Đoàn bác sĩ trẻ Bệnh viện Bình Dân khám cho công nhân huyện Bình Chánh vào giữa tháng 5-2015 - Ảnh: Diệu Nguyễn |
Chính sách đãi ngộ là một trong những điều quan trọng, song đâu là mong muốn hàng đầu của sinh viên y khoa?
Ngoài những chính sách và chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế thì cần lưu ý thêm về việc kiến thức của họ cũng phải được thuận lợi nâng cao. Bởi nhu cầu lớn nhất của một bác sĩ không phải thu nhập cao mà là kiến thức sâu rộng |
PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong |
Sẵn sàng dấn thân, nếu...
Đa số sinh viên y khoa khi được hỏi nơi làm việc mà họ mong muốn đều cho biết sẽ ở lại thành phố làm việc. Đỗ Thanh Thư, sinh viên năm 2 ngành dược sĩ Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết dự định của bạn là sau khi ra trường sẽ tìm việc ở trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, Thư phân tích làm việc ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ là những trải nghiệm mới và thú vị vì ở đó người dân thật sự cần nhân viên y khoa.
“Tôi chọn ở lại thành phố làm việc nhưng nếu được điều động về vùng nông thôn, tôi sẵn sàng tham gia” - Thư nói.
“Để phát triển nghề nghiệp nhanh thì phải làm việc ở nơi có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Về vùng sâu, vùng xa chúng tôi sẵn sàng đi nhưng liệu nơi đó có đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp của chúng tôi hay không? Chúng tôi về vùng nông thôn làm việc nhưng người dân không tin tưởng, không dám đến khám thì cũng như không” - Nguyễn Võ Đức Anh, sinh viên ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nói.
Bản thân từng tham gia nhiều chuyến khám chữa bệnh thiện nguyện tại vùng sâu, vùng xa, Đức Anh cho biết những sinh viên y khoa mới ra trường thường sẽ không đòi hỏi nhiều về mức lương mà họ cần nơi làm việc có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt để phát triển nghề nghiệp.
Nói về các chính sách đãi ngộ của một số tỉnh, thành nhằm thu hút đội ngũ y bác sĩ trẻ, có trình độ về làm việc, Đức Anh cho rằng: “Những chế độ đãi ngộ đó lẽ ra phải là chính sách mà chúng tôi được hưởng. Ông bà ta có câu “an cư mới lạc nghiệp”. Chúng tôi về vùng sâu, vùng xa công tác thì trước hết điều kiện ở đó phải đủ để phục vụ nhu cầu nghề nghiệp của chúng tôi trước đã. Đưa người có trình độ, có bằng cấp cao về công tác nhưng địa phương lại không có cơ sở vật chất đủ để phục vụ thì phí đi tài năng của họ”.
Trong khi đó, sinh viên Võ Phú Sang, cử nhân khúc xạ nhãn khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lại chia sẻ: “ở mỗi nơi, mỗi cơ sở sẽ có những trải nghiệm thú vị về ngành nghề của bản thân. Tại thành phố thì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt hơn nên cơ hội học hỏi những kỹ thuật mới sẽ nhiều hơn. Ở vùng sâu, vùng xa thì người dân cần mình, mình về đó sẽ được người dân quý trọng hơn”.
Cùng suy nghĩ với Đức Anh về chính sách đãi ngộ, Sang cho hay: “Chế độ đãi ngộ sinh viên y khoa về vùng sâu, vùng xa làm việc phải là những chính sách cụ thể và đó là lẽ tất nhiên sinh viên y khoa phải được hưởng. Bởi đặc thù ngành này là học đã vất vả nhưng khi ra trường làm việc thì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên cần phải có những chính sách cụ thể để tạo động lực cho người trẻ về vùng sâu, vùng xa làm việc” - Phú Sang nói.
Cản trở duy nhất: sự học và nghiên cứu bị hạn chế
PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong, giảng viên khoa bác sĩ gia đình Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng: “Nếu có tinh thần tình nguyện cao, cho dù phân công về các bệnh viện xa xôi, nghèo thì dù thiếu thốn về vật chất họ vẫn sẵn sàng bước qua. Có một cản trở duy nhất mà mọi người e ngại chính là sự học và nghiên cứu bị hạn chế trong môi trường vùng sâu, vùng xa”.
Theo bác sĩ Phạm Thế Hiển - khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, sinh viên y khoa hiện nay ra trường xin được một chỗ làm rất khó vì đòi hỏi kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề. Vì thế, nhiều người ra trường chọn những nơi có nhiều bệnh nhân như các thành phố lớn, họ ở lại làm việc để lấy kinh nghiệm.
“Những người học nghề y khoa mới ra trường cần kinh nghiệm. Nếu phân công về những vùng sâu, vùng xa họ sẵn sàng đi nhưng bệnh nhân không đủ thì họ làm sao học hỏi kinh nghiệm. Ở Việt Nam bạn mất sáu năm để đào tạo ra bác sĩ tổng quát, sau đó hai năm học sau đại học thì mới vững tâm hành nghề. Do đó việc phân công bác sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp đại học về địa phương làm việc liệu có hợp lý? Niềm tin của bệnh nhân ở bác sĩ tuyến dưới nhìn chung giảm không biết tự bao giờ” - bác sĩ Hiển nói.
Tương tự, bác sĩ Phan Minh Hoàng, phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, cho rằng bản thân mỗi người hoạt động trong lĩnh vực y khoa đều muốn cống hiến công sức của mình để phục vụ và chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Theo bác sĩ Hoàng, hiện nay về chính sách tiền lương cho các bác sĩ còn quá thấp. Nhiều khi chi tiêu trong cuộc sống bị hạn hẹp, các bác sĩ phải làm thêm ở phòng khám tư nhân mới mở trong khi họ cần thời gian để công tác tại bệnh viện.
“Đối với các bác sĩ mới ra trường nên tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thêm định hướng chuyên khoa, sau đại học nhằm định hướng đúng chuyên ngành mà họ chọn. Từ đó họ mới phát huy hết khả năng của mình. Khi tạo điều kiện thuận lợi, chính sách lương bổng hỗ trợ đảm bảo được cuộc sống gia đình thì chắc chắn bác sĩ sẽ yên tâm công tác và thực hiện được ước mơ chăm sóc sức khỏe nhân dân” - bác sĩ Hoàng có ý kiến.
PGS-TS-BS Nguyễn Duy Phong đề xuất: “Vai trò của nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên ngay từ khi còn học là được tiếp cận với nhiều mặt bệnh đặc thù chỉ một số địa phương mới có, để khi họ tiếp cận sẽ không bỡ ngỡ và vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ dựa trên điều kiện tối thiểu mà cơ sở y tế đó đang có, không nhất thiết phải là những máy móc hiện đại mới có thể cứu người”.
Nói về chính sách đãi ngộ đối với người theo nghề y khoa, bác sĩ Phong cho hay trong quá trình trở thành một bác sĩ, bạn phải mất sáu năm để hoàn thành bằng bác sĩ đa khoa, nhưng để được hành nghề bạn phải có chứng nhận đã làm ở một cơ sở y tế trong 18 tháng.
Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa I lại tiếp tục học hai năm, sau năm năm mới được học tiếp bác sĩ chuyên khoa II trong hai năm và tiếp tục lên các học vị khác.
BS CKII về Ninh Thuận: được hỗ trợ 250 triệu đồng Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận vừa đưa thông tin tuyển bác sĩ với chế độ hỗ trợ ban đầu cho bác sĩ tốt nghiệp có xếp hạng trung bình, trung bình khá: 140 triệu đồng; khá: 160 triệu đồng; giỏi: 180 triệu đồng; thạc sĩ, BS-CKI, BS nội trú: 200 triệu đồng; TS-BS, BS-CKII: 250 triệu đồng. Nếu đối tượng tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM thì mức hỗ trợ ban đầu gấp 1,2 mức nêu trên. Ngoài ra còn được ưu tiên giao đất làm nhà ở, thuê nhà, ưu tiên giải quyết việc làm cho vợ hoặc chồng, tuyển dụng chính thức không qua thi hoặc xét tuyển, đảm bảo thu nhập 8 triệu đồng/tháng. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có nhu cầu tuyển ít nhất 140 bác sĩ các khoa nội nhi, ngoại nhi, gây mê hồi sức... với mức thu nhập từ 7,6 - 8 triệu đồng/tháng cùng hai tháng tiền thuê nhà; chế độ đãi ngộ ban đầu từ 50-180 triệu đồng tùy học vị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận