Bà hưởng thọ 94 tuổi.
Không chỉ là người vợ yêu thương của tướng Cao Văn Khánh với đám cưới đi vào lịch sử, 94 năm, bà Ngọc Toản đã sống một cuộc đời sôi nổi, rực rỡ.
Xuất thân từ gia đình thế phiệt với cha là quan Thượng thư Tôn Thất Đàn đời vua Khải Định - Bảo Đại, mẹ cũng là hậu duệ quan đại thần triều Nguyễn - Phạm Đăng Hưng, cô tiểu thư cành vàng lá ngọc Ngọc Toản lại tham gia những phong trào yêu nước rất sớm từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh.
Ba lần bị quân Pháp bắt rồi thả, gia đình đành cho phép cô gái lên đường theo kháng chiến. Ngọc Toản ra chiến khu, theo học trường y khoa tại Việt Bắc với bác sĩ Tôn Thất Tùng và được điều động tham gia công tác cứu thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhân duyên định mệnh và cả những sắp đặt công phu của các đồng chí đã se dệt nên tình yêu của cô quân y sĩ với thủ trưởng đại đoàn phó giữa chiến trường.
Vượt qua gian khổ, chiến tranh khốc liệt, đám cưới trong mơ của họ đã được tổ chức ngay trong hầm chỉ huy sở khi khói súng vừa tan.
Suốt đời vợ chồng, tướng Cao Văn Khánh lên đường với những chiến dịch liên miên, bà Ngọc Toản thành bác sĩ, miệt mài với công việc chuyên môn, với con cái và những vất vả thời chiến. Bà đã trở thành chủ nhiệm khoa sản Bệnh viện Quân đội trung ương 108, thành giáo sư - bác sĩ đầu ngành sản phụ khoa.
Một tay đỡ hàng ngàn em bé ra đời trong thiếu thốn, bà còn là một trong những người đầu tiên đặt dấu hỏi về những tác hại của chất độc da cam trên con người khi tham gia khảo sát, nghiên cứu hiện tượng mất kinh nguyệt của hơn 1.000 nữ thanh niên xung phong Trường Sơn năm 1967, tiếp đó là những hiện tượng quái thai xuất hiện ngày càng nhiều.
Hòa bình, tướng Cao Văn Khánh vẫn phải căng mình với những chiến dịch biên giới Tây Nam, Tây Bắc và rồi phát bệnh ung thư gan kịch phát và mất năm 1980.
Vài năm sau, một người con trai của bà cũng phát bệnh ung thư gan kịch phát rồi ra đi. Khi đó bà mới biết chồng mình cũng từng hứng trọn những cơn mưa của chất da cam trên núi rừng Trường Sơn.
Nỗi đau mất mát càng thôi thúc bà bước vào cuộc chiến mới: tìm những bằng chứng khoa học để đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam.
Sau khi nghỉ hưu, toàn bộ sức lực và tinh thần của bà dồn cho cuộc chiến mới này.
Bà cùng đồng nghiệp đi tới tất cả các kho tập kết chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh ở miền Trung, miền Nam để thu thập bằng chứng về những mảnh đất nhiễm độc gấp hàng ngàn lần mức cho phép, bà lập "bệnh án da cam" đầu tiên cho bác sĩ Dương Quỳnh Hoa - bộ trưởng y tế của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - để Việt Nam khởi kiện các nhà máy hóa chất Mỹ.
Bà đứng ra vận động xây dựng Quỹ Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam, viết báo và trò chuyện về chất độc da cam ở Việt Nam và quốc tế với tư cách "người trong cuộc".
Những năm sau này tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn tham gia những hoạt động vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam bất cứ khi nào có thể.
Năm 2024 này, năm cuối cùng của cuộc đời hàm chứa rất nhiều ý nghĩa với bà. Tháng 3-2024, bà cùng các con vượt 1.800km để đến Điện Biên trong những ngày rét đậm.
Bà viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm khu di tích, bước trong hầm De Castries… nơi in dấu tuổi thanh xuân và tình yêu bất diệt của ông bà.
Tháng 7-2024, trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại TP.HCM, người ta cũng được thấy bà xuất hiện đây đó trong cuộc triển lãm, trong đoạn phim tài liệu, trên loạt bài "Nhành hoa cưới trong hầm De Castries" của Tuổi Trẻ, tập sách ảnh Điện Biên Phủ - Vang mãi bản hùng ca của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á…
Một đời rực rỡ khép lại. Hôm nay các con sẽ đưa bà ra Hà Nội, lễ tang sẽ được tổ chức nơi bà đã gắn bó gần hết cả đời với sự nghiệp quân y.
Và rồi bà sẽ được an nghỉ tại đồi Bất Bạt, nơi người bạn đời Cao Văn Khánh vẫn chờ mong từ 44 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận