sinh sống. Trong ảnh: Một dãy trọ công nhân ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa - Ảnh: A LỘC

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có hơn 1,3 triệu lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 60%.

Đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19, có khoảng 50.000 - 60.000 lao động ở Đồng Nai đi về quê ở các tỉnh, chủ yếu tập trung về các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.

Cũng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có hơn 53.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên chỉ có hơn 43.100 doanh nghiệp đang ở trạng thái hoạt động, trong đó có hơn 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai có 2.046 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Ngược lại, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể tương đối lớn, với tổng cộng 1.895 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Mặt khác, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh có 7.511 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền khoảng 826,8 tỉ đồng.

Tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động vẫn còn xảy ra phổ biến.

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng đóng, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Khoảng 50.000 - 60.000 lao động rời Đồng Nai về quê - Ảnh 2.

Công ty Elite Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) cần tuyển dụng cả ngàn lao động để mở rộng sản xuất. Trong ảnh: Công nhân Công ty Elite Long Thành trong giờ làm việc - Ảnh: A.B.

Điểm sáng là tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2024 tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tình hình lao động việc làm cơ bản ổn định, các doanh nghiệp có xu hướng phục hồi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội cho người dân được quan tâm, thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn; thiếu đơn hàng nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ; thời tiết, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục nắm bắt tình hình, tổng hợp số liệu đoàn viên, người lao động hằng tuần.

Đồng thời đề nghị các công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi người lao động, tăng cường giới thiệu việc làm cho những lao động bị cắt giảm, mất việc làm, giúp họ sớm trở lại thị trường lao động.

Những tháng cuối năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các cấp công đoàn tập trung ổn định quan hệ lao động và nắm chắc tình hình đoàn viên, người lao động thiếu việc, mất việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Tỉ suất di cư thuần Đồng Nai giảm dần

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ suất di cư thuần của tỉnh Đồng Nai giảm dần trong những năm gần đây (dân số có xu hướng giảm).

Cụ thể tỉ suất di cư thuần năm 2019 là 87%, đến năm 2022 chỉ còn 46%. Trong đó tỉ suất di cư thuần năm 2021 chỉ có 6%.

Ngoài ra, tỉ suất nhập cư từ 133% (năm 2019) giảm còn 77,5% (năm 2022); tỉ suất xuất cư từ 46% giảm còn 31,5% trong cùng thời kỳ.

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, việc tỉ suất di cư thuần giảm cộng với việc mức sinh giảm sẽ dẫn tới thay đổi cơ cấu dân số theo nhóm tuổi. Điều này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu lao động và việc làm.

Tuy nhiên, theo dự báo Đồng Nai sẽ tiếp tục duy trì cơ cấu dân số vàng tới khoảng năm 2045-2050, do cơ cấu dân số trẻ thừa hưởng từ di cư những năm trước đây.

Khoảng 50.000 - 60.000 lao động rời Đồng Nai về quê - Ảnh 3.TP.HCM có thêm quỹ hỗ trợ công nhân mất việc, người yếu thế

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM vừa cho ra mắt Quỹ An sinh xã hội thành phố, nhằm hỗ trợ nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương mà các chính sách của Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cứu trợ… chưa bao phủ đến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên