18/09/2013 06:00 GMT+7

Cô đã thay đổi đời tôi

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Tôi nhớ hồi lớp 1 (xưa là lớp năm), bà nội tóm được tôi trong góc vườn quất cho mấy roi mới lùa được tôi tới trường. Tôi ớn đi học. Trường lớp với tôi chỉ là những con chữ khô khan, là đứa lớn bắt nạt đứa bé, đứa học giỏi lên mặt với đứa học dở.

7Uiw8wUc.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Dĩ nhiên tôi luôn “đội sổ”, nhưng năm dốt nhất tôi nhớ là năm lên lớp ba.

Đầu óc u mê, tăm tối, thầy giảng bài tôi nghe như vịt nghe sấm, chẳng hiểu tí gì. Tôi liên tiếp nhận được con số 0 trong tập toán.

Ông thầy giáo hay đi ăn đám giỗ

"Cuộc đời em sẽ không là gì nếu như không có cô"

Trường sơ học gần nhà tôi thời ấy chỉ mở tới lớp ba, ở ấp Lộc Sơn, xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Thầy giáo già thường được phụ huynh mời đi ăn giỗ uống rượu. Để bảo đảm buổi lên lớp, vừa đáp lòng hiếu khách của phụ huynh, ông nghĩ ra một cách rất độc đáo. Mỗi khi đi nhậu, thầy nhờ lớp trưởng thay thầy dạy học (dĩ nhiên lớp trưởng là một gã cao to, già trước tuổi, trông rất có uy, được thầy huấn luyện kỹ năng làm thầy). Hắn lên bảng chép bài, giải toán, chấm điểm... giống y hệt thầy. Hắn cũng không ngần ngại cho những cái trứng to tướng, đỏ lòm vào vở tôi. Thầy đi vắng, hắn vừa làm “thầy” vừa chủ xị trò đỏ đen “bầu cua cá cọp”. Không biết hắn có ma thuật gì mà đứa nào tham gia trò đỏ đen cũng đều cháy túi. Thế là cay cú, đánh nhau.

Giữa lúc ấy, cô giáo mới xuất hiện, thay cho ông thầy giáo hay đi ăn đám giỗ. Cô tên Ba, hơi hô. Bọn học trò quỷ sứ lớp tôi đặt ngay cho cô biệt danh “cô Ba mỏ nhọn”. Sự xuất hiện của cô khiến lòng tôi le lói niềm hi vọng về một sự thay đổi... Nhưng rồi tình hình vẫn không sáng sủa gì hơn. Tên lớp trưởng “đại gian ác” vẫn được tin dùng. Buổi học hôm ấy, cô nhờ hắn chép lên bảng bài tập làm văn rồi giao phó cho hắn. Cô bỏ đi đâu không biết. Chép bài vào vở cho có lệ, cả lớp bắt đầu trò “bầu cua cá cọp”. Lớp trưởng thu cơ man tiền vào hầu bao của hắn.

Đang lúc hắn cười ha hả, dương dương tự đắc vì thắng được một quả lớn thì cô giáo xuất hiện. Cô yêu cầu lớp học trở lại vị trí ban đầu. Cô thu giữ bộ tang vật trò sát phạt đen đỏ, nghiêm mặt hỏi: “Ai đầu têu chuyện này?”. Cả lớp nhìn về phía hắn, lấm lét. Cô giáo nén giận hỏi tiếp: “Bao lâu rồi?”. “Thưa cô, hơn nửa niên học rồi”. Vượt qua nỗi sợ, tôi bật thốt lên. Cả lớp không giấu được ngạc nhiên trước sự dũng cảm đột xuất của tôi. Cô giáo buồn bã nhìn lớp trưởng: “Là người đứng đầu lớp, lẽ ra em phải là tấm gương tốt cho các bạn noi theo. Nhưng em đã làm ngược lại. Em còn đi bắt nạt những trò nhút nhát. Em có còn xứng đáng là lớp trưởng nữa không?”. Thoạt đầu hắn há hốc mồm vì ngạc nhiên. Thầy giáo cũ chưa bao giờ động đến hắn. Rồi dần dần mặt hắn xìu xuống. Hắn không dám nhìn ai nữa vì hổ thẹn.

Cô giáo nói: “Cô không bao giờ muốn nhìn thấy cảnh cờ bạc đỏ đen diễn ra trong lớp học nữa. Tạm thời cô muốn sắp xếp lại ban cán sự lớp. Cô nghĩ lớp trưởng cũ nên phụ trách phần học tập. Công bằng mà nói, em ấy học giỏi. Em ấy sẽ giúp đỡ các bạn yếu kém. Các em thấy thế nào?”. Cả lớp vỗ tay hưởng ứng.

Cô Ba nói tiếp: “Còn lớp trưởng, cô sẽ chọn bạn...”. Tay cô chỉ về phía tôi. Mọi người đều ồ à ngạc nhiên kêu lên. Tim tôi cơ hồ ngừng đập. Tôi mà là lớp trưởng ư? Một con bé mảnh khảnh như tăm nhang, học dở đội sổ. Tôi hốt hoảng kêu lên: “Không, không được đâu cô ơi!”. Cô Ba khẽ cau mày: “Tại sao trò ấy làm được mà em không làm được?”. “Vì... vì bạn ấy học giỏi hơn em. Vì tập của em chỉ toàn điểm hột vịt lộn!”. Cả lớp cười ồ. Cô Ba cũng không nín được cười. Rồi cô thôi cười, nghiêm nghị nói: “Cô tin rồi em sẽ học giỏi. Em hãy tự tin lên!”.

Đầu óc tôi sáng dần...

Kể từ hôm đó cô luôn sát cánh bên tôi. Cô xem rất kỹ vở tôi, đăm chiêu nhìn những trứng hột vịt lộn. Cô dường như muốn tìm ra cội rễ của sự tăm tối, ngu xuẩn ở tôi. Và rồi thật kỳ lạ, với cô, tôi không cảm thấy khó khăn khi thú nhận sự kém cỏi của mình. Cô giáo kiên trì giải thích cho tôi hiểu, bắt đầu từ điều đơn giản đến phức tạp. Sự giảng giải, dìu dắt của cô đến đâu làm đầu óc tôi bừng sáng đến đó.

Chỉ trong vài tuần tôi đã thay đổi hẳn. Hôm ấy là giờ kiểm tra toán đo lường. Lần đầu tiên tôi được điểm 10. Cả lớp ồ à ngạc nhiên. Và liên tiếp tôi luôn làm chúng bạn ngạc nhiên vì những con điểm 10. Tôi dần trở nên tự tin và mạnh mẽ. Đầu óc tôi sáng ra một cách khác thường. Tôi trở thành một lớp trưởng công bằng và thân thiện với tất cả mọi người. Lớp ba của tôi nổi nhất trường. Sau này, tôi hỏi cô Ba vì điều gì cô giáo đã chú ý, dìu dắt tôi. Cô đáp không chút phân vân: “Vì lòng thành thực của em. Cô làm điều đó không phải chỉ vì riêng em mà vì tất cả học trò của mình. Mỗi em đều có giá trị của riêng mình. Điều quan trọng là biết khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người!”.

Hết sơ học, tôi chuyển đến trường tiểu học to hơn, lên trung học, rồi vào đại học. “Không thầy đố mày làm nên”. Tôi vô cùng thấm thía câu tục ngữ ấy. Nếu không có cô Ba xuất hiện trong những ngày ảm đạm ấy, cuộc đời tôi mãi mãi nằm trong sự u mê, tăm tối. Cô Ba của tôi giờ ở đâu? Hơn 40 năm rồi, tôi không còn gặp lại cô. Tôi vẫn mong, vẫn tin một ngày nào đó được gặp lại cô Ba. Tôi sẽ quỳ xuống dưới chân cô mà nói rằng: “Cuộc đời em sẽ không là gì nếu như không có cô”.

Người cha, người mẹ thứ hai

Không chỉ là người lái đò bền bỉ đưa học trò đến bến bờ tri thức, thầy cô còn dành mọi điều tốt đẹp nhất cho học trò của mình. Những kỷ niệm với thầy cô tưởng chừng nhỏ nhặt, giản đơn nhưng đều khắc sâu trong tâm trí những trò nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn hay thiếu sự quan tâm của gia đình. Trong lòng họ, thầy cô đã trở thành những người mẹ, người cha, người nâng đỡ tri thức lẫn tinh thần giúp học trò vượt qua khó khăn, hướng đến giá trị sống tốt đẹp.

Đó là nội dung những câu chuyện mà ban tổ chức cuộc thi “Thầy tôi” tiếp tục nhận được trong những ngày qua, như các bài viết: “Ơn thầy” (Nguyễn Sang Kim Thanh - TP.HCM), “Thầy Nam Anh của tôi” (Vũ Thụy Phương Trang - TP.HCM), “Người thầy trong cuộc đời tôi” (Lê Tấn Thời - An Giang), “Như con tằm rút ruột nhả tơ” (Nguyễn Khôi - Hà Nội), “Người thầy của chúng tôi” (Hoàng Thị Nhã - Hải Dương), “Người đưa tôi đến với nghề dạy học” (Mai Đường - TP.HCM), “Người thay đổi đời tôi” (Lê Ngọc Bích Vân - TP.HCM), “Người mẹ lặng thầm” (Trần Bình Khang - TP.HCM), “Người thầy thân thiết nhất của tôi” (Trần Bảo Trân - TP.HCM), “Làm giáo viên không lương” (Nguyễn Cao Thắng - Hà Nội), “Vì ba là thầy giáo” (Hà Quỳnh Lâm - TP.HCM), “Hơn cả một người thầy” (Phạm Thị Hòa - Quảng Ngãi)... Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài dự cuộc thi “Thầy tôi” về địa chỉ báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc [email protected]. Mỗi bài viết không quá 1.200 chữ với tên thật, địa chỉ, số điện thoại của tác giả và nhân vật trong bài. Bài dự thi phải là bài chưa từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bạn đọc đừng quên gửi hình ảnh nhân vật (nếu có) và số tài khoản của tác giả. Bài được đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ sẽ được chấm nhuận bút theo quy định cùng cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn từ 3-20 triệu đồng/giải.

TUỔI TRẺ

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên