Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên thường trực Bộ Chính trị, nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN - phát biểu như vậy tại hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ VN lần thứ 8 do Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, tổ chức ngày 6-8.
Phóng to |
Ông Phạm Thế Duyệt phát biểu tại hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ VN lần thứ 8 - Ảnh: Lê Kiên |
Ông Phạm Thế Duyệt cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất là tại đại hội sắp tới (diễn ra tháng 9-2014), MTTQ VN cần phản ảnh đúng tình hình tâm tư trong nhân dân, tâm trạng xã hội.
“Tôi cho rằng đời sống áo cơm từng bước được nâng cao. Nhưng điều đáng suy nghĩ là tình cảm, suy nghĩ của dân với Đảng, của dân với Nhà nước qua việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách. Tôi tiếp cận với nhiều anh em cán bộ, đảng viên lão thành thì biết rằng có nhiều tâm tư, lo lắng. Những diễn biến rất phức tạp về tham nhũng, tiêu cực, có những địa phương hai, ba đời bí thư bị nêu danh trên báo, mới nghỉ hưu đã có những vấn đề bị đưa lên. Báo chí đưa như vậy là tốt. Nhưng chúng ta cần suy nghĩ gì về chống tham nhũng, về xây dựng Đảng, về những bức xúc trong dư luận. Nói yêu thì dễ nhưng để góp ý thẳng thắn, nói đúng tâm tư của người dân thì không dễ” - ông Duyệt phân tích.
“Phải phản ảnh cho được và phản ảnh trung thành ý kiến của nhân dân. Mặt trận phải dũng cảm nói lên sự thật, nói lên tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không được né tránh” - nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị tương tự.
Đó cũng là ý kiến của nguyên thường trực Ban Bí thư Phan Diễn.
Nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng đều cho rằng MTTQ VN cần phải làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
“Chúng ta đã lần nào phản biện ra trò, gây được tiếng vang chưa? Tôi cho rằng đây là điểm yếu của chúng ta. Phản biện đảm bảo thực hiện dân chủ XHCN, tránh được quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Mặt trận cần tập trung mạnh cho công tác này. Nếu chỉ nói lên nguyện vọng của nhân dân mà không có phản biện thì tiếng nói ấy sẽ nhạt và bị trôi qua rất nhanh” - ông Tùng nói.
Các ông Nguyễn Sỹ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tưởng Duy Lượng - phó chánh án TAND tối cao và bà Nguyễn Thị Bình đồng quan điểm “phản biện không cứ phải là chống lại chính sách, mà là phân tích để thấy rõ được các hệ lụy của chính sách đó”.
Ông Lượng bình luận: “Nếu Mặt trận làm tốt được nhiệm vụ phản biện, bảo vệ được lợi ích chính đáng của người dân mới tập hợp được lực lượng, nếu không thì Mặt trận trở thành một bộ máy khác của Nhà nước”.
Đa số ý kiến góp ý đề nghị văn kiện trình đại hội phải thể hiện rõ bối cảnh trong nước và ngoài nước, nhấn mạnh vào những nhiệm vụ trong giai đoạn tới, đặc biệt là gần đây nổi lên vấn đề nghiêm trọng về chủ quyền quốc gia.
“Vừa qua tình hình biển Đông phức tạp, Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta, tôi thấy có rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức lên tiếng nhưng lại thấy thiếu tiếng nói của Mặt trận. Đây là điều cá nhân tôi rất tâm tư suy nghĩ” - ông Phạm Thế Duyệt bày tỏ.
“Cần phải đề cập đến bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, chủ quyền quốc gia bị đe dọa, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước. Tôi cho rằng cuộc đấu tranh mới này sẽ lâu dài, phức tạp, chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng cho nhân dân” - bà Nguyễn Thị Bình nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận