Thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Phương Chinh |
Sáng 6-7, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát sỏi. Hội nghị do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng chủ trì.
Báo cáo kết quả xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi và công tác đấu tranh chống “cát tặc”, thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết sau gần một năm thực hiện kế hoạch, Công an các cấp đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 4.300 vụ, gần 3.000 đối tượng và thu giữ hơn 1.000 phương tiện vi phạm.
Tổng số tiền nộp phạt hơn 41 tỉ đồng, khởi tố 2 vụ vi phạm quy định về khai thác tài nguyên.
Theo thống kê cả nước đến tháng 5-2017 có hơn 800 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Những vi phạm phổ biến trong khai thác là không thả phao xác định mốc giới mỏ để khai thác ngoài phạm vi được cấp phép; khai thác vượt quá số lượng, phương tiện được cho phép, tổ chức bơm, hút bán trực tiếp cát sỏi trên sông…
Một số địa phương do thiếu sự quản lý chặt chẽ để một số mỏ khai thác vi phạm pháp luật dẫn tới bức xúc khiếu kiện như Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Đồng Nai…
Theo ông Vương, tình hình khai thác cát trái phép đã giảm đi, một số địa bàn trọng điểm đã được kiểm soát, tuy nhiên các đối tượng vẫn lén lút hoạt động ở một số địa điểm trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…
“Thủ đoạn hoạt động khai thác cát trái phép thường vào ban đêm, lợi dụng các ngày nghỉ lễ. Có nơi các đối tượng khai thác cát trái phép dùng bạo lực đe dọa, tranh giành địa bàn, phương tiện để khai thác cát trái phép và đối phó với cơ quan chức năng”, ông Vương nói.
Thượng tướng Vương cũng nhắc đến thực tế thời gian quan tại một số địa phương do tình trạng khai thác cát trái phép gây sạt lở mất đất canh tác nên nhân dân đã tự lập ra “chốt” để ngăn chặn chống lại hoạt động khai thác cát trái phép như ở các tỉnh Hải Dương, An Giang.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cát sỏi - Ảnh: Phương Chinh |
Theo ông Vương, thời gian tới, nhu cầu khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội ngày càng gia tăng. Trong khi hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản vẫn còn những tồn tại, bất cập, các đối tượng vi phạm vẫn sẽ dùng mọi phương thức, thủ đoạn đế vi pham để khai thác cát.
“Thậm chí có dấu hiệu bao che, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cấp ủy, chính quyền từ xã đến cấp tỉnh và các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Vương cảnh báo.
Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu tại hội nghị: “Đến lúc phải coi cát sỏi là vật liệu đặc biệt và có cách sử dụng đặc biệt, đưa vào khuôn khổ, sử dụng hiệu quả ngăn chặn vi phạm pháp luật để không còn tình trạng người dân mất nhà, mất đất vì khai thác cát”. “Nơi nào có dấu hiệu bảo kê, dấu hiệu sạt lở thì Công an cần khởi tố vụ án để điều tra, khi nào làm rõ vi phạm các cá nhân thì khởi tố bị can tính sau. Không thể để tình trạng tài nguyên đấy muốn làm gì thì làm. Tàu khai thác cát lớn thế có phải cái kim sợi chỉ đâu, người dân bức xúc thế chứ có phải không ai biết đâu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận