Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhà bà Huỳnh Thị Thái - chủ tịch Hội Việt kiều Hàn Quốc - nằm ở vùng Yongsan, cách trung tâm Seoul 40 phút đi ôtô. Bà ngoài sáu mươi, vẫn còn vẻ mặn mà. Lúc đó, lấy vợ lấy chồng nước ngoài là việc không dễ dàng được xã hội Việt lẫn Hàn chấp nhận.
Nhưng quyết tâm của họ đã khiến hai gia đình phải chiều theo. Bà kết hôn năm 1973, về nhà chồng ở một vùng ngoại thành Seoul. Nay sau 35 năm "cùng chồng tát biển Đông", bà có một cơ ngơi đàng hoàng ở Seoul, con cái đã lớn và thành đạt.
Những cô dâu Việt đầu tiên
Buổi tối hàn huyên ở nhà bà Thái còn có thêm hai phụ nữ gốc Việt: bà Loan và bà Nghìn. Khác bà Thái, chồng của hai bà là người Mỹ, nhưng công việc ở Hàn Quốc đã khiến họ chọn đây là nơi dừng chân. Người Việt ở Seoul thập niên 1970 rất hiếm hoi nên những phụ nữ tha hương này luôn tựa vào nhau. Mấy năm gần đây, khi rộ lên vấn đề "cô dâu Việt", họ tự đứng ra làm nhiệm vụ "người đi trước rước người đi sau".
Bữa cơm tối đãi khách từ Việt Nam sang có một món được các nữ Việt kiều xuýt xoa: đậu que xào thịt. Ở xứ sở kim chi không có đậu que. Bà Thái tự xưng là "dì Hai", khoe: "Đậu này do một em VN lấy chồng ở một làng quê Hàn Quốc gửi lên. Dì Hai tư vấn giúp em không còn xích mích với gia đình chồng nên em gửi lên biếu. Nhưng tôi không nhận suông mà đòi em cho số tài khoản để gửi lại tiền công. Tôi muốn khuyến khích, động viên em tiếp tục sống hạnh phúc, trồng đậu que, rau muống gửi lên là mừng rồi".
Mấy năm gần đây, các nữ Việt kiều này tự nguyện quyên góp, giúp đỡ vật chất một số cô dâu Việt thiếu may mắn. Các bà còn như một dạng trung tâm "gỡ rối tơ lòng". Bà Thái kể từng giúp - dù chỉ qua điện thoại - các cô này nói chuyện với chồng họ. Bà kể đã nếm trải hết những năm tháng khó khăn nơi đất khách, cũng từng làm dâu cho một đại gia đình, từng bị bất đồng ngôn ngữ, xung đột văn hóa, thậm chí có lúc đụng độ với chồng. "Hồi đó còn khó khăn hơn bây giờ nhiều nên tôi có cái để khuyên nhủ, hướng dẫn các em".
"Đường dây nóng" Seoul
Phóng to |
Nếu bà Thái, bà Loan, bà Nghìn là những "đường dây nóng" tài tử thì năm 2006, trong cao điểm những vấn đề nảy sinh từ những cuộc hôn nhân quốc tế, chính quyền Seoul đã cho thành lập Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp phụ nữ di trú. Chiều 16-7 khi đến thăm trung tâm, chúng tôi được bà Kang Sung Hea - giám đốc trung tâm - cho biết: "Hiện đây là nơi duy nhất tư vấn cho các cô dâu qua điện thoại trên Hàn Quốc.
Từ năm sau, chính quyền sẽ mở thêm trung tâm ở các thành phố khác để hỗ trợ các cô dâu quốc tế". Bà kể tuy số cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc đông nhất là người Trung Quốc, nhưng cô dâu Việt là những người gọi đến trung tâm nhiều nhất. "Các cô dâu Trung Quốc đa số sống ở vùng biên giới Trung - Hàn nên nhiều người biết tiếng Hàn, ít gặp bất đồng. Trong khi đó các cô dâu Việt vừa không biết tiếng, vừa nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm sống" - bà Kang Sung Hea nói.
Nhận thấy nguy cơ từ sự đổ vỡ của những cuộc hôn nhân quốc tế có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Hàn Quốc, chính quyền tổ chức công tác hỗ trợ ở các địa phương như mở trung tâm dạy tiếng Hàn, hướng dẫn văn hóa cho các cô dâu nước ngoài, các lớp thực tập nấu ăn, những cuộc tham quan du lịch cho những gia đình đa văn hóa... Để giải quyết những trường hợp khẩn cấp, họ mở đường dây nóng, tìm các cô dâu đã hòa nhập xã hội Hàn, giỏi ngôn ngữ để đào tạo thành tư vấn viên cho đường dây này.
Đường dây nóng nằm tại Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp phụ nữ di trú ngay trung tâm Seoul. Khi chúng tôi vào thăm, tư vấn viên Nguyễn Thúy Hà đang trả lời một cô dâu Việt nào đó về vấn đề luật pháp.
Chuyện của các cô dâu
"Chúng tôi làm đủ cả: từ phiên dịch, khuyên can, giải đáp các thắc mắc và cả tư vấn về lưu trú, phúc lợi, pháp lý - tư vấn viên Thanh Quý cho biết - Có khi chúng tôi còn kiêm nhiệm vụ gọi cảnh sát khi cần can thiệp". Đã có hai năm nghe điện thoại, Quý kể lại nhiều cảnh đời của các cô dâu Việt: cô thì bị gia đình chồng hành hạ, bị chị chồng lấy lược cào xước bầm hết cả người, có cô sau khi sinh được ba ngày phải ra làm ruộng, có cô than thở về tâm trạng bất an vì nhà chồng cứ đòi đuổi về nước mỗi khi có mâu thuẫn...
Nhiều cô vỡ mộng vì chênh lệch tuổi tác, không ít cô dằn vặt vì người chồng không giúp đỡ kinh tế gia đình vợ... Quý kể: "Có lần một ông chồng hấp tấp gọi tới nói vợ tôi đang trên bàn sinh, nhờ cô nói với vợ tôi phải rặn thế này này…". Một bà mẹ chồng gọi tới "mắng vốn" sao "các cô dâu Việt bướng thế, nói gì cũng cãi lại". Tư vấn viên phải giải thích với bà rằng khác với văn hóa Hàn Quốc, khi mẹ chồng nói sai con dâu cũng phải cắn răng chịu đựng, ở Việt Nam phụ nữ bình đẳng hơn.
Theo thống kê từ đường dây nóng này, trong tháng 4-2008 có tới 123 cuộc gọi (tổng số 551 cuộc gọi) xin tư vấn liên quan đến những vấn đề sinh hoạt. Chỉ 20 cuộc là vì bạo lực và 22 cuộc vì cô dâu bỏ trốn. Các con số nói lên nguyên nhân chính của các xung đột: bất đồng ngôn ngữ và cách biệt văn hóa. Để giải quyết vấn đề cần có nỗ lực từ hai phía.
Cô dâu Kiều Oanh, đã tốt nghiệp đại học và làm việc trong một công ty Hàn năm năm trước khi lấy chồng về Incheon,
trong cuộc gặp Tuổi Trẻ tối 19-7 nhận xét tinh tế: Trước đây các phương tiện truyền thông Hàn gọi những gia đình có cô dâu nước ngoài là "những gia đình có người di trú”, khoảng hai năm gần đây các gia đình này được gọi là "gia đình đa văn hóa". Trên kênh truyền hình KBS World gần đây xuất hiện hai chương trình mới: "Tình yêu ở châu Á" và "Lần đầu gặp sui gia". Đây là các chương trình giới thiệu những câu chuyện tình yêu và xây dựng cuộc sống trong những gia đình đa văn hóa.
Không đơn giản là cuộc đổi đời
Hôn nhânViệt - Hàn không đơn giản là một cuộc đổi đời, do sau khi bỏ hàng chục nghìn đôla "mua vợ" (từ này Thúy Hà và Thanh Quý kể họ không ít lần nghe được từ phía chồng các cô dâu), một số gia đình chồng luôn đòi hỏi sự đền bù. Đó không chỉ là việc sinh con, làm dâu cho nhà chồng mà cả việc lao động để bồi hoàn chi phí bỏ ra...
Những cô dâu Việt trẻ chúng tôi được gặp là những người không kết hôn qua các đường dây môi giới. Một số cô đã tốt nghiệp đại học, chịu khó học ngoại ngữ, có bản lĩnh nên hội nhập thành công. Còn nhiều cô dâu Việt khác chúng tôi không thể gặp. Họ ở đâu đó trong một góc khuất, lam lũ trên những cánh đồng trong câu chuyện của "dì Hai", hay đang sống bất an từ thống kê của đường dây nóng. Có thể họ đang hài lòng, nhưng cũng có thể họ đang phải âm thầm chịu đựng.
Những ngày tháng bảy này ở Seoul, cộng đồng người Việt lại bàn nhau tin phát hiện một đường dây môi giới cho người Hàn với cả trăm cô dâu VN ở TP.HCM. Lại nhớ cảnh phòng chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm chúng tôi cất cánh. Hàng chục cô gái chuẩn bị bay qua để sống với người chồng mà họ chưa thể giao tiếp bằng tiếng Hàn. Tại Tổng lãnh sự quán Hàn, nhiều cô gái vẫn đang xếp hàng chờ làm visa... Ít thấy ai trong số các cô đang rồng rắn xếp hàng đó ngẩng đầu lên.
Trao đổi với chúng tôi tại TP.HCM ngày 24-7, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kết hôn (TTHTKH) TP.HCM thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM - cho biết từ hiện trạng gia tăng số cô gái VN kết hôn với người nước ngoài, năm 2002 Chính phủ đã ban hành nghị định 68 cho phép hội phụ nữ các tỉnh (nếu hội đủ điều kiện) được phép lập các TTHTKH nhằm giúp các công dân VN và nước ngoài tìm hiểu nhau, tạo điều kiện để họ tiến tới hôn nhân bình đẳng, tránh bi kịch của những cuộc hôn nhân chớp nhoáng từ những đường dây môi giới bất hợp pháp. Từ đó, nhiều TTHTKH đã được thành lập. Nhưng đến nay phần lớn trung tâm vẫn thực hiện chức năng tư vấn hôn nhân trong nước hơn là giới thiệu hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Có lẽ một phần do công tác quảng bá của các trung tâm chưa rộng rãi nên ít được biết tới, một phần còn do ý thức hời hợt của các cô gái muốn tìm đến đường dây môi giới bên ngoài cho nhanh và dễ dàng. Bà Tuyết kể trung tâm của mình chuẩn bị cơ bản cho các cô dâu: có các khóa dạy tiếng, dạy nấu ăn và hướng dẫn văn hóa. Bà cho biết thêm: "Số điện thoại đường dây nóng Seoul và Đại sứ quán VN chúng tôi buộc các cô dâu thuộc nằm lòng trước khi về quê chồng". Song bà thừa nhận số các cô gái lấy chồng nước ngoài tìm đến trung tâm không nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận