Mỹ Anh thứ 3 từ trái sang. Sân khấu là trường học thực hành và nơi mưu sinh của các nghệ sĩ trẻ hát bội - TƯỜNG HÂN
Đêm xuống, lớp học bổ túc văn hóa tại trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao (TP.HCM) trở nên rộn ràng mỗi khi nữ sinh Hà Mỹ Anh vang lên câu hát bội. Cô là một trong sáu học viên mới do Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM tuyển chọn.
Lớn lên trong chiếc nôi dân ca, hè năm lớp 10, Mỹ Anh quyết tâm chuyển trường, theo đuổi sân khấu.
"Ban đầu em không thích hát bội nhưng càng tiếp xúc càng thấm, những bài lý hay không kém cải lương, lời hát vừa dễ thương vừa sâu xa, em hiểu ra nhiều tích truyện li kì ẩn sau đó" - Mỹ Anh nói rồi lấy hơi ngọt lịm vô đoạn lý ve sầu.
Không luyện hát qua trường lớp nào, Mỹ Anh cũng như nhiều người trẻ họa may biết đến hát bội qua vài lớp tuồng trên Internet. Ngày qua ngày, tiếng đàn cò, trống kèn náo nhiệt trở thành tiết tấu bản năng trong từng điệu bộ của cô diễn viên trẻ.
Nghệ sĩ hát bội tại TP.HCM vẫn sống tốt nhờ khán giả và chính sách hỗ trợ từ nhà nước - Ảnh: TƯỜNG HÂN
"Ba em dặn ráng học, ráng đi làm cho có tương lai, vừa có lương vừa đi đó đây phục vụ khán giả yêu thương mình" - Mỹ Anh chia sẻ.
"Nghề này nề nếp, cứ trống đánh là cả đoàn ngồi vào bàn ăn cơm, đến giờ tập trung tập luyện, không trễ nãi, không phân biệt đào chính hay kép phụ. Các anh chị, chú đạo diễn cùng lên sân khấu, hướng dẫn từng li từng tí vũ đạo và cách hát".
Được cảnh báo về đường nghề bôn ba, biểu diễn ngoài trời, hội đình, Mỹ Anh nói: "Nghề nào cũng có khó khăn, đều xuất phát từ vị trí thấp. Nhưng em tin miễn có đam mê, không gì không vượt qua được".
"Cứ khoác lên những trang phục đẹp, em thấy tự tin, khán giả cổ vũ càng làm mình phấn khích. Em thấy nghề này cũng không tới nỗi khổ cực, thích nhất những buổi diễn đông nghẹt bà con, ăn cơm hội đình sau màn hát chầu, nghệ sĩ sống chan hòa với nhau", cô tâm sự.
Chụp ảnh giao lưu với khán giả tại quảng trường Thuận Kiều (quận 5) - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Lăn lộn với đời sống ở tuổi trăng tròn, Mỹ Ánh tìm thấy niềm vui riêng. Mỗi sáng, em xách xe đi từ quận 12 qua quận 5 để học và làm ở rạp hát Thủ Đô. Đến tối, em đảo từ quận 5 qua quận 1 để học toán, văn và các môn văn hóa khác.
Đi tới đâu, em cũng chủ động giới thiệu hát bội, ca múa cho các bạn hình dung và nhận ra hát bội hay ho, thú vị.
Cần người trẻ gánh vác nghề sáng tác
Qua thăng trầm lịch sử, tuồng cũ viết bằng chữ Hán Việt đã được thuần Việt nhiều hơn để tồn tại trước thế hệ người xem mới.
"Quân bình đoàn hát bội này biểu diễn 150 suất diễn/năm. Tôi trong khả năng chỉ sáng tác 1-2 tác phẩm mỗi năm, không đủ phục vụ khán giả" - NSUT Hữu Danh đạo diễn, người thầy của nhiều học viên tại nhà hát bội chia sẻ.
"Thế hệ tôi và nghệ sĩ cùng thời đã già, cố sức truyền nghề cho lớp trẻ, kiếm ra một vài em có tố chất để viết kịch bản hay, gánh vác bộ môn nghệ thuật truyền này.
Từ thời tôi, trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là ĐH Sân khấu điện ảnh TP.HCM) chỉ mở một khóa đào tạo hát bội, không tuyển sinh thêm nên không còn ai được học bài bản để gánh vác làng hát bội thành phố này".
Ông nhắc đi nhắc lại tâm nguyện tìm được bạn trẻ thương yêu hát bội, đặc biệt có sở trường ở các thể thơ truyền thống như lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát, văn biền ngẫu...
"Con đường nghiên cứu hát bội và trở thành tác giả viết tuồng gay go lắm! Hy vọng học trò đi và viết, cảm xúc cao, có khả năng nhìn nhận xã hội cô đọng qua ngòi bút", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận